Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

12:26 | 02/09/2022

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã dành cho Người Đưa Tin một buổi trò chuyện đặc biệt về mối lương duyên và những trải nghiệm với đất nước hình chữ S.
Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Người Đưa Tin (NĐT): Thông thường mọi năm làm số báo chủ đề ngày 2/9, tôi hay nghĩ tới việc trò chuyện với một nhà sử học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo hay tướng lĩnh quân đội của thế hệ đi trước về cảm hứng Tổ quốc, nhân dân. Nhưng thú thực, tôi bất chợt nghĩ đến Đại sứ và câu chuyện của Đại sứ mà vốn dĩ tôi đã được nghe nhiều lần trước đó, bằng cách này hay cách khác. Một người bạn của tôi công tác trong ngành ngoại giao đã nói với tôi rằng, Đại sứ là một người đặc biệt với Việt Nam và tôi cũng nhớ câu nói bất hủ của Lãnh tụ Yasser Arafat: “Việt Nam là Tổ quốc của tôi”.

Thế là đột nhiên tôi thay đổi ý định, tôi muốn trò chuyện với một người nước ngoài có duyên hạnh ngộ với Việt Nam như Đại sứ - một người tuy đứng ngoài cuộc nhưng có hiểu biết của người trong cuộc, để xem là một người như Đại sứ thì có cảm xúc gì, có suy nghĩ gì hay có quan niệm như nào vào ngày Tết Độc lập của Việt Nam. Thưa Đại sứ, đây chưa phải là câu hỏi, tôi chỉ muốn chào Ngài với một lý do như thế.

Đại sứ Saadi Salama: Rất cảm ơn các bạn đã đến để lắng nghe câu chuyện của tôi vào một dịp rất đặc biệt và ý nghĩa của Việt Nam. Đây là niềm vui và vinh hạnh của tôi.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước
Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

NĐT: Tôi được biết Đại sứ từng lựa chọn trở thành một du học sinh ở Việt Nam vào những năm 80 bỏ qua những lựa chọn khác như Italy, Romania. Vậy tại sao chàng trai trẻ Saadi Salama ở thời điểm đó lại đưa ra quyết định như vậy?

Đại sứ Saadi Salama: Là một người con của cách mạng Palestine, ngay từ khi 12 tuổi, tôi đã biết đến Việt Nam qua các hình ảnh và bài viết. Bởi với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các bạn đã biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thông tin lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Trong nhận thức của tôi, Việt Nam từ chỗ là một mối quan tâm đã dần trở thành một quốc gia mà tôi rất ngưỡng mộ và thần tượng. Tuy nhiên đúng ra thì lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ có cơ hội được đến với đất nước hình chữ S này.

Nhưng rồi chữ duyên đã đưa tôi đến với Việt Nam. Đó là ngày 14/10/1980, một ngày có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đời tôi. Hồi đó, sau khi học xong cấp 3 và được Tổ chức Giải phóng Palestine cho cơ hội, cấp học bổng du học ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam thì tôi đã không nghĩ đến bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Việt Nam.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước mình. Bởi với tôi lúc đó, Việt Nam là một dân tộc kiên cường, một dân tộc không chịu khuất phục, một dân tộc sẵn sàng hy sinh, ghi những trang lịch sử vẻ vang trong quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trước đó càng khẳng định rằng bất cứ cuộc đấu tranh nào có chính nghĩa thì nhất định sẽ chiến thắng. Chính vì vậy, chiến thắng của Việt Nam đã tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ để nhân dân Palestine tiếp tục con đường đã chọn là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng một quê hương tươi đẹp.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

NĐT: Ông đến Việt Nam vào giai đoạn đất nước chúng tôi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Vậy thực tế Việt Nam lúc đó có khác nhiều so với tưởng tượng của ông?

Đại sứ Saadi Salama: Sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, tôi bắt đầu hành trình về nơi ăn ở, đó là lúc tôi có những ấn tượng đầu tiên về một đất nước còn rất nhiều khó khăn, rất nhiều thử thách và còn rất nhiều điều cần phải làm thời hậu chiến.

Nói thật khi chứng kiến thực tế ở Việt Nam ngày đó, tôi đã nghĩ mình có nên tiếp tục ở đây hay không? Nhưng trong lúc nghĩ lại, tôi nhớ ra một điều rằng tôi là người Palestine đang đấu tranh vì độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam đã trải qua những điều tương tự và đã thành công.

Thế rồi, tôi tự khẳng định với bản thân rằng đây là sẽ con đường mà tôi quyết định đi mặc dù chưa biết là con đường đó sẽ đưa mình đến đâu. Có thể nói, trong mọi giai đoạn, kể cả lúc khó khăn nhất, tôi không hề ân hận hoặc cảm thấy hối tiếc vì quyết định đến với Việt Nam.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước
Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

NĐT: Xét về mối quan hệ của ông với Việt Nam, tôi tạm thấy có 3 mối liên quan: ông là một nhà Ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, ông là một người bạn có thời gian sinh sống và làm việc lâu năm ở Việt Nam và ông là “rể” của Việt Nam. Với mỗi vai trò như vậy, cách nhìn của ông về Việt Nam, về đất nước, con người nơi đây có điều gì khác biệt hay không?

Đại sứ Saadi Salama: Có rất nhiều bạn nước ngoài hỏi tôi câu hỏi: Tôi nhìn thấy Việt Nam như thế nào? Và tôi có thể nói luôn với họ rằng: Kể từ khi tôi đã đi vào chiều sâu của lịch sử Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, của đời sống Việt Nam, tôi cũng đã dần dần biến mình trở thành một người bản xứ. Thế nên từ tư duy cho đến cách diễn đạt của tôi có thể phản ánh một tâm hồn của một người Việt Nam trong hình dáng của một người nước ngoài. Do đó, có thể nói với 3 mối quan hệ kể trên, tôi cảm thấy đều có thể ở trong tôi cả.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Đó không chỉ là lời nói của một nhà ngoại giao bởi thực tế chính Việt Nam là nơi tạo dựng nên kiến thức và sự hiểu biết của tôi vì khi đến Việt Nam tôi mới chỉ là chàng trai trẻ 19 tuổi. Cho nên trong người tôi có cái phần Việt Nam rất lớn. Tôi hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống Việt Nam. Tôi thậm chí hiểu cả về sự khác nhau trong từng vùng miền của Việt Nam và những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền ấy. Nếu bạn hỏi tôi về những đặc điểm nào đó của người Hà Nội, người Thanh Hóa, người Nghệ An, người Cần Thơ..., tôi có thể trả lời ngay.

Và nếu mà so sánh thì thời gian tôi sống ở Việt Nam thực ra còn hơn số năm tôi sống ở Palestine. Tôi vẫn hay đùa rằng tôi “làm người Việt Nam”, “làm người Hà Nội” còn trước cả nhiều bạn trẻ Việt. Nếu xét về thời gian thì đúng là vậy.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

NĐT: Gắn bó với Việt Nam, Đại sứ có cảm nhận gì về dân tộc Việt khi so sánh với những dân tộc khác trên thế giới? Và đâu là sự khác biệt, tạo nên nét đặc trưng của Việt Nam.

Đại sứ Saadi Salama: Nghề nghiệp của tôi như một tên du mục. Tôi đã được đi nhiều nơi, làm việc ở nhiều môi trường ngoại giao khác nhau từ châu Phi, châu Á, Trung Đông,… từ đó khiến tôi có thể nhận một điều rất quan trọng, đó là những nét đặc trưng văn hóa, sự thay đổi trong lối ứng xử và bản chất của người Việt Nam xuất phát từ quá trình lịch sử chống ngoại xâm và thiên tai.

Trong khi có những dân tộc đã được người khác trao cho nền độc lập qua một “cái bát bằng vàng” mà không cần phải đấu tranh, không cần phải hy sinh gian khổ, người Việt Nam để sống trên mảnh đất quê hương rộng trên 330.000 km2 như ngày nay đã phải trải qua một quá trình đấu tranh để tồn tại. Người Việt Nam biết rõ giá trị của độc lập dân tộc và chính Việt Nam trở thành đạo đức và phẩm giá trong cuộc đấu tranh của nhân loại.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đó chính là sự tóm tắt lại tất cả những tư duy, suy nghĩ và mong muốn của người Việt Nam về mong muốn độc lập, tự do và hạnh phúc. Do đó, khi chúng ta đánh giá lập trường của người Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, bao giờ chúng ta cũng nhìn thấy rằng người Việt Nam luôn luôn đứng cạnh chính nghĩa bởi chính họ là người hiểu chính nghĩa là gì và phi nghĩa là gì.

Bên cạnh đó, sự hiếu khách, lòng vị tha, tinh thần đoàn kết và sự sẵn sàng giúp đỡ những kẻ yếu thế của người Việt Nam cũng là những nét làm cho tôi ngưỡng mộ và đánh giá cao về phẩm chất của con người các bạn.

Đại sứ Saadi Salama

Người ta thường phân biệt giữa các vấn đề bằng đúng và sai. Còn trong cách người Việt Nam ứng xử thậm chí nói rộng hơn là mạng lưới quan hệ trong xã hội Việt Nam cũng có đúng và sai nhưng người ta còn phân biệt nó bằng tốt và xấu. Điều ấy rất quan trọng vì có những điều đúng nhưng mà nó có thể xấu. Điều đó khiến người Việt Nam khi muốn nhận xét, phân tích hay ứng xử thì lúc nào người ta cũng lấy cân nhắc giữa hai bài toán là đúng hay sai hoặc xấu hay tốt. Người Việt Nam vẫn phải làm đúng nhưng mà làm với một tư duy là làm sao để làm cho đẹp.

Đại sứ Saadi Salama

NĐT: Sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong 3 giai đoạn khác nhau, không quá nếu nói Ngài là một “nhân chứng lịch sử”của Việt Nam. Vậy Việt Nam trong mắt của ông đã thay đổi như thế nào qua các giai đoạn?

Đại sứ Saadi Salama: Tôi là một trong số ít người nước ngoài gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 40 năm, trong đó tổng cộng có gần 20 năm trực tiếp ở Việt Nam. Điều đó giúp tôi có điều kiện theo dõi sát các bước phát triển của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là số ít các quốc gia đang phát triển mà có thể làm những người biết Việt Nam từ trước quá đỗi ngạc nhiên về sự phát triển trong suốt gần 4 thập kỷ vừa qua.

Từ một quốc gia có GDP không quá 5 tỷ USD vào năm 1980, ngày nay Việt Nam đã có GDP đến hơn 300 tỷ USD. Từ một quốc gia phải nhập lương thực trong những năm 1980, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới.

Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ kinh tế thế giới, ngày nay Việt Nam đã ghi dấu ấn, biến mình trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ một quốc gia mà hỉnh ảnh gắn liền với chiến tranh, ngày nay Việt Nam đã trở thành điểm hẹn của rất nhiều nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Đó là những minh chứng để cho thấy Việt Nam thực sự đã có những bước tiến rất lớn, một cuộc lột xác ngoạn mục mặc dù trước đó đã phải trả giá rất nhiều cho sự độc lập dân tộc và hòa bình.

Đại sứ Saadi Salama

NĐT: Đâu đó ở trên thế giới vẫn chưa có hòa bình, súng vẫn nổ và máu vẫn đổ. Ngay chính quê hương Palestin của ngài vẫn chưa có được hòa bình và xây dựng được một đất nước như mong đợi. Từ thực tế đó, Đại sứ nhìn nhận như thế nào về hành trình của Việt Nam từ một nước nô lệ đến đi lên làm chủ vận mệnh của chính mình?

Đại sứ Saadi Salama: Thật ra hành trình của Việt Nam đó chính là sự thắng lợi của khát vọng yêu chuộng hòa bình và đó là dòng chảy xuyên suốt mấy nghìn năm qua. Lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam là lịch sử về hòa bình chứ không phải về chiến tranh. Người Việt Nam đã thành công vì họ đấu tranh cho hòa bình, chiến đấu cho hòa bình chứ không phải họ muốn chiến đấu để hy sinh vì họ không yêu đời, “chán cơm thèm đất”.

Tôi còn nhớ trong câu chuyện về hồ Hoàn Kiếm, người Việt đã trao lại thanh gươm cho Rùa thần sau khi đấu tranh giành thắng lợi. Điều đó biểu hiện rằng trả lại gươm về nơi mà gươm nên ở, chứ không nêu cao gươm nếu không cần thiết.

Đại sứ Saadi Salama

Và như tôi đã nói, hòa bình ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa riêng với Việt Nam mà còn chứng minh và giúp cho nhân loại tin rằng: chính nghĩa bao giờ cũng giành chiến thắng và phi nghĩa bao giờ cũng thất bại. Dù mất thời gian bao lâu đi nữa, dù khó khăn gian khổ đến mức nào đi nữa thì cuối cùng chính nghĩa chắc chắn sẽ chiến thắng.

Trên thế giới có rất nhiều dân tộc trong đó có nhân dân Palestine cũng cùng chung khát vọng hòa bình như Việt Nam. Nhưng tất nhiên đôi khi khát vọng ấy không thực hiện được bởi vì không phải ai cũng thích hòa bình. Thế nên điều tôi mong muốn là mọi người trên thế giới đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đóng góp, thúc đẩy hòa bình của nhân loại.

Đối với nhân dân Palestine, chúng tôi khát vọng hòa bình, muốn có hòa bình và nhân dân Palestine tin chắc rằng hòa bình sẽ lập lại ở Palestine, tạo điều kiện cho người Palestine đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

NĐT: Là một Đại sứ nhưng tôi thấy rằng ông không câu nệ nghi lễ ngoại giao, không hiếm lần tôi bắt gặp những bức ảnh ông ngồi trà đá, ăn ở vìa hè hay dạo phố như bất kỳ người dân Hà Nội nào khác. Đại sứ nghĩ gì khi lựa chọn lối sống như vậy?

Đại sứ Saadi Salama: Thực ra mà nói, tôi thì luôn luôn tâm niệm phải nhập gia tùy tục, tôi lựa chọn cách sống như một người Việt thực sự.

Là đại diện của nhà nước Palestine đồng thời là Trưởng đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, tôi không muốn mình chỉ đóng vai trò là một bưu tá đang làm việc tại Việt Nam. Điều đó ý muốn nói rằng có rất nhiều đại sứ chỉ như một người bưu tá, Nhà nước đề nghị chuyển nội dung gì đến Việt Nam thì họ chuyển và ngược lại, phía Việt Nam muốn gì ở đất nước của họ thì họ tiếp nhận và chuyển thông tin, như vậy người Đại sứ không khác gì một người đưa thư.

Tôi đến Việt Nam như đến với con đường giải phóng dân tộc, đất nước

Cá nhân tôi, đã là người sống rất lâu ở Việt Nam, am hiểu về Việt Nam, tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam thì tôi cần phải tận hưởng tất cả những gì mà tôi có. Tôi nghĩ rằng nếu đi ăn ở một nhà hàng 5 sao tôi sẽ không bao giờ cảm thấy thích bằng việc được ngồi ở quán nhỏ vỉa hè ăn một bát bún bò, một đĩa chả cá hay một bát phở. Bởi vì tôi cảm thấy đấy mới chính là môi trường của Việt Nam chứ không phải khách sạn 5 sao, và thậm chí khách sạn 5 sao có thể không thể có những món ăn ngon như người ta bán ở vỉa hè.

Điều đó càng giúp giúp tôi đi vào chiều sâu và gắn bó hơn với người Việt Nam. Và là một người con của cách mạng Palestine, tôi không muốn mình trở thành một quan chức quan liêu, một quan chức chỉ nhìn vào hình thức mà không nhìn vào nội dung. Bởi tôi vừa là Đại sứ chính thức của Nhà nước Palestine nhưng tôi còn là Đại sứ của nhân dân Palestine, đây là thứ rất quan trọng.

NĐT: Làm “rể” của Việt Nam, Đại sứ có thấy khó không?

Đại sứ Saadi Salama: Tự nhận là “một nhà Việt Nam học” nên thú thật tôi không có điều gì phải lo lắng khi có vợ là người Việt Nam và kể cả khi có bất đồng chúng tôi đều có thể giải quyết bằng sự thấu hiểu và tình cảm gia đình.

Chỉ có một điều duy nhất mà tôi luôn luôn quan tâm là làm thế nào để thực sự là con rể Việt Nam. Không phải là một đại sứ đâu bởi nếu là đại sứ thì đã có các nghi thức lễ tân rồi, còn khi đã là con rể Việt Nam thì phải đúng theo phong tục Việt Nam.

Tôi luôn lo lắng mình sẽ thất lễ bởi nếu không may bị thất lễ thì tôi sẽ rất khó chịu. Đi đâu mà không thực hiện đúng phong tục, lễ nghi, không biết xưng hô hay chào người ta như thế nào hoặc đơn giản là sử dụng những từ ngữ mà không đúng chỗ, đúng lúc, đúng người thì tôi cảm thấy mình có lỗi với người ta và tôi nghĩ rằng người Việt Nam ít khi chấp nhận những sự thất lễ như vậy. Hàng chục năm ở Việt Nam, đi đâu, đến với ai, tôi luôn tìm hiểu kỹ mình phải làm thế nào, ứng xử như thế nào, xưng hô như thế nào cho đúng phép tắc. Tôi hiểu là trong văn hóa Việt Nam truyền thống, những điều này rất quan trọng.

NĐT: Đại sứ lựa chọn cách giáo dục các con như thế nào quê hương, về lòng yêu nước, về cách mà chúng gắn mình với nơi mình sinh ra, lớn lên và thuộc về?

Đại sứ Saadi Salama: Xin giới thiệu một chút, hiện tôi đã có 4 cháu. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt.

Các con của tôi khi bắt đầu đi học đều nhận thức mình mang dòng máu của hai dòng tộc Việt Nam và Palestine. Tôi luôn muốn các con hiểu rằng đó hai dân tộc anh hùng, hai dân tộc đấu tranh không mệt mỏi, hai dân tộc sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc mình, vì độc lập, vì tự do. Điều đó làm các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra nó.

Đó cũng là cách làm cho các con mạnh mẽ hơn khi đứng trước thử thách và là động lực để các con tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của hai dân tộc Palestine và Việt Nam. Tôi nghĩ đó là thế mạnh của các con tôi. Chúng sẽ là những người biết tiếng Việt, biết ẩm thực Việt nhưng cũng biết cả tiếng Ả rập, biết ẩm thực Palestine.

NĐT: Xin cảm ơn Đại sứ về buổi trò chuyện!

Thực hiện: Mạnh Quốc – Phương Anh

Hình ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Tiến Thực

Theo Người đưa tin

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/toi-den-viet-nam-nhu-den-voi-con-duong-giai-phong-dan-toc-dat-nuoc-174757.html

In bài viết