Phú Yên nỗ lực phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

07:16 | 26/07/2022

Với sự đồng hành của các Bộ ngành, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam. Phú Yên đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Đề án phát triển Công viên địa chất Phú Yên hướng đến Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn tốt giá trị di sản địa chất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Đức còn nhiều dư địa để phát triển Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Đức còn nhiều dư địa để phát triển

Việt Nam - Unesco thúc đẩy hợp tác văn hoá với đi vào chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam - Unesco thúc đẩy hợp tác văn hoá với đi vào chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Chia sẻ tại Hội nghị “Hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên” vừa diễn ra tại TP.Tuy Hòa ngày 23/7 do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định Phú Yên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí thành lập CVĐC quốc gia hướng tới CVĐC toàn cầu UNESCO, có tất cả các tiềm năng và cơ hội để trở thành một Công viên địa chất toàn cầu thành công trong tương lai gần.

Phú Yên nỗ lực phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Yên - (Ảnh: Mỹ Luận/phuyen.gov.vn).

Giáo sư Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá, Công viên địa chất tiềm năng của Phú Yên có tầm quan trọng đặc biệt về di sản địa chất. Ở đây có sự đa dạng tuyệt vời của đá granit hình thành từ 250 triệu năm trước. Nổi bật là Gành đá đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Điện, tháp Nhạn…Về mặt giá trị di sản, bao gồm di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể, Phú Yên có đầy đủ tiềm năng để phát triển một đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Chỉ rõ hơn về đặc điểm di sản địa chất Phú Yên, Giám đốc Bảo tàng địa chất Trương Quang Qúy, cho biết khu vực dự kiến thành lập CVĐC Phú Yên có diện tích 1.575 km2 bao gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần các huyện Phú Hòa và Sơn Hòa. Qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (Cổ sinh; Địa mạo, cảnh quan; Cổ môi trường; Đá; Địa tầng; Khoáng sản; Kinh tế địa chất; Cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và Địa chất Đệ tứ, địa chất biển và Tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng CVĐC Phú Yên và cao hơn nữa.

Phú Yên nỗ lực phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu tại hội nghị - (Ảnh: Mỹ Luận/phuyen.gov.vn).

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, mặc dù là tỉnh đi sau trong việc xây dựng CVĐC nhưng Phú Yên có lợi thế là học hỏi được những bài học từ các địa phương đã đi trước, trong đó nổi lên là vấn đề du lịch bền vững, để có thể thiết kế một chiến lược phát triển khoa học, có tầm nhìn, nhìn thấy trước và giảm thiểu được những tác động tiêu cực gặp phải trong quá trình phát triển.

Đó là vấn đề quy hoạch tích hợp khoa học giữa các lĩnh vực, đảm bảo khả năng chịu tải của hạ tầng du lịch khi lượng khách du lịch tăng nhanh chóng. Đó là vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị địa chất, bảo tồn cảnh quan trước du khách. Đó còn là những vấn đề xã hội liên quan đến chuyển đổi sinh kế, biến đổi văn hóa gốc bản địa theo hướng thương mại hóa…

Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam cho rằng, để Phú Yên ngày càng trở thành điểm đến thu hút nhiều người Việt Nam từ khắp mọi miền của Tổ quốc và cả bạn bè nước ngoài, vùng quy hoạch CVĐC cần đánh thức được những tiềm năng to lớn, khắc phục được những hạn chế, rủi ro và những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và những mặt trái của kinh tế thị trường.

Phú Yên nỗ lực phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Hội nghị trao đổi, thảo luận tại các điểm cầu - (Ảnh: Mỹ Luận/phuyen.gov.vn).

Theo Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến, trong Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học và các doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu vào hai hướng chính. Thứ nhất, phát triển kinh tế du lịch, phát huy cao độ vai trò của dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với 80 di sản địa chất, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Việt Nam cần nghiên cứu để rút ra những kinh nghiệm phù hợp và vận dụng vào thực tiễn ở Phú Yên, bởi khác với 3 CVĐC đang tồn tại ở Việt Nam thì CVĐC trong tương lai tại Phú Yên hướng ra biển, gắn với biển gồm không chỉ diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2, 189 km chiều dài bờ biển mà còn là 20.000 km2 mặt nước biển. Đương nhiên, khai thác CVĐC phải gắn chặt với bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và cũng chính là một giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Việc xây dựng Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi tạo ra sự đột phá trong việc tạo dựng thương hiệu tầm quốc gia và quốc tế, thúc đẩy du lịch và tăng cường hội nhập của tỉnh.

Phú Yên nỗ lực phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị - (Ảnh: Mỹ Luận/phuyen.gov.vn).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: “Thiên nhiên và lịch sử hình thành đã ban tặng cho tỉnh Phú Yên những tài nguyên địa chất độc đáo, những di sản văn hóa lịch sử đậm đà bản sắc và hệ sinh thái có ý nghĩa nhân loại. Những gì mà tỉnh Phú Yên cần làm sẽ là phát huy đúng hướng các giá trị này một cách toàn diện, có hiệu quả kinh tế cao với tầm nhìn dài hạn và bền vững, thông qua việc lựa chọn các mô hình và chiến lược phát triển phù hợp. Hiện nay, Phú Yên đang thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, đây là điều kiện thuận lợi để Phú Yên quy hoạch chi tiết, xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên”.

Cao Bằng đón danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng đón danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
Công viên Địa chất Đắk Nông (Việt Nam) được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu Công viên Địa chất Đắk Nông (Việt Nam) được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu

Nhật Nguyệt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/phu-yen-no-luc-phat-trien-de-an-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-172782.html

In bài viết