Bắc Kạn có thêm hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

12:34 | 30/05/2022

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận múa bát của người Tày và lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Hà Giang Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Hà Giang
Bắc Kạn có thêm hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Múa bát của người Tày Bắc Kạn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Di sản múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời.

Đạo cụ thể hiện điệu múa bát là chiếc bát, đôi đũa được bà con dùng trong bữa ăn hằng ngày. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ để bất cứ ai, từ già đến trẻ có thể tham gia nên có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng đồng. Số lượng người múa thông thường từ 6 đến 8 người và độ dài, ngắn tùy thuộc vào người dựng. Tuy nhiên, để điệu múa tạo ấn tượng thì cần sự chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Nhịp điệu múa lúc nhanh, lúc chậm kết hợp cùng các động tác rung, lắc cổ tay, tạo ra màn diễn vừa vui nhộn, vừa đẹp mắt. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những phụ nữ về những nhọc nhằn của họ trong việc ươm tơ, dệt vải. Thông qua đó còn thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân về một cuộc sống đủ đầy, không chỉ là ăn ngon mà còn mặc đẹp.

Bắc Kạn có thêm hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Người Dao coi lễ Cấp sắc là một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi một con người. (Ảnh: QDND)

Cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với đàn ông người Dao nói chung và người đàn ông Dao Tiền nói riêng.

Lễ cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ…

Trong các gia đình người Dao, các bé trai được chăm sóc rất chu đáo nhưng cũng rất nghiêm khắc; 12, 13 tuổi đã phải nhận thức được vai trò trách nhiệm của đàn ông đối với gia đình, dòng họ, làng bản. Lễ cấp sắc được tổ chức là một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của người con trai đó. Chính vì vậy, để được làm lễ cấp sắc thì bản thân người con trai đó phải nỗ lực cố gắng nhiều. Lúc đó, gia đình và họ tộc mới chuẩn bị mọi thứ để tổ chức lễ cấp sắc.

Nghi lễ cấp sắc chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lí về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mĩ. Đây là nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của người Dao cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn đã có 19 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghi lễ đầu năm của người Chăm ở Ninh Thuận được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ đầu năm của người Chăm ở Ninh Thuận được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nguyệt My (T/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bac-kan-co-them-hai-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-169357.html

In bài viết