Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển

08:39 | 08/11/2022

Từ một vùng đất ven nội đô, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, sau 25 năm hình thành và phát triển (1/9/1997 – 1/9/2022), quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bứt phá trên mọi lĩnh vực và đã thực sự "thay da đổi thịt".

Từ một quận non trẻ thành quận trung tâm

Được thành lập từ năm 1997, quận Cầu Giấy còn mang nhiều dáng dấp của vùng nông thôn với diện tích nông nghiệp lớn, hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch. Trình độ năng lực quản lý đô thị còn thấp và không đồng đều…

Song, sau 25 năm, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, UBND TP, kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất có bề dày lịch sử vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy đã đoàn kết đồng lòng, tập trung trí tuệ, nỗ lực lao động, sáng tạo, phát huy thế mạnh, khơi dậy tiềm năng, tạo nên những thành quả to lớn, rất đáng tự hào.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển

Quân Cầu Giấy đang trên đà phát triển

Trong suốt những chặng đường đã qua, dù ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, nền kinh tế của quận luôn được các thế hệ lãnh đạo quận Cầu Giấy định hướng phát triển mạnh theo đúng cơ cấu mà Nghị quyết Đại hội đề ra: Dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân trên địa bàn.

Cụ thể, nếu như năm 1998 trong cơ cấu nền kinh tế của quận, tỷ trọng dịch vụ chiếm 29,56%, công nghiệp và xây dựng 68,59%, nông nghiệp 1,85% thì đến năm 2006, quận không còn sản xuất nông nghiệp. Ước năm 2022, tỷ trọng dịch vụ đạt 63,47%, công nghiệp và xây dựng đạt 36,53%...

Đặc biệt, quận Cầu Giấy tự hào là nơi có Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội và là khu thứ 3 của Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận với cơ sở hạ tầng hiện đại, hiện thu hút hơn 19.000 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu nền kinh tế, công tác thu ngân sách trên địa bàn quận cũng là một dấu ấn lớn, khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng Cầu Giấy ngày một phát triển, hiện đại của các thế hệ lãnh đạo quận Cầu Giấy.

Năm 1998, thu ngân sách toàn quận chỉ đạt 35 tỷ đồng thì chỉ sau một thập kỷ, năm 2007, con số này đã vươn lên gấp 31 lần, đạt 1.100 tỷ đồng. Và 5 năm sau, năm 2012, số thu ngân sách tiếp tục tăng gấp đôi, đạt 2.136 tỷ đồng. Năm 2016, ngân sách toàn quận lên tới 6.293 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2012 và 180 lần năm 1997.

Năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận Cầu Giấy ước đạt 9.278,6/6.855 tỷ đồng, đạt 135,36% dự toán TP giao, bằng 130,46% thực hiện năm 2020. Trong đó, thu thuế từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 3.846 tỷ đồng, bằng 101,45% dự toán.

Năm 2022, vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, quận được giao 9.202,470 tỷ đồng, tăng gần 263 lần so với thời điểm được tách ra từ huyện Từ Liêm - đây là những chỉ số hết sức ngoạn mục.

Bứt phá trên mọi lĩnh vực

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy và với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố; sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố, quận đã bứt phá trên mọi lĩnh vực, diện mạo đô thị Cầu Giấy phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, quận Cầu Giấy vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Cụ thể, kinh tế quận phát triển vượt bậc theo cơ cấu dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng với trên 19.700 doanh nghiệp và gần 9.550 hộ kinh doanh cá thể. Thu ngân sách quận đạt 9.480 tỷ đồng, gấp 270 lần so với năm đầu thành lập, là một trong những quận đứng đầu Thành phố về thu NSNN, đóng góp lớn vào cân đối ngân sách Thành phố.

Song song với phát triển kinh tế, quận đã quan tâm phát triển văn hóa – xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân. Tiêu biểu là những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đến nay, toàn quận đã có 95 trường học.

Trong đó có 35 trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao với 10 Nhà giáo ưu tú, 315 nhà giáo đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi thành phố, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học, THCS luôn duy trì trên 99,5%.

14 năm liền, quận Cầu Giấy dẫn đầu thành phố về kết quả thi vào lớp 10 THPT. Lĩnh vực an sinh – xã hội cũng được quan tâm với tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 91,7% dân số, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 39,37% và BH thất nghiệp đạt 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, từ năm 2017, Cầu Giấy là quận đầu tiên của Thành phố không còn hộ nghèo, 100% người có công, gia đình chính sách, đối tượng xã hội được quan tâm chăm sóc dưới mọi hình thức..., quận đã vận động xã hội hóa được gần 20 tỷ đồng cho các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa".

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được cấp ủy Đảng, chính quyền quận Cầu Giấy đặc biệt quan tâm đầu tư, đến năm 2013, Cầu Giấy là một trong 3 quận, huyện của Thành phố có 100% phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, Trung tâm y tế quận là đơn vị đầu tiên thực hiện công bố thủ tục đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Năm 2002, Cầu Giấy là một trong những đơn vị đi đầu đề xuất và chủ động tổ chức tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo minh bạch, chống lạm dụng, lợi dụng, tham nhũng, tăng mức đóng góp ngân sách Thành phố.

Chính vì vậy, 25 năm qua, diện mạo đô thị Cầu Giấy phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Công tác cải cách hành chính được coi trọng, trọng tâm là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

3 năm liền từ 2019 đến 2021, Cầu Giấy giữ vững danh hiệu top đầu 5 quận, huyện và liên tục đứng thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính, năm 2021, quận dẫu đầu 30 quận, huyện về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính. An ninh – Quốc phòng được giữ vững góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả toàn diện, Ban Chấp hành Đảng bộ Quận qua 6 nhiệm kỳ đã luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch công tác phù hợp với tình hình thực tế của quận.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quận ủy triển khai Nghị quyết chuyên đề về tăng cường quản lý đảng viên, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát triển đảng viên trẻ ở cơ sở, trong năm 2022 đã phát triển được 4 đảng viên đang là học sinh THPT.

Công tác xây dựng chính quyền được thực hiện thường xuyên, các cơ quan chính quyền được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND - UBND các cấp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ vững ổn định tình hình và xây dựng chính quyền vững mạnh.

Công tác xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội được chú trọng, tăng cường đổi mới phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò trong công tác vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong quận tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, thực hiện dân chủ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị quận trong sạch, vững mạnh; đưa quận ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quan-cau-giay-ha-noi-nhin-lai-25-nam-xay-dung-va-phat-trien-178112.html

In bài viết