Cần tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

10:43 | 01/09/2022

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển khắp mọi nơi, các trang mạng xã hội lớn như: Facebook, zalo, Twitter,… dường như không còn xa lạ đối với trẻ em. Ngảy nay, cuộc sống của trẻ em ngày càng được bao quanh bởi công nghệ số: điện thoại thông tinh, máy tính bảng, internet, mạng xã hội… Đây vừa là môi trường lý tưởng để tiếp cận thông tin, học hỏi thêm nhiều điều hay, mới lạ về cuộc sống; là nguồn kiến thức phong phú cùng chứa đựng muôn vàn nguy cơ đối với trẻ em, đặc biệt là khi dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới.

Những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em trên không gian mạng

Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối Internet, trẻ em có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… hay đăng nhập vào các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ khác. Mạng internet giúp trẻ em tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ, là phương tiện vui chơi, giải trí, học tập và tiếp cận, kết nối xã hội. Tuy nhiên, những rủi ro về đời sống thực cũng như những rủi ro trên không gian mạng đã biến trẻ em thành nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội, trẻ em cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều từ những thông tin tiêu cực trên Internet.

Trẻ em có thể tiếp cận những nội dung thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, dẫn đến làm lệch lạc suy nghĩ và ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh; bị phát tán những nội dung thông tin riêng tư, cá nhân; tiếp cận, sử dụng mạng quá mức có thể dẫn đến tình trạng nghiện Internet.

Cần tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Không gian mạng luôn tiềm ẩn rủi ro với trẻ em

Trên môi trường mạng, các em cũng có thể bị lựi dụng và nghiêm trọng hơn là có thể bị lừa dảo, dụ dỗ, lôi kéo, hoặc ép tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật; bị xam hại tình dục, mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em và bắt nạt trực tuyến. Tiến bộ của kỹ thuật số đã khiến nạn bắt nạt không còn ở cổng trường nữa; đe doạ trực tuyến giúp những kẻ bắt nạt làm tổn thương và làm nhục nạn nhân chỉ bằng một nút bấm…, gây rối loạn tâm thần, ảnh hưởng sức khoẻ, việc học tập của giới trẻ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10 – 19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần, trong đó, 86 triệu em thuộc nhóm 15 – 19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10 – 14 tuổi àm một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của Internet và mạng xã hội gây nên.

Bên cạnh đó, trẻ em cũng dễ bị tiêm nhiễm, học theo các nội dung độc hại trên mạng xã hội; bắt chước những trò chơi nguy hiểm trên Internet… Thời gian qua, không ít hình ảnh học sinh đánh nhau, chửi bậy hay các vụ việc kinh hoàng với cảnh xả súng giết người, các hoạt động nguy hiểm, “trò chơi lạ” trên mạng xã hội đã và đang du nhập vào cuộc sống hàng ngày của trẻ mà người lớn không hề hay biết, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của trẻ em. Nhiều trẻ đã học theo những nội dung bạo lực, tiêu cực và trở thành nạn nhân của “kẻ săn mồi” Internet. Một số trẻ nghiện video, games; dần hạn chế giao tiếp, rối loạn tâm lý, chống đối xã hội, hoang tưởng, trầm cảm, thậm chí trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người hoặc bị xâm hại tình dục, nghiêm trọng hơn nữa là bị sát hại và tự tử.

Các hình thức xâm hại trên mạng với trẻ em rất đa dạng, bao gồm: thuyết phục, đe doạ trẻ em tham gia các hoạt động tình dục thông quan webcam, điện thoại thông minh; tạo và chia sẻ những hình ảnh hoặc video gây tổn thương; thành lập các trang web hay các nhóm trên mạng để công kích một trẻ em cụ thể; khích lệ việc trẻ tự hủy hoại bản thân; gắn mã độc tự phát tán vào đường link, ID các lớp học trực tuyến và các nhóm xã hội có đông đảo trẻ em tham gia với những hình ảnh 18+ và những nội dung, video nhạy cảm, phức tạp về chính trị…

Trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời. Thời gian qua, đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc, đau lòng đối với trẻ nhỏ liên quan đến mạng xã hội trên phạm vi cả nước.

Theo số liệu từ Trung tâm Internet, Việt Nam có 68,72 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70,03% dân số. Trong đó, 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 – 24 và mỗi ngày có rất nhiều hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trong những năm qua, Việt Nam thế hiện sự quan tâm rất lớn đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với việc triển khai nhiều biện pháp, phương pháp đồng bộ.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Tham gia các công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em. Ban hành hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không giang mạng như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật Trẻ em năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018;

Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì xây dựng Đề án “Bảo vệ thông tin cá nhân, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng”; Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”.

Đây là lần đầu tiên ở cấp quốc gia Việt Nam về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trên mạng Internet và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dung môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành cũng chủ động trong việc xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em. Bộ Công an có Kế hoạch 385/KH-BCA của Bộ Công an về “Triển khai nhiệm vụ của Bộ Công an thực hiện quyết định số 830/QĐ-TTg”. Tháng 3/2020, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Các đơn vị liên quan sẽ khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên Internet.

Thứ hai, tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng xâm hại đến trẻ em. Với vai trò là thành viên tham gia “Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, Bộ Công an đã đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động bảo vệ trẻ em; tiếp nhận phản ánh, thu thập thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em; tổng hợp, phân loại và điều phối các thành viên xử lý những phản ánh, thông tin về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Trong ba tháng cuối năm 2021, Công an các đơn vị địa phương đã phát hiện, tiếp nhận, điều tra và xử lý 66 vụ việc liên quan đến hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em; khởi tố 33 vụ; xử lý hành chính 27 vụ. Nổi lên là tình trạng tội phạm sử dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em (31 vụ trên tổng số 33 vụ đã khởi tố). Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ngăn chặn truy cập trong nước 4.500 trang web có nội dung xấu độc, trong đó có hơn 600 trang web khiêu dâm, đồi truỵ, game bài trực tuyến vi phạm pháp luật; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới Youtube, Facebook gỡ bỏ, vô hiệu hoá hơn 6.000 bài viết, video clip có nội dung xấu độc ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống và nhân cách của trẻ em.

Thứ ba, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ biết cách phòng tránh rủi ro, các nguy cơ mà các em có thể gặp phải khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; hướng dẫn cách thức thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho giáo viên và học sinh nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng tránh rủi ro, các nguy cơ trên không gian mạng. Bộ Công an đã phối hợp với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học để tuyên truyền và hướng dẫn cho giáo viên và học sinh nâng cao nhận thức tự phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại, bảo vệ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, giới tính tình dục cho trẻ em khi thực hiện các hoạt động trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn gặp những khó khăn, tồn tại nhất định: một số cơ quan, tổ chức chưa tích cực trong việc phối hợp để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ; cán bộ cấp cơ sở còn thiếu kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ; một vài đại phương chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn vụ việc; một bộ phận nhà trường và gia đình còn chưa thực sự quan tâm, giám sát, lắng nghe cũng như thiếu các kỹ năng về bảo vệ trẻ em; trẻ em còn thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội; lệch lạc trong nhận thức, hiểu biết hạn chế về các biện pháp tự bảo vệ mình trên không giang mạng cũng như pháp luật về an ninh mạng.

Để trẻ em ngày càng được bảo đảm an toàn trên môi trường mạng cần làm tốt các mặt công tác sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng giúp định hướng hành vi của người sử dụng mạng xã hội, quản lý thông tin, tạo cơ sở để xem xét, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục, trang bị kỹ năng sử dụng không gian mạng; khai thác, sử dụng mạng internet an toàn cho trẻ; thành lập bộ phận phản ứng nhanh tại các trường học; đa dạng hoá các hình thứ tuyên truyền, lồng ghép nội dung Luật An ninh mạng vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học trở lên…

Ba là, thúc đẩy các giải pháp mang tính công nghệ và kỹ thuật như kiểm soát thông tin trên không gian mạng: thiết lập bộ phận quản lý website, mạng xã hội; xây dựng các ứng dụng riêng cho trẻ em sử dụng và giám sát độ tuổi khi cấp mở tài khoản; kịp thời ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, phản động làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tâm lý trẻ em.

Bốn là, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, giáo viên các trường học những kiến thức nghiệp vụ, quy định của nhà nước về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, những tác động tích cực và tiêu cực của thế giới công nghệ đối với trẻ em và nguy cơ mất an toàn giải pháp hạn chế, ngăn ngừa mặt trái của công nghệ số…

Năm là, tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em. Rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật./.

Phí Văn Thanh

Thanh Văn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/can-tang-cuong-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-174713.html

In bài viết