Sinh viên Lào và kỷ niệm về những ngày Tết ấm áp trên quê hương thứ hai

06:11 | 20/08/2022

Du học xa nhà, nhưng với tình yêu thương, sự sẻ chia và quan tâm của các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương, thầy cô giáo và bạn bè, du học sinh Lào đã được đón những ngày Tết cổ truyền Bunpimay của dân tộc Lào ấm cúng trên quê hương thứ hai.
3.000 sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia tại TP.HCM giao lưu văn hoá và đón Tết cổ truyền 3.000 sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia tại TP.HCM giao lưu văn hoá và đón Tết cổ truyền
Hải Phòng tổ chức giao lưu hữu nghị, tặng quà cho sinh viên Lào Hải Phòng tổ chức giao lưu hữu nghị, tặng quà cho sinh viên Lào

Tết Bunpimay thân thuộc như ở quê nhà

Cứ vào tháng 4 hằng năm, người dân Lào vui đón Tết cổ truyền Bunpimay. Trong dịp này, người Lào thường tập trung ở các đền, chùa, nghe các nhà sư giảng đạo, tham gia lễ hội té nước, buộc chỉ cổ tay để cầu nguyện cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc, niềm vui, tài lộc, may mắn.

Với những ngôi trường, địa phương ở Việt Nam có cộng đồng du học sinh Lào, Bunpimay còn là dịp bày tỏ sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, học sinh, sinh viên Việt Nam đến những người bạn Lào, là cầu nối củng cố mối quan hệ anh em Việt – Lào. Nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại các trường đại học, từ biểu diễn văn nghệ, té nước, buộc chỉ cổ tay, đến giới thiệu văn hóa, ẩm thực Lào, để lại những kí ức khó quên trong lòng du học sinh Lào tại Việt Nam.

Sinh viên Lào và kỷ niệm về những ngày Tết ấm áp trên quê hương thứ hai

Tết Bunpimay của du học sinh Lào ở Việt Nam được tổ chức như ở quê nhà với các phong tục truyền thống như buộc chỉ cổ tay...

(Ảnh: Hải Triều).

Trong dịp lễ Bunpimay năm 2022 vừa qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đại học Huế, Hội hữu nghị Việt–Lào tổ chức một buổi kỷ niệm với những nghi thức truyền thống: bắt đầu với nghi thức té nước, cầu may, buộc chỉ cổ tay, kết thúc bằng những tiết mục múa lăm vông trong trang phục truyền thống của đất nước Lào, thưởng thức ẩm thực, âm nhạc Lào.

Phimmachanh Luckyjane, sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - một trong số 400 lưu học sinh tham dự buổi lễ chia sẻ: “Dù đang xa nhà, xa Tổ quốc, chúng em vẫn cảm nhận được không khí vui tươi, ấm cúng của lễ mừng năm mới Bunpimay tổ chức tại thành phố Huế giống như ở quê nhà”.

Với Lona Phengthongkham, du học sinh Lào đang học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thành phố Hồ Chí Minh), đón tết Bunpimay ở Việt Nam giúp du học sinh Lào vơi bớt nỗi nhớ nhà. “Đến ngày Tết Bunpimay, các du học sinh lại có 5 ngày để cùng đón Xuân, được té nước như phong tục truyền thống, nấu các món ăn rồi mời các thầy cô, bạn bè người Việt đến ăn Tết chung. Cảm giác rất gần gũi, như đang được sống giữa quê nhà”, Lona kể.

Những kỷ niệm khó quên

Tham gia lễ hội Bunpimay do Trường cao đẳng Sơn La tổ chức năm 2020, sinh viên Khanta Khanthavong cho biết: "Tết Lào trên đất Sơn La, tuy xa quê hương, không được sum vầy bên gia đình nhưng các lưu học sinh Lào tại Sơn La đã và đang được sống trong không khí vui tươi, đầm ấm của sự quan tâm, động viên từ các cơ quan, đơn vị của tỉnh Sơn La cùng nhà trường và bạn bè. Tất cả cùng hòa chung điệu múa lăm vông và thực hiện các nghi thức buộc chỉ cổ tay, té nước cầu mong cho một năm mới hạnh phúc. Đó là những kỷ niệm sâu sắc đối với chúng em trong suốt thời gian sinh sống và học tập tại Việt Nam”.

Xamny Thongmay, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Thái Nguyên chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 em được đón Tết tại trường, mỗi năm là một kỷ niệm khó quên. Tuy xa nhà, không được hưởng không khí Tết truyền thống bên gia đình, người thân nhưng chúng em rất vui vì nhận được sự quan tâm, yêu thương từ các thầy cô, các bác Hội hữu nghị Việt-Lào và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Với chúng em, Việt Nam là quê hương thứ hai. Chúng em luôn tự nhắc mình sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”.

Tham gia lễ kỷ niệm Tết Bunpimay của Trung tâm quản lý sinh viên quốc tế, Hà Nội, Viengdala Thongsavath - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, thông qua các hoạt động này, cô cảm nhận được lòng mến khách của người dân thủ đô: “Đây là năm thứ 4 em đón Tết cổ truyền của dân tộc mình tại Hà Nội. Dù đón Tết xa nhà nhưng em cảm thấy rất ấm cúng vì sự thân thiện và quý mến của người dân Hà Nội nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Đó là sự may mắn và hạnh phúc lớn đối với lưu sinh viên Lào chúng em khi được đến học tập tại Việt Nam, một đất nước yên bình và mến khách”.

Đón Tết ở Việt Nam nên lưu học sinh Lào còn được lì xì theo phong tục Tết của người Việt. Thích thú với phong tục này, nhiều bạn hào hứng nhờ bạn bè chụp hình cùng những phong bao lì xì đỏ thắm và chia sẻ lên facebook khoe với bạn bè, người thân ở quê nhà...

Giản dị nhưng ấm áp, đậm tình cảm, những cái Tết xa quê như thế sẽ là những ký ức đẹp đẽ trong hành trang của các du học sinh Lào từng học tập tại Việt Nam.

Mô hình “Người mẹ thứ hai”: Mở rộng vòng tay đong đầy thương yêu dành cho các sinh viên Lào Mô hình “Người mẹ thứ hai”: Mở rộng vòng tay đong đầy thương yêu dành cho các sinh viên Lào
Sau hơn 3 năm Phụ nữ Đà Nẵng triển khai Mô hình “Người mẹ thứ hai” đầy ý nghĩa dành con em sinh viên Lào sự giúp đỡ to lớn, khẳng định ở đâu những bà mẹ Việt Nam cũng luôn mở rộng vòng tay đầy thương yêu dành cho các sinh viên Lào.
Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ
Theo Nghệ sĩ quốc gia Lào Douangmixay Likaya, sở dĩ ông sáng tác nhiều bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh là do Người có đạo đức hết sức trong sáng, vì nước vì dân, không đòi hỏi bất cứ một điều gì cho bản thân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược đối với Lào và Việt Nam, luôn coi việc giúp bạn Lào là giúp mình

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/sinh-vien-lao-va-ky-niem-ve-nhung-ngay-tet-am-ap-tren-que-huong-thu-hai-175341.html

In bài viết