Bình Thuận hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

19:52 | 26/05/2022

Sáng ngày 25/5, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Thuận khóa XI đã tổ chức kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) nhằm thông qua một số Nghị quyết quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đáng chú ý là việc thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tàu cá không lắp thiết bị VMS sẽ bị xử lý nghiêm Quảng Ngãi: Tàu cá không lắp thiết bị VMS sẽ bị xử lý nghiêm
Sau ngày 30/7, tàu cá vẫn chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) bị coi là vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU) và sẽ bị tỉnh xử lý nghiêm.
Trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa khắc phục sự cố cho tàu cá Bình Thuận Trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa khắc phục sự cố cho tàu cá Bình Thuận
Ngày 19/4, Trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa do Hải đoàn 129 quản lý đã khắc phục thành công sự cố gẫy trục bánh lái cho tàu cá tỉnh Bình Thuận mang số hiệu BTh 98486 TS.

Báo Dân việt cho biết, hiện nay, tỉnh Bình Thuận có hơn 1.900 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS (thiết bị giám sát hành trình). Tính đến ngày 31/12/2021, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS là 1.860/1.950 tàu cá, đạt tỷ lệ 95,4%.

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP Chính phủ thì tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị VMS, đây là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị VMS còn nhằm khắc phục nội dung khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) để đáp ứng điều kiện gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhiều chủ tàu không huy động đủ tiền để mua thiết bị. Khai thác thủy sản trên biển hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá trị khai thác thấp.

Bên cạnh đó, để lắp đặt thiết bị VMS, ngoài tiền mua thiết bị từ 18 đến 25 triệu đồng/máy còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 đến 385.000 đồng/máy tùy thuộc loại thiết bị. Vì vậy, ngư dân không đủ tiền mua thiết bị VMS và trả phí thuê bao hàng tháng làm ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện lắp đặt thiết bị VMS.

Bình Thuận hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Bốc dỡ hàng hải sản tại cảng cá Phan Thiết. Ảnh: Báo Bình Thuận

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận nhận định: việc hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS sẽ giúp ngư dân vươn khơi bám biển và thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng, chống khai thác IUU.

Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI thống nhất ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí cho mỗi tàu cá mua, lắp đặt thiết bị VMS.

Điều kiện được hỗ trợ là tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đăng ký tại Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ phù hợp; là thành viên tổ đội hoặc nghiệp đoàn nghề cá hoặc hợp tác xã khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU)…

Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương để hỗ trợ tàu cá cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã động viên, khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác, tăng cường sự hiện diện của tàu cá Việt Nam ở các vùng biển, đảo xa bờ, góp phần thiết thực hiện việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ vay vốn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp như các thiết bị dò cá, thu thả lưới; thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt; thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác…, sử dụng trên tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ.

Có thể nói, việc triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian qua đã tạo ra động lực hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển lực lượng tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh cả về số lượng và chất lượng; thông qua chính sách tín dụng đã giảm bớt khó khăn, áp lực về vốn đầu tư cho ngư dân.

Nỗ lực ứng cứu, hỗ trợ tàu cá của ngư dân Phú Yên bị thiên tai Nỗ lực ứng cứu, hỗ trợ tàu cá của ngư dân Phú Yên bị thiên tai
Do sóng lớn kèm gió giật mạnh trên biển từ tối 30/3 đến rạng sáng 31/3, có 50 tàu cá của ngư dân huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) bị sóng đánh chìm. Các lực lượng chức năng ở địa phương cùng người dân đang nỗ lực cứu vớt những tàu cá bị mắc cạn, hư hỏng và khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại cho ngư dân.
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh có 217/260 tàu cá đánh bắt xa bờ đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phục vụ việc quản lý, bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển của quốc gia.

Vĩnh Bảo (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/binh-thuan-ho-tro-10-trieu-dong-cho-moi-tau-ca-mua-va-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-169166.html

In bài viết