Nguồn điện mua từ Lào góp phần phát triển kinh tế Việt Nam

11:17 | 22/07/2022

Nếu nói về triển vọng thì một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế nổi bật giữa Việt Nam và Lào là điện năng. Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về những thành quả đã đạt được cũng như những kỳ vọng vào tương lai trong hoạt động mua bán điện giữa 2 quốc gia.
Cần cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu quả hợp tác điện năng Việt Nam và Lào Cần cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu quả hợp tác điện năng Việt Nam và Lào

-Thưa ông, năm 2022 là kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Lào, trong mối quan hệ lịch sử này thì sự hợp tác kinh tế luôn đóng vai trò trọng yếu, nhất là lĩnh vực điện năng. Xin ông cho biết khái quát về tình hình mua điện từ nước bạn Lào?

Thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, Công ty Mua bán điện (EVN/EPTC) đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp của Lào tiến hành trình cơ quan có thẩm quyền hai nước thông qua chủ trương, đàm phán thống nhất hợp đồng trình phê duyệt và thực hiện mua điện lần đầu từ tháng 6/2013.

Trải qua gần 10 năm hợp tác mua bán điện, EVN/EPTC hiện đã mua công suất lên đến gần 580MW và tổng sản lượng xấp xỉ 11 tỷ Kwh từ các nhà máy điện tại Lào.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN/EPTC đã ký kết tổng số 34 hợp đồng mua điện với tổng công suất gần 2200MW, và đang triển khai đàm phán mua điện từ 1 số dự án thuỷ điện khác.

Các dự án đã hoàn thành ký kết hợp đồng sẽ bắt đầu bán điện cho hệ thống điện Việt Nam từ cuối năm 2022 đến 2025 theo tiến độ cam kết. Như vậy, trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến 2025 EVN/EPTC sẽ đưa công suất mua điện từ các dự án tại Lào tăng trưởng 280% so với giai đoạn 2013-202 để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Các dự án mua điện từ Lào cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ.
Các dự án mua điện từ Lào cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với việc mua điện từ các dự án tại Lào, được sự cho phép của Chính phủ, EVN đã tiến hành bán điện cho một số địa phương của Lào dọc biên giới nhưng chưa có điều kiện kết nối với lưới điện quốc gia của nước bạn. Qua đó góp phần nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị của đồng bào dọc biên giới hai nước, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương Lào nơi đây.

-Nguồn điện mua từ Lào có ý nghĩa thế nào trong việc cân đối nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thưa ông?

Trải qua gần 10 năm hợp tác giữa EVN/EPTC và các chủ đầu tư, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, tuân thủ các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các qui định của pháp luật. Phía chủ đầu tư đã nỗ lực đảm bảo vận hành nhà máy điện an toàn, liên tục, tuân thủ các qui trình, qui phạm vận hành góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của Việt Nam.

-Để việc mua điện được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, có những vấn đề nào về cơ chế, chính sách hiện nay cần điều chỉnh, bổ sung không, thưa ông?

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi có một số mong muốn cụ thể như sau. Trước hết là đề nghị Chính phủ tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp để DN hai nước có thể tiếp cận và tăng cường hợp tác; Tạo cơ chế và thống nhất với phía Lào để các DN Việt Nam có thêm cơ hội trực tiếp hoặc tham gia các liên doanh với các DN của Lào trong việc phát triển các DA điện tại Lào bán điện về Việt Nam, khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng thuỷ điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo của nước bạn Lào.

Với Bộ Công thương thì cần xây dựng các hướng dẫn cụ thể về việc đàm phán mua điện, khung giá điện của các DA điện tại Lào bán điện về Việt Nam; Ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu để từ đó có thể rút ngắn thời gian đàm phán; Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ việc đưa và bổ sung qui hoạch các DA đường dây, trạm điện phục vụ việc mua điện từ các DA điện tại Lào.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ EVN trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ xây dưng các DA đường dây, trạm điện; Song song với việc này thì Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trực thuộc Trung ương cũng cần đẩy mạnh việc hỗ trợ EVN trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Và cuối cùng là Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan các tỉnh tiếp tục hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác xuất nhập khẩu điện do đây là loại hàng hoá đặc biệt.

-Trong tương lai ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Lào?

Trong tương lai, với sự chỉ đạo của Đảng, các cơ chế chính sách của Chính phủ hai nước đồng thời với sự giúp đỡ của các Bộ và các địa phương, chúng tôi tin tưởng sự phát triển của công tác mua bán điện Việt Nam - Lào sẽ có những bước tiến nhanh và mạnh, xứng đáng với mối quan hệ tốt đẹp truyền thống, góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt Việt Nam - Lào.

Qua đây chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã chỉ đạo, hỗ trợ trong thời gian qua, cũng như các DN của Lào đã hợp tác chặt chẽ giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nguon-dien-mua-tu-lao-gop-phan-phat-trien-kinh-te-viet-nam-172574.html

In bài viết