Bước đột phá lịch sử tại COP27

18:42 | 22/11/2022

Dù phải kéo dài hơn hơn dự kiến song COP27 đã nhận được đền đáp xứng đáng khi đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Liên hợp quốc công bố dự thảo đầu tiên về thỏa thuận chung của hội nghị COP27 Liên hợp quốc công bố dự thảo đầu tiên về thỏa thuận chung của hội nghị COP27
COP27: Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết COP27: Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) theo kế hoạch kết thúc vào ngày 18/11/2022. Tuy nhiên, hội nghị quy mô lớn với sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu, trong đó có hơn 100 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chỉ khép lại vào sáng rạng ngày 20/11 sau cuộc đàm phán marathon xuyên đêm khi Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry kiêm Chủ tịch COP27 gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị cuối cùng của COP27 đã được thông qua bằng sự đồng thuận.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry (giữa), và các nhà đàm phán tham dự phiên toàn thể bế mạc COP27 ngày 20/11 (Ảnh: Reuters).
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry (giữa), và các nhà đàm phán tham dự phiên toàn thể bế mạc COP27 ngày 20/11 (Ảnh: Reuters).

Trong thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng, đại diện các quốc gia tham dự COP27 đã đồng thuận thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động tiêu cực của sự nóng lên toàn cầu. Đồng thời, hội nghị cũng đã thông qua những điều khoản về việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nghiêm trọng... cho tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.

Việc thành lập quỹ đặc biệt đền bù “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang phát triển vốn không có trong chương trình nghị COP27 khi mạc ngày 6/11/2022. Dưới đề nghị và áp lực của các nước đang phát triển chiếm đa số tại hội nghị, nội dung này ngay sau khi được lên bàn đàm phán đã gây ra những tranh luận gay gắt.

Không mấy ai phản đối việc có hỗ trợ tài chính cho những đang phát triển - vốn ít gây ra phát thải gây hiệu ứng nhà kính song lại phải chịu những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, song đóng góp tài chính thế nào, bao nhiêu… lại là điều khó tìm tiếng nói chung. Các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có - đồng thời cũng là những “thủ phạm” chính thải ra nhiều nhất khí thải làm trái đất nóng lên, trước nay vẫn luôn tìm cách né tránh ràng buộc tài chính lại càng muốn né tránh vào lúc này khi phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, lạm phát tăng cao, nguy cơ rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, dù né tránh cách nào, cả thế giới đều thấy rõ mười mươi những thiệt hại nặng nề do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặc dù phát thải ít nhất, những trên thực tế các nước đang phát triển lại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trước những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng. Một nghiên cứu công bố trước đây cho biết, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất 290-580 tỷ USD/năm vào năm 2030 và vọt lên 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050.

Thực tế thời gian qua cho thấy, hậu quả biến đổi khí hậu còn đến sớm và nặng nề hơn rất nhiều cho các quốc gia đang phát triển, các nước nghèo.

Dù lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD.

Pakistan được nêu ra COP27 như một trong những trường hợp điển hình của quốc gia đang phát triển phát thải thấp nhưng lại phải chịu tổn thất nghiêm trọng cho biến đối khí khậu. Theo đó, quốc gia này phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của do thời tiết biến đổi cực đoan dù chỉ góp chưa đầy 1% vào tổng lượng khí thải toàn cầu khiến trái đất nóng lên.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết các trận lũ lụt kinh hoàng tại nước này hồi tháng 8-2022 xảy ra sau 2 tháng sóng nhiệt hoành hành đã ảnh hưởng đến 33 triệu người dân và nhấn chìm hơn 30% diện tích cả nước. Trận lũ lụt này đã khiến 1.700 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, ruộng vườn và gia súc mưu sinh… với tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển vì thế là một vấn đề đạo lý khi nạn nhân phải chịu hậu quả do “thủ phạm” gây ra mà không nhận được sự đền bù nào hay chỉ là nhỏ giọt hay mang tính tượng trưng. COP27 do đó lần đầu tiên nêu vấn rõ là đền bù “tổn thất và thiệt hại” chứ không phải bằng mỹ từ “hỗ trợ tài chính” nhằm minh định rõ trách nhiệm của các quốc gia công nghiệp phát triển cũng như các tập đoàn, công ty phát thải nhiều trên thế giới.

Thỏa thuận lập quỹ đặc biệt đền bù “tổn thất và thiệt hại” được xem như là một bước đột phá lịch sử trong suốt tiến trình COP từ trước tới nay cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, để thỏa thuận này đi vào cuộc sống lại là vấn đề không kém phần quan trọng.

Trước đó, tại COP15 diễn ra ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch năm 2009, các nước công nghiệp giàu với mức phát thải nhiều nhất đã cam kết đến năm 2020 cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ cho các nước nghèo. Song, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tới nay đã quá thời hạn 2 năm mà cam kết này chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn thiếu hụt 17 tỷ USD mỗi năm.

Ông Seve Paeniu, Bộ trưởng Tài chính đảo quốc Tuvalu đang có nguy cơ biến mất dưới làn nước biển Thái Bình Dương, khi nhìn nhận về bước đột phá lịch sử tại COP27 đã cho rằng, cuối cùng cũng tìm được “công lý về biến đổi khí hậu”. Nhưng để công lý này được thực thi có lẽ cần thêm một chặng đường dài với rất nhiều việc phải làm.

COP27: Việt Nam và Mỹ khẳng định hợp tác thực hiện các cam kết về khí hậu COP27: Việt Nam và Mỹ khẳng định hợp tác thực hiện các cam kết về khí hậu
Ngày 7/11, Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nhằm thảo luận về hợp tác thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo Tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo
Nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, Côn Đảo gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch biển đảo.

Dương Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/buoc-dot-pha-lich-su-tai-cop27-178853.html

In bài viết