Số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm

10:52 | 23/09/2022

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá số người được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.378 người, giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 4.737 người (Trung bình mỗi tháng giải quyết cho 200 người và gần 400 người hưởng trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một lần). Số liệu được BHXHVN thống kê qua từng năm.

Bên cạnh đó, giải quyết hưởng mới hàng tháng đối với 62 người phục vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 456 người bị tai nạn giao thông được hưởng tai nạn lao động. Giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 255 trường hợp dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 5.672 trường hợp giám định thương tật; 1.015 người bị tai nạn giao thông được hưởng tai nạn lao động. Hỗ trợ phòng ngừa chia sẻ rủi ro đối với 4.977 trường hợp. Mua bảo hiểm y tế cho 10.464 trường hợp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá số người được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Số người được giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng giảm 11% và giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần giảm 17%.

Số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm
Số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã giảm

Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần năm 2021 là 180 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020 tương ứng với giảm 22,3 tỷ đồng; Tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng tính đến hết năm 2021 là 697 tỷ đồng, trong đó, số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng năm 2021 là 2,5 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020 tương ứng giảm 254 triệu đồng; Tổng số tiền hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 1.1 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020 tương ứng khoảng 400 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc số người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết có một phần nguyên nhân do tình hình dịch COVID-19 làm giảm số người đi khám giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị ngừng hoạt động, cắt giảm số lượng nhân công do dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến số người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm vừa qua.

Cũng theo ngành Bảo hiểm xã hội, những năm qua công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng theo quy định của pháp luật. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chi trả trợ cấp qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khẳng định công tác này còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc từ người lao động hoặc cá nhân liên quan; đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, Quỹ Bảo hiểm xã hội trong trường hợp kết luận không đúng…) để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn nhiều, phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được tập huấn, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn lao động. Số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp họ không được hưởng chế độ trợ cấp, dẫn đến gặp khó khăn trong việc chữa trị, phục hồi chức năng, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận tai nạn lao động. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Quy định mới về mức đóng bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Nghị định số 58/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020 áp dụng cho các đối tượng là người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH); Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong BHXH bắt buộc.

Theo Nghị định, hằng tháng NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động quy định tại Điều 2 Luật BHXH (trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình) bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đồng thời, được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Nghị định quy định: NSDLĐ hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH. NSDLĐ là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định. Phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, ba tháng hoặc sáu tháng một lần.

Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường quy định tại Nghị định này nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:

Trong vòng ba năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.

Bên cạnh đó, thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động (TNLĐ) và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất.

Ngoài ra, tần suất TNLĐ của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất, hoặc không để xảy ra TNLĐ tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.

NSDLĐ có nhu cầu áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực.

Bộ LĐTB&XH có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/so-nguoi-huong-tro-cap-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-giam-175844.html

In bài viết