Nghè Thánh Cả - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa ngàn năm

17:37 | 05/06/2022

Một trong những điểm văn hóa tâm linh gắn liền với đời sống sinh hoạt lâu đời của người dân thôn Minh Hải và thôn Minh Đức, xã Minh Lộc (Hậu Lộc), đó là nghè Thánh Cả. Đây cũng là nơi chứng kiến những giai đoạn phát triển của làng quê này, nơi cội nguồn tổ tông lập làng, nơi mạch nguồn tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đẩy mạnh hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nhật Bản Đẩy mạnh hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nhật Bản
Bảo tàng Lịch sử sống, nơi lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp Bảo tàng Lịch sử sống, nơi lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp

Một trong những điểm văn hóa tâm linh gắn liền với đời sống sinh hoạt lâu đời của người dân thôn Minh Hải và thôn Minh Đức, xã Minh Lộc (Hậu Lộc), đó là nghè Thánh Cả. Đây cũng là nơi chứng kiến những giai đoạn phát triển của làng quê này, nơi cội nguồn tổ tông lập làng, nơi mạch nguồn tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nghè Thánh Cả - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa ngàn năm
Nghè Thánh Cả (xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) đã được xây dựng khang trang. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông Bách Xuân Vạn, thủ từ nghè Thánh Cả dẫn chúng tôi đi vãn cảnh quanh nghè, rồi nói: Nghè Thánh Cả là nơi thờ: Tứ vị Thánh nương, sắc phong “Đương Cảnh Thành Hoàng Linh Ứng Huệ Cảm, Thiên Tế Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Vị Thánh Nương Phu Nhân Tối Linh thần”; Đông Hải Long Vương, sắc phong “Đương Cảnh Thành Hoàng Linh Hiển Trấn Đông Hải Long Vương Thượng Đẳng Phúc Thần Đại vương”; Lê Phúc Nguyễn Huy Thành, sắc phong “Đương Cảnh Thành Hoàng Cương Dũng Quảng Hộ Tống Oai Thượng Đẳng Phúc Thần Đại vương”. Nghè được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm, là nơi để Nhân dân và khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ thần hoàng và các bậc hiền nhân đã có công khai khẩn, mở mang lập làng. Đây cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của 2 thôn và khách thập phương lâu nay.

Tuy nhiên, trải qua sự tàn phá của chiến tranh và chính sách cải cách văn hóa, nghè đã bị tàn phá, nhiều hiện vật và tài liệu quý đã bị thất lạc. Hiện trong nghè còn lưu giữ được một số hiện vật như: 6 rồng đá, các cột chân tảng bằng đá chôn dưới lòng đất, lư đồng... Qua nhiều lần di chuyển và tôn tạo, từ lợp lá dừa cho đến xây dựng bằng vôi cát, lâu ngày nghè đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân 2 thôn đã cùng nhau tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của nghè. Bằng nguồn hỗ trợ quyên góp của Nhân dân cùng với nguồn ủng hộ của du khách thập phương và con em xa quê, đã quyết tâm xây dựng lại nghè khang trang hơn trước.

Cổ nhân dạy rằng:

Xây đền, tô tượng, đúc chuông

Ba công đức ấy thập phương nên làm.

Hay câu:

Ăn cũng hết, mặc cũng mòn

Cúng giàng Tam Bảo phúc còn mai sau.

Thấu hiểu, trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi tha thiết của Nhân dân, cũng như con em địa phương đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. Đồng thời, mong muốn xây dựng và tôn tạo lại nghè để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện lòng thành kính đối với thần hoàng và các bậc hiền nhân đã có công khai khẩn thành lập làng. Qua đó góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, năm 2021, được sự đồng ý của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, nghè Thánh Cả đã được xây dựng và tôn tạo lại trên khuôn viên diện tích khoảng 1.000m2, gồm 3 cung: tiền đường, trung đường và hậu cung. Trong đó, 2 cung tiền đường và trung đường làm bằng gỗ sến mật, gồm: 16 cột, 8 trếnh, chồng rường, kẻ chỉ, kèo... Hậu cung làm bằng bê tông cốt thép. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 6-2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 4-2022, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Kể từ đây, trên địa bàn hai thôn có một công trình văn hóa tâm linh, được thiết kế và xây dựng có sự kế thừa các giá trị truyền thống, kết hợp với các yếu tố hiện đại, góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các thế hệ mai sau.

Có thể nói, trên từng chi tiết kết cấu công trình, tầng hoa văn, họa tiết trang trí mỹ thuật, trong những tầng câu từ của các bức đại tự, câu đối, văn bia đều được cân nhắc, chú trọng ở mức cao nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững, thẩm mỹ, nét văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Nghè Thánh Cả thực sự là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, điểm tựa tinh thần của Nhân dân, nơi thờ cúng lưu giữ nét văn hóa tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương. Đây cũng là nơi để gieo trồng quả phúc, lưu ân lại cho con cháu mai sau. Hiện nay, nghè đã được xây dựng khang trang, với nhiều công trình phụ trợ, tạo nên một quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh. Những đường nét tinh xảo tạo cho nghè đường nét linh thiêng trang trọng, nhưng vẫn gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của Nhân dân. Việc xây dựng lại nghè không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tâm linh của Nhân dân, mà còn góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị các nét văn hóa ngàn năm của quê hương vùng biển.

Ông Nguyễn Văn Cường, trưởng thôn Minh Hải, cho biết: Để tiếp tục mở rộng toàn bộ khu vực tâm linh của nghè, địa phương rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp của Nhân dân 2 thôn, những tấm lòng hảo tâm để nghè ngày càng khang trang, bề thế hơn nữa. Đây cũng chính là cơ sở để địa phương hoàn tất thủ tục, trình cấp có thẩm quyền công nhận nghè Thánh Cả là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh trong thời gian tới.

Hà Nội khởi công dự án tu bổ biệt thự cũ thành Trung tâm giao lưu văn hóa Hà Nội khởi công dự án tu bổ biệt thự cũ thành Trung tâm giao lưu văn hóa
Nhật Bản phối hợp với Việt Nam đào tạo chuyên gia văn hóa, nghệ thuật, cảnh quan Nhật Bản phối hợp với Việt Nam đào tạo chuyên gia văn hóa, nghệ thuật, cảnh quan

Theo Nguyễn Ngọc/Báo Thanh Hóa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghe-thanh-ca-noi-luu-giu-nhung-gia-tri-van-hoa-ngan-nam-169731.html

In bài viết