Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “Điểm tựa” khi lao động gặp nạn

00:00 | 20/11/2022

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chỉ là “điểm tựa” quan trọng mà còn hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong những trường hợp không may gặp biến cố tai nạn lao động…

Gặp tai nạn lao động từ năm 2015 do bị xe cán trong nhà máy, anh Phan Đức Tài, quê ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nhớ lại thời điểm đó cuộc sống bị xáo trộn rất lớn vì anh là lao động chính trong nhà, cả gia đình gần như “điêu đứng” vì số tiền chữa trị quá sức so với hoàn cảnh kinh tế.

Hai vợ chồng anh Tài đều làm công nhân với đồng lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Sau khi bị tai nạn lao động, nhờ có sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gánh nặng chi phí đã vơi đi rất nhiều.

Anh Tài cho biết trước đây không tìm hiểu nhiều về các chế độ bảo hiểm, khi doanh nghiệp yêu cầu đóng những khoản gì thì thực hiện theo, nhưng sau khi bị tai nạn lao động và được hỗ trợ anh mới thấy việc tham gia có ý nghĩa rất quý giá khi gặp sự cố không may.

“Sau khi bị tai nạn lao động tôi mới biết rằng bảo hiểm có lợi ích rất lớn cho người lao động tham gia. Thời gian chữa trị, nhờ có bảo hiểm hỗ trợ khoảng 80% gia đình tôi đã đỡ được rất nhiều chi phí”, anh Tài nói.

Tai nạn lao động đã khiến anh Tài bị mất đi một bên tay phải, hiện anh đang được công ty nơi làm việc tạo điều kiện làm bảo vệ, hỗ trợ lương để mưu sinh dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng là trường hợp bị bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân lao, phổi, chị Nguyễn Thị Thu Minh (Hà Nội), hiện đang phải nghỉ chế độ do mất sức lao động.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “Điểm tựa” khi lao động gặp nạn
Quỹ Bảo hiểm TNLĐ luôn là chỗ dựa vững chắc với người lao động

Trước đó, chị Minh có 18 năm làm công việc điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội). Từ năm 2013, do triệu chứng đau cột sống kéo dài, chị Minh được nghỉ mất sức, mỗi tháng nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng.

Theo chị Minh, thời điểm đó, cuộc sống rất vất vả nhưng nhờ có hỗ trợ từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về chi phí mổ, điều trị, hiện chị đã dần ổn định cuộc sống và tự lo được cho bản thân. “Trong giai đoạn khó khăn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất có ý nghĩa với những lao động khó khăn như chúng tôi, nhờ đó tôi đã vực dậy được tinh thần”, chị Minh nhớ lại.

Căn cứ theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau: Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc giờ làm việc nhưng đang thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc người lao động tai nạn trên quãng đường di chuyển từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại với tuyến đường hợp lý; người lao động bị suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5% sau tai nạn.

Trường hợp nào được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động?

Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cụ thể như sau:

"Điều 43. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định."

Điều kiện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động?

Đối với điều kiện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động thì tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định cụ thể như sau:

"Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này."

Thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động là khi nào?

Đối với quy định về thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động thì tại Điều 50 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:

"Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa."

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-hiem-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-diem-tua-khi-lao-dong-gap-nan-179164.html

In bài viết