Văn hóa chung sống, đối phó với dịch bệnh của Việt Nam gây ấn tượng với bạn bè quốc tế

09:00 | 15/06/2022

Đề cao sức mạnh cộng đồng, luôn giữ thái độ sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, tự cường và kiên cường… đó là đặc điểm trong văn hóa chung sống đối phó với dịch bệnh của Việt Nam khiến bạn bè quốc tế ấn tượng, trân trọng.
Người Việt ở châu Âu và Mông Cổ quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại quê nhà Người Việt ở châu Âu và Mông Cổ quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại quê nhà
“Đối ngoại nhân dân: Thích ứng chống đại dịch” “Đối ngoại nhân dân: Thích ứng chống đại dịch”

Văn hóa - sức mạnh nội sinh trong đại dịch

Dịch Covid-19 được ví như “trận cuồng phong” virus dữ dội, khốc liệt, càn quét hầu hết các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội. Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như đoàn kết, tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi lại càng tỏa sáng, tạo thành nguồn sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua thử thách.

Bạn bè quốc tế cảm phục tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam với truyền thống “lá lành đùm lá rách” thể hiện qua nhiều giải pháp thông minh, sáng tạo, thấm đẫm tình người như: Giải cứu dưa hấu, bánh mì thanh long, may khẩu trang phát cho cộng đồng, máy ATM cung cấp gạo miễn phí... Bạn bè quốc tế cũng ấn tượng trước sự đoàn kết của Việt Nam, trước niềm tin, sự ủng hộ của người dân đối với chủ trương của Đảng và những giải pháp của Chính phủ...

Aaron Johnson, một người Mỹ sống tại Đà Nẵng cho biết, anh đặc biệt ấn tượng với các giải pháp thiết thực như đường dây nóng hỗ trợ cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những "ATM gạo", những "gian hàng 0 đồng", những tình nguyện viên cùng nhau may khẩu trang và các vật dụng y tế, cũng như những nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo không ai tăng giá hàng hóa hoặc lợi dụng tình hình để trục lợi... "Điều này khiến tôi tin rằng, ở đây thật sự không có ai bị bỏ lại trong dịch bệnh. Chỉ cần tiếp tục đoàn kết bên nhau, người Việt sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức phía trước để đánh bại Covid-19", Aaron Johnson nói.

“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất” - một độc giả người nước ngoài bình luận dưới bài viết đăng trên tờ báo The Straits Times của Malaysia về những cây “ATM gạo” được lắp đặt ở Việt Nam, nhằm giúp người nghèo có lương thực tránh đói trong mùa dịch. Không chỉ mang đến lương thực cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, những chiếc máy phát gạo miễn phí này còn lan tỏa lòng tốt, tinh thần tương thân tương ái của người Việt đến với thế giới giữa mùa dịch Covid-19.

Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế không chỉ là "ngọn hải đăng" trong chống dịch, "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế mà còn ấn tượng với những đóng góp chủ động, sự hợp tác, chia sẻ tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch, bà đã nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình người, về sự sẻ chia bất chấp những khác biệt về quốc tịch và ngôn ngữ. Đó là câu chuyện về các bác sĩ Việt Nam đã dốc hết sức lực trong một trăm ngày để cứu sống phi công người Anh bị nhiễm Covid-19. Đó là câu chuyện về lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 là cán bộ của Liên hợp quốc theo chương trình MEDEVAC. Sự kiện không chỉ đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc mà nó còn chạm đến trái tim của các nhân viên Liên hợp quốc trong khu vực, cả những người nước ngoài và các nhà ngoại giao. Theo Đại sứ Grete Lochen, đây là biểu tượng của sự thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, điều này có ý nghĩa vô vùng quan trọng trong những thời điểm dịch bệnh khắc nghiệt.

Càng hiểu, càng yêu mến Việt Nam

Alex Stevenson, chàng trai Nam Phi đã đặt chân đến 25 quốc gia trên ba châu lục khác nhau cho biết văn hóa Việt Nam khác hoàn toàn văn hóa những nơi anh từng đến. “Văn hóa Việt Nam đề cao sức mạnh cộng đồng. Tôi ngưỡng mộ thái độ vui vẻ lạc quan của người Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn như dịch bệnh. Từ văn hóa truyền thống, ẩm thực, phong tục, tập quán đến các ngày lễ, Tết càng tìm hiểu tôi càng thêm yêu mến Việt Nam", Alex Stevenson nói.

Tiến sĩ sử học Sim Sang Joon chia sẻ: Đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam bộc lộ những cách ứng phó riêng của mình. Khi chưa có vaccine phủ kín, các biện pháp sáng tạo đều được áp dụng chống dịch như sử dụng quân đội giúp dân, giãn cách xã hội, nguyên tắc 5K, lập các "ATM gạo", thực phẩm, ôxy… Đó là những hình ảnh riêng, nét văn hóa riêng ở Việt Nam.

Ông nói: “Tôi chưa thấy quốc gia nào sử dụng khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc” giống Việt Nam”. Khẩu hiệu đó giống như lời hiệu triệu của non sông, mệnh lệnh từ mỗi trái tim người dân Việt. Từ lời hiệu triệu đó, dân tộc Việt Nam trên dưới một lòng làm nên một thế trận toàn dân chống dịch. Khi mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch, hàng trăm phương sách chống dịch hiệu quả đã được nhân dân triển khai sáng tạo, hiệu quả.

Tiến sĩ Sim Sang Joon cũng cho biết ông đã chứng kiến những chuyến hàng viện trợ đến từ khắp mọi nơi, những nỗ lực ngoại giao vaccine cũng như những đóng góp của kiều bào ở nước ngoài và nhân dân thế giới, thậm chí từ những người dân ở đất nước xa xôi như Cu Ba… để cùng với Việt Nam vượt qua khó khăn. Điều đó đã cho thấy rằng Việt Nam luôn có những người bạn giúp đỡ ở khắp mọi nơi. Đó là tinh thần “chung sống hài hòa, bao dung”. Đặc tính này đã tồn tại sâu xa trong lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt chứ không phải bỗng nhiên mà có”.

“Văn hóa chung sống hài hòa là chìa khóa cho sự thịnh vượng của nước Việt hôm nay và mai sau”, Tiến sĩ Sim Sang Joon nói.

Văn hóa - sức mạnh để Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19

Câu lạc bộ Cựu sinh viên Việt Nam tại Cuba trao số tiền hơn 390 triệu đồng ủng hộ nhân dân Cuba phòng chống dịch Covid-19

(Ảnh: Tuấn Việt).

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bạn bè quốc tế đã được biết nhiều hình ảnh đẹp về Việt Nam. Đó là một dân tộc quật cường anh dũng, đã làm nên những kỳ tích trong đấu tranh vì độc lập tự do, hòa bình và thống nhất đất nước. Đó là một nước Việt Nam vượt qua bao gian nan khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới mạnh mẽ để thoát khỏi nghèo đói, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trên thế giới. Đó là một điểm đến du lịch được ưa chuộng với thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện, mến khách.

Trong những ngày khó khăn ứng phó với Covid-19, bản lĩnh Việt Nam lại tỏa sáng và thế giới lại được thấy những hình ảnh mới rất đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

“Tôi rất ấn tượng về nhận xét của một người nước ngoài có tên Mike Turner trên mạng internet: “Không có gì là không thể ở Việt Nam. Đây là dân tộc có sức chống chịu cao nhất và lạc quan nhất”. Chắc chắn rằng hình ảnh về một dân tộc Việt Nam nhân hậu, có nền văn hóa đậm tính nhân văn, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ bạn bè trong lúc hoạn nạn khó khăn sẽ còn lại mãi, không phai mờ trong tâm trí bạn bè quốc tế”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nói.

Chủ tịch VUFO: Mỗi thành viên Liên hiệp Hữu nghị hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh Chủ tịch VUFO: Mỗi thành viên Liên hiệp Hữu nghị hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh
Liên hiệp hữu nghị tỉnh Đồng Nai vận động gần 17 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 Liên hiệp hữu nghị tỉnh Đồng Nai vận động gần 17 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Hải Đăng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/van-hoa-chung-song-doi-pho-voi-dich-benh-cua-viet-nam-gay-an-tuong-voi-ban-be-quoc-te-172736.html

In bài viết