Cần chế tài buộc cán bộ bị kỷ luật, mất uy tín phải “rời ghế"

15:29 | 14/09/2022

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu đợi cán bộ sai phạm tự nguyện tự chức rất khó vì chức quyền đi liền với danh dự, bổng lộc, quyền lợi. Do đó, cần thiết phải có chế tài buộc rời khỏi chức vụ khi bị kỷ luật, thay vì chờ sự tự nguyện.

Cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Theo đó, Bộ Chính trị có chủ trương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu người đó không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Nhiều quan điểm đồng tình với chủ trương của Bộ Chính trị và cho rằng, đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, đảng viên là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên.

Bà Bùi Thị An, nhà khoa học, ĐBQH khóa 13 đánh giá cao thông báo mới của Bộ Chính trị. Bà An cho rằng cán bộ ở vị trí càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Việc cán bộ bị kỷ luật từ chức cũng thể hiện sự nêu gương.

Bà An cũng cho rằng cán bộ bị kỷ luật, năng lực không đáp ứng được, uy tín không đủ thì nên từ chức, điều này làm giảm bớt sự căng thẳng trong nội bộ. “Cán bộ đã bị kỷ luật thì nên rút trước khi tổ chức quyết định thì sẽ nhẹ nhàng hơn là khi anh cố tình tham quyền cố vị”, bà An nói.

Cần chế tài buộc cán bộ bị kỷ luật, mất uy tín phải “rời ghế
Đại biểu Quốc hội khoá 13 Bùi Thị An

Theo bà An, từ trước đến nay, việc từ chức chưa là thói quen. Lý do là quyền gắn với rất nhiều lợi ích, bổng lộc cho họ, gia đình họ, thậm chí dòng họ của họ. Do đó một số người vì cá nhân chủ nghĩa không muốn rời ghế đó.

ĐBQH khóa 13 Bùi Thị An cho rằng kết luận này của Bộ Chính trị ra đời rất phù hợp. Bởi vì trước đây có những trường hợp vi phạm nhiều lần, nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục được bổ nhiệm. Bộ Chính trị cần rà soát vấn đề này, xem những “lỗ hổng” nào trong công tác cán bộ. Thêm vào đó, cần có giải pháp nếu không chủ động từ chức thì cần có biện pháp cách chức, không bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Ngoài ra, theo bà An, cần xem xét công tác tham mưu cán bộ, có người nào bao che, buông lỏng để cho cán bộ sai phạm vẫn tiếp tục được bổ nhiệm vị trí cao hơn.

“Cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, thành cũng do cán bộ mà bại cũng do cán bộ. Công tác cán bộ có nhiều khâu như quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, quản lý sau khi bổ nhiệm…Tuy nhiên, muốn vào ghế này ghế kia thì phải có đội ngũ tham mưu và nếu có dấu hiệu tiêu cực trong công tác tiến cử, tham mưu thì cần phải xử lý”, bà An nêu.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng khuyến khích tự giác từ chức với những cán bộ bị kỷ luật, không còn bảo đảm yêu cầu về uy tín và năng lực là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhất quán với tinh thần thể hiện trong Quy định số 41 – QĐ/TW ban hành tháng 11.2021.

Theo đó, những cán bộ vi phạm mà chưa đến mức quá nghiêm trọng, chưa đến mức phải khai trừ Đảng hay xử lý hình sự thì nên tự xem xét và có thể tự giác từ chức để nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Những người từ chức không có nghĩa là mất hết mà họ vẫn có thể được bố trí việc làm phù hợp nếu có nguyện vọng tiếp tục làm việc.

Cần chế tài buộc cán bộ bị kỷ luật, mất uy tín phải “rời ghế
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

“Thực tế, bất kỳ sự vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật, dù chỉ là khiển trách hay cảnh cáo, thì cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của cá nhân đang đảm nhiệm vị trí và vai trò lãnh đạo, quản lý. Do đó, trong nhận thức của những người xung quanh thì cá nhân đó có thể đã không còn bảo lưu được sự thuyết phục, tính chính đáng nếu tiếp tục tại vị”, ông Đáng nói.

Cần cụ thể hóa trong luật

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, ĐBQH khóa 11, 12 cho rằng việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức là quan điểm hết sức đúng đắn và kịp thời của Bộ Chính trị.

Theo ông Đào, về sử dụng, phân loại cán bộ, trước nay thường là ở các mức hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về việc những cán bộ có năng lực thấp, hiệu quả điều hành kém… mà rời khỏi chức vụ một cách tự nguyện.

Thực tế, theo ông Đào, việc cán bộ sai phạm từ chức là điều này từ trước đến nay khá ít. Tâm lý chung thì không ai muốn tự nguyện rời khỏi chức vụ, cho dù có bị phê bình, khiển trách, cảnh cáo. Xã hội cũng khá bức xúc bởi sự chây ì của một bộ phận cán bộ này. Do vậy, Bộ Chính trị ra thông báo này cũng rất đúng với thực tiễn, cho thấy nói “không” với cán bộ có sai phạm nhưng chưa đến mức truy tố, xử lý hình sự.

Tuy nhiên, ông Đào cho rằng đây mới là quyết định của Bộ Chính trị, vì vậy cần được cụ thể hóa bằng luật. Theo đó, cần sửa đổi luật công chức, viên chức, đưa vào chế tài cụ thể. Ví dụ mức độ vi phạm, số lần vi phạm thế nào thì buộc phải từ chức.

“Đợi họ tự nguyên tự chức rất khó vì chức quyền đi liền với danh dự, bổng lộc, quyền lợi. Thậm chí nhiều khi năng lực họ kém thì họ phải bám vào cơ quan nhà nước làm chỗ dựa chứ ra ngoài khu vực tư nhân họ không thể phát triển được”, ông Đào nói và cho rằng vì những lý do đó, cần thiết phải có chế tài buộc thôi việc, buộc rời khỏi chức vụ khi sai phạm đến một mức nào đó thay vì chờ sự tự nguyện.

TS Nguyễn Văn Đáng cũng cho rằng từ chức trước hết phụ thuộc vào sự tự giác và những động lực bên trong của cá nhân nên rất ít khi xảy ra, bởi thế, để thúc đẩy những cá nhân vi phạm tự nguyện trả lại vị trí công quyền thì cần thêm sức ép đến từ bên ngoài.

Theo ông Đáng cần công khai các vi phạm và hình thức kỷ luật của cá nhân để tạo sức ép từ dư luận xã hội. Dư luận xã hội phản ánh sự đánh giá của số đông thành viên trong xã hội, giúp cá nhân hiểu thêm về cái gì là đúng đắn và chính đáng từ góc nhìn xã hội. Bởi thế, dư luận xã hội có thể tạo một áp lực đủ lớn để những cá nhân vi phạm dứt khoát hơn trong việc tự giác từ chức.

Đồng thời, điều quan trọng hơn là vai trò của tổ chức Đảng trong mỗi cơ quan, đơn vị trong công tác tư tưởng, phân tích thấu đáo từng trường hợp và đề ra những lựa chọn hợp lý nhất cho cả cá nhân và tổ chức. Tổ chức Đảng chính là yếu tố giúp cá nhân cân bằng được những cảm xúc, suy nghĩ chủ quan và áp lực dư luận xã hội, từ đó có thể có được những quyết định duy lý, đúng đắn, và chính đáng nhất cho cá nhân và tập thể.

Ngoài ra, cần thể chế hóa trách nhiệm của cá nhân trước các mức độ vi phạm khác nhau.

“Nếu chúng ta không muốn phụ thuộc vào ý thức tự giác của cá nhân thì cần ban hành các quy định cụ thể về việc cá nhân phải rời vị trí gắn với các mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật. Khi đó, cơ quan, đơn vị sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý các trường hợp đồng thời cá nhân cũng tự biết quy trình xử lý nếu họ không từ chức, nhờ đó cũng thúc đẩy hành vi tự giác từ chức”, ông Đáng nhấn mạnh.

Quang Minh

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-che-tai-buoc-can-bo-bi-ky-luat-mat-uy-tin-phai-roi-ghe-175386.html

In bài viết