Độc đáo kiến trúc đình Cốc ở Quảng Ninh

15:36 | 07/05/2022

Ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh còn lưu giữ được khá nhiều thiết chế văn hóa cổ, trong đó có Đình Phong Cốc. Đây là ngôi đình không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà nó còn có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc thời Lê.
Kiến trúc ngôi chùa “dát vàng” nguy nga như cung điện tại Sóc Trăng Kiến trúc ngôi chùa “dát vàng” nguy nga như cung điện tại Sóc Trăng
Kiến trúc sư tái hiện các công trình đặc sắc của Việt Nam qua tăm giang Kiến trúc sư tái hiện các công trình đặc sắc của Việt Nam qua tăm giang

Đình Cốc nằm trên một khu đất rộng hơn 5.200m2 ở phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, phía trước trông ra dòng sông Dái Nhện (hay gọi là sông cửa Đình).

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, truyền thuyết còn lưu giữ tại đình các nhà nghiên cứu nhận định rằng, đình Cốc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Đây là nơi thờ Thành Hoàng của làng là tứ vị Thánh nương, do nhân dân địa phương lấy húy (tên) từ đền Cần Hải, xã Hương Cát, huyện Quỳnh Lưu, (Nghệ An) về thờ.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc
Độc đáo kiến trúc đình Cốc

Hình chạm khắc nổi trên các đầu xà, đầu hồi của đình.

Ngoài thờ tứ vị Thánh Nương, đình Cốc còn phối thờ Đức Ông, Đức Bà và thần Nông- một vị thần chuyên đảm trách, trông coi về nông nghiệp.

Đình Cốc được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh gồm 7 gian, 2 chái, gồm tiền đường, bái đường và hậu cung. Phần tiền đường các gian được chia bởi 10 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang và một hàng cột hiên. Các cột được làm bằng gỗ lim chân cột kê đá xanh hình vuông, thớ mịn, đường kính trung bình 75 cm, trung bình mỗi cột nặng khoảng 5 tấn. Phần bái đường gồm có 5 gian hai chái, kết vì kèo kiểu chồng giường kẻ suốt gồm 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Phần hậu cung gồm 1 gian ngang, hai gian dọc. Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp nổi hình hai rồng chầu mặt trời. Phía sau đình là hai cây bồ đề cổ thụ rợp bóng mát, khiến ngôi đình càng thêm cổ kính. Sân trước đình được lát đá xanh bản rộng.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc

Hình cánh cửa chạm nổi Long ly quy phượng rất độc đáo.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật cho biết: Đình Cốc là ngôi đình độc đáo nhất trong hệ thống các ngôi đình cổ Bắc Bộ ven biển còn sót lại cả về giá trị lịch sử và kiến trúc. Đặc biệt nghệ thuật điêu khắc, trang trí mỹ thuật toàn bộ kết cấu bên trong đình hầu hết bằng gỗ lim, phía trước là hệ thống cửa bức bàn, gồm hai cửa phụ, cửa chính và các chắn song lùa gió. Trong đó cửa chính là một tác phẩm kiến trúc độc đáo, mỗi bên cửa được chạm nổi hình một con rồng như đang uyển chuyển từ trên mây sà xuống, xung quanh là hình mây lửa và các riềm hoa văn. Khi khép hai cánh cửa lại thì thành một tác phẩm hoàn hảo là hình hai rồng chầu mặt trời.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc

đình Cốc được xây dựng theo lối kiến trúc tiền đường, bái đường, hậu cung

Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Quảng Yên cho biết: Đình Cốc là một ngôi đình cổ, có kiến trúc nghệ thuật rất tinh xảo. Nghệ thuật kiến trúc ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật thời Lê. Bao gồm nhiều mục như chạm kênh bong (chạm nổi trên gỗ) các đầu xà, đầu cột. Chạm nổi các họa tiết ở thân đầu, vì kèo, cột và cửa chính. Đặc biệt cửa chính chạm nổi. Ở đây một bức tranh “long ly quy phượng” rất đẹp, con rồng từng chi tiết vẩy, râu, móng đầu đều được các nghệ nhân kéo léo trạm rất công phu từng đường nét, khiến cho chúng ta có thể cảm nhận ngay một con rồng như thực. Khi đóng cánh cửa vào thì là một bức tranh tuyệt đẹp về nghệ thuật điêu khắc mà hiện nay ít ngôi đình nào còn thấy. Đặc biệt các đầu xà của đình, các nghệ nhân còn khéo léo chạm nổi các con rồng. Việc chạm nổi nhiều con rồng cho thấy việc tôn trọng các vị thần biển ở nơi đây rất cao. Vì ở đình Cốc giáp mới biển, cho thấy người dân mong muốn thờ những vật chủ như con rồng biển để cầu mong đi biển được bình an.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc

Toàn cảnh đình Cốc

Bên cạnh đó, khi đến thăm đình Cốc du khách có thể bắt gặp nhiều chi tiết kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, hấp dẫn với mọi người khi đến thăm đình chính là cách trang trí mỹ thuật trên các bức cuốn, câu đối, xà đùi, xà dọc … với các đề tài: Long, ly, quy, phượng (tứ linh), các hình ảnh lễ hội dân gian như đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, đi hội. Tất cả đều được thể hiện bằng lối chạm nổi, trau chuốt, dày nhưng không hề rối, không gò bó, vụn vặt mà rất hài hoà với không gian kiến trúc, thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa.

Đình Phong Cốc độc đáo bởi nét kiến trúc cuối thời Lê. Hầu hết các kiến trúc của đầu xà, đầu hồi, phần mái được chạm khắc rất tinh tế với nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, hát đối, hay trai gái, nam nữ quần tụ, được khắc chạm rất tinh sảo.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc

hệ thống các cây cột lớn trong đình cũng được trang trí bằng các linh vật dân gian

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Cốc còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: Bia đá, các hoành phi câu đối, bát bửu, đặc biệt là tượng mẫu vua bà được tạc bằng gỗ sơn song thiếp vàng rất có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, nghiên cứu. Nhiều đồ thờ tự như ngựa gỗ, kiệu bát cống, bát hương bằng đồng, bộ tượng được sơn son, thếp vàng nhuốm màu thời gian.

Đình Cốc từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân khu đảo Hà Nam và là nơi thờ Thần Nông và Tứ vị Thánh nương. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, dân làng Cốc lại làm lễ cáo yết Thần Nông cầu cho mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, mạnh khoẻ. Tháng 6-2007, Lễ hội Xuống đồng, một lễ hội cầu mùa có từ lâu đời của người dân xã Phong Cốc, đã được phục dựng sau nửa thế kỷ gián đoạn. Trung tâm của Lễ hội là Đình Cốc với các hoạt động chính như tế Thành hoàng làng, thi bơi chải, thi cấy giữa các xóm.

Độc đáo kiến trúc đình Cốc

Văn bia ghi về quá trình hình thành, xây dựng đình Cốc

Năm 1988, đình Cốc được Bộ Văn hóa - Thể thao (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đứng trước nguy cơ di tích lịch sử đình Cốc bị hư hỏng, năm 2010, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Lịch sử Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam trùng tu, tôn tạo lại di tích. Năm 2013, đình Cốc tiếp tục được trùng tu lại.

Qua các thời kỳ, Đình Cốc đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân khu đảo Hà Nam và là nơi thờ Thần Nông, thành hoàng Tứ vị Thánh nương. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, dân làng Cốc lại làm Lễ cáo yết Thần Nông, cầu cho mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, mạnh khoẻ.

Huyền thoại nhà tre ở Phú Quốc lên tạp chí kiến trúc hàng đầu thế giới Huyền thoại nhà tre ở Phú Quốc lên tạp chí kiến trúc hàng đầu thế giới
Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất xứ Nghệ Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất xứ Nghệ

Long Vũ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doc-dao-kien-truc-dinh-coc-o-quang-ninh-167852.html

In bài viết