Xây dựng hệ thống cửa khẩu biên giới Việt-Lào theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ

21:41 | 06/05/2022

Đó là những chủ trương được thống nhất tại Hội thảo chuyên đề 'Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050'.
Việt Nam giúp Lào xây dựng hệ thống thủy lợi Việt Nam giúp Lào xây dựng hệ thống thủy lợi
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu
Xây dựng hệ thống cửa khẩu biên giới Việt-Lào theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ

Toàn cảnh hội thảo về phương hướng quy hoạch cửa khẩu Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

Vừa qua, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề 'Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050'.

Theo Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4/10/2020 của Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngày 5/5, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề "Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tham gia của các các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống cửa khẩu trên các tuyến biên giới nói chung và hệ thống cửa khẩu trên tuyến Việt Nam-Lào nói riêng trong phát triển - kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho rằng, kết quả của Hội thảo có ý nghĩa đối với việc xây dựng và lập quy hoạch hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng nhu cầu giao thương đi lại, phù hợp với quy hoạch tổng thể, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, là căn cứ để các tỉnh chủ động quy hoạch và phát triển cửa khẩu phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Hội thảo đã nghe Báo cáo quy hoạch cửa khẩu Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Mục tiêu chung của Quy hoạch, một là thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và cùng phát triển giữa Việt Nam-Lào.

Hai là tạo điều kiện giao lưu qua lại biên giới; phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân khu vực biên giới hai nước; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu.

Ba là, làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới. Bốn là, chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu. Năm là, gắn quy hoạch cửa khẩu với chiến lược bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đánh giá cao Báo cáo quy hoạch cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào do Ủy ban Biên giới quốc gia xây dựng. Đồng thời, đại diện Lãnh đạo các địa phương lần lượt đề xuất các kiến nghị với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác quản lý, phát triển quy hoạch cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiến nghị của các tỉnh đã được đại diện các bộ ngành ghi nhận, giải đáp.

Các ý kiến góp ý được đưa ra trong Hội thảo sẽ được Ủy ban Biên giới quốc gia bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện để đưa vào Hợp phần quy hoạch cửa khẩu.

Hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân vùng biên giới hai nước.

Tuy nhiên, việc mở, nâng cấp cửa khẩu thời gian qua chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên và nhu cầu hợp tác phát triển của từng cặp tỉnh tiếp giáp, nên trên toàn tuyến vẫn tồn tại sự mất cân đối trong phân bố cả về số lượng và loại hình cửa khẩu.

Bên cạnh đó, các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào chưa được đầu tư đúng mức, nhất là về hạ tầng giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trong khi đó, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch qua biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng tăng cao dẫn đến việc hạn chế trong thông thương, xuất nhập cảnh, an ninh quốc phòng cũng như thu hút đầu tư tại khu vực biên giới.

Điều này cho thấy, công tác quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là hết sức cần thiết và cấp bách.

Truyền thông Lào đưa tin đậm nét về quan hệ Lào - Việt Nam Truyền thông Lào đưa tin đậm nét về quan hệ Lào - Việt Nam
Lào cho phép thông quan hàng hóa trở lại tại 10 tỉnh biên giới Việt Nam Lào cho phép thông quan hàng hóa trở lại tại 10 tỉnh biên giới Việt Nam

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xay-dung-he-thong-cua-khau-bien-gioi-viet-lao-theo-huong-khoa-hoc-hien-dai-dong-bo-167821.html

In bài viết