Bảo hiểm TNLĐ, BNN: Giảm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình

00:00 | 10/12/2022

Không chỉ là “điểm tựa” quan trọng, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong những trường hợp không may gặp biến cố, tai nạn…

Hỗ trợ, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người lao động

Gặp tai nạn lao động từ năm 2015 do bị xe cán trong nhà máy, anh Phan Đức Tài, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại thời điểm đó cuộc sống bị xáo trộn rất lớn vì anh là lao động chính trong nhà, cả gia đình gần như “điêu đứng” vì số tiền chữa trị quá sức so với hoàn cảnh kinh tế.

Hai vợ chồng anh Tài đều làm công nhân với đồng lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Sau khi bị tai nạn lao động, nhờ có sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gánh nặng chi phí đã vơi đi rất nhiều.

Anh Tài kể trước đây không tìm hiểu nhiều về các chế độ bảo hiểm, khi doanh nghiệp yêu cầu đóng những khoản gì thì thực hiện theo, nhưng sau khi bị tai nạn lao động và được hỗ trợ anh mới thấy việc tham gia có ý nghĩa rất quý giá khi gặp sự cố không may.

“Sau khi bị tai nạn lao động tôi mới biết rằng bảo hiểm có lợi ích rất lớn cho người lao động tham gia. Thời gian chữa trị, nhờ có bảo hiểm hỗ trợ khoảng 80% gia đình tôi đã đỡ được rất nhiều chi phí”, anh Tài nói.

Tai nạn lao động đã khiến anh Tài bị mất đi một bên tay phải, hiện anh đang được công ty nơi làm việc tạo điều kiện làm bảo vệ, hỗ trợ lương để mưu sinh dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng là trường hợp bị bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân lao, phổi, chị Nguyễn Thị Thu Minh (Hà Nội), hiện đang phải nghỉ chế độ do mất sức lao động.

Bảo hiểm TNLĐ, BNN: Giảm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình
Với nhiều gia đình, bảo hiểm tai nạn lao động đã hỗ trợ rất lớn cho chi phí điều trị

Trước đó, chị Minh có 18 năm làm công việc điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội). Từ năm 2013, do triệu chứng đau cột sống kéo dài, chị Minh được nghỉ mất sức, mỗi tháng nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng.

Theo chị Minh, thời điểm đó, cuộc sống rất vất vả nhưng nhờ có hỗ trợ từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về chi phí mổ, điều trị, hiện chị đã dần ổn định cuộc sống và tự lo được cho bản thân. “Trong giai đoạn khó khăn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất có ý nghĩa với những lao động khó khăn như chúng tôi, nhờ đó tôi đã vực dậy được tinh thần”, chị Minh nhớ lại.

Căn cứ theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau: Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc giờ làm việc nhưng đang thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc người lao động tai nạn trên quãng đường di chuyển từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại với tuyến đường hợp lý; người lao động bị suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5% sau tai nạn.

Người lao động được hỗ trợ gì khi bị tai nạn lao động?

Chế độ đối với người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ) được quy định rất chặt chẽ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ngày 28/12/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 28) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chế độ này.

Sự hỗ trợ đầu tiên mà NLĐ bị TNLĐ được nhận là từ người sử dụng lao động. Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với NLĐ bị TNLĐ.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị TNLĐ; tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ.

Người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Ngoài ra, theo Điều 3 Thông tư 28, người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ trong trường hợp NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ này gây ra, tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết.

Mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết.

Mức bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Theo Điều 4 Thông tư 28, trong trường hợp nguyên nhân xảy ra TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ gây ra và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người sử dụng lao động phải trợ cấp TNLĐ cho NLĐ.

Mức trợ cấp ít nhất 12 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ.

Mức trợ cấp ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,16 tháng tiền lương.

Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra TNLĐ. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước thời điểm xảy ra TNLĐ.

Ngoài phần bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động, NLĐ có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi bị TNLĐ và đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp TNLĐ quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Theo Điều 48 của luật này, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Theo Điều 49, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-hiem-tnld-bnn-giam-ganh-nang-kinh-te-cho-nhieu-gia-dinh-180038.html

In bài viết