Việt Nam sẵn sàng trong hợp tác kinh tế Cộng đồng Pháp ngữ

08:18 | 21/03/2022

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Cộng đồng Pháp ngữ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam mang nón, đàn T'rưng, tò he đến Ngày hội Pháp ngữ tại Pháp Việt Nam mang nón, đàn T'rưng, tò he đến Ngày hội Pháp ngữ tại Pháp
Tổng Thư ký Cộng đồng Pháp ngữ thăm chính thức Việt Nam Tổng Thư ký Cộng đồng Pháp ngữ thăm chính thức Việt Nam

"Tiếp lửa' hợp tác kinh tế

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ là nội dung chính trong trao đổi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến trụ sở Cộng đồng Pháp ngữ vào tháng 11/2021.

Từ đó có thể thấy, hợp tác kinh tế Pháp ngữ tiếp tục là trọng tâm thúc đẩy của Việt Nam trong Cộng đồng. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Việt Nam là nước điều phối xây dựng Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025 (Việt Nam đảm nhiệm từ tháng 3/2019).

Tinh thần ấy lại được “tiếp lửa” bằng một loạt hoạt động kinh tế sắp diễn ra khi Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ Louise Mushikiwabo thăm chính thức và dẫn đầu đoàn gồm hơn 80 doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ sang Việt Nam (từ 21-26/3) nhằm tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư về các lĩnh vực nông nghiệp, tài sản-dịch vụ số và năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ ngày 5/11/2021. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ ngày 5/11/2021. Ảnh: TTXVN

Việt Nam chính là nước đầu tiên được đoàn doanh nghiệp Pháp ngữ đến thăm nhằm triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025. Việc chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của đoàn thể hiện sự coi trọng vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế Pháp ngữ. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác về nông nghiệp, viễn thông và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác với các nước Pháp ngữ.

Nhìn lại, Việt Nam là thành viên luôn chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực hoạt động của Pháp ngữ, bắt đầu từ khi Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7/1997.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức diễn đàn quốc tế Franconomics hằng năm (bắt đầu từ 2019); hỗ trợ Việt Nam tổ chức một số hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi, gần đây nhất là hỗ trợ Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (tháng 9/2021).

Từ tháng 9/2020 đến nay, OIF triển khai dự án thí điểm hợp tác phi tập trung nhằm hỗ trợ thanh niên và phụ nữ trong sản xuất lúa gạo, sắn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đồng Tháp.

Thành viên tích cực, trách nhiệm

Là thành viên của Pháp ngữ từ năm 1979, triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngữ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị cấp cao (HNCC) Pháp ngữ, thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đã đăng cai tổ chức HNCC đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Pháp ngữ tại châu Á.

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997 là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997 là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việt Nam nhiều lần được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) (1996-1997), Chủ tịch HNCC Pháp ngữ (1997-1998)...

Từ tháng 3/2019, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban kinh tế CPF. Tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của OIF. Hiện Quốc hội Việt Nam cũng đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Có thể nói, Việt Nam là đầu tàu của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Đại học Pháp ngữ được đặt tại Hà Nội từ đầu những năm 1990. Trung tâm đào tạo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được đặt tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong quá trình đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam luôn tích cực đề cao đối thoại, hợp tác, đóng góp vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các bất ổn, xung đột, trong đó có một số nước châu Phi thành viên Pháp ngữ.

Phần lớn các nước Pháp ngữ đều coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhiều nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng, đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, bền vững và đoàn kết, thể hiện rõ nét trong các dự án hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam (như Viettel) tại một số nước Pháp ngữ.

OIF thể hiện coi trọng, thường xuyên cử Đoàn cấp cao thăm Việt Nam. Tổng thư ký Pháp ngữ đã 5 lần thăm Việt Nam (năm 1998, 2004, 2014, 2016 và 2019).

Đoàn kết trong khác biệt

Tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều trên thế giới. Hiện nay, Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng phát triển thành một không gian đa dạng, đó là cơ sở để Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng và hội nhập.

Ước tính có 300 triệu người nói tiếng Pháp trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, có khoảng 600.000 người nói tiếng Pháp.

Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, Cộng đồng Pháp ngữ đã cho thấy tinh thần đoàn kết và mong muốn được chung sống trong sự khác biệt, đa dạng và cùng phát huy các giá trị nhân văn của thế giới.

Tinh thần đoàn kết đó càng được thể hiện rõ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF Chekou Oussouman đã từng nhấn mạnh đến các hoạt động tương trợ ngay từ những thời điểm đầu tiên của đại dịch trong Cộng đồng Pháp ngữ giữa Việt Nam, Campuchia, Lào, Hàn Quốc với các nước châu Âu hay sự đoàn kết của Morocco với các nước châu Phi cận Sahara và sự kêu gọi của Tổng thống Pháp cho sự bình đẳng trong việc tiếp cận cũng như sử dụng vaccine.

Ngoài ra, Nghị quyết số 2565 (2021) do 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề xuất (trong đó có các nước Cộng đồng Pháp ngữ là Việt Nam, Tunisia, Niger, Mexico và Pháp) được thông qua với 15/15 phiếu thuận ngày 26/2/2021 về phân phối và tiếp cận vaccine tại khu vực xung đột, khủng hoảng đã chứng tỏ sự nhạy bén trong ngoại giao đa phương Pháp ngữ.

Quảng bá văn hóa Việt Nam tại “Ngày cuối tuần Pháp ngữ” Quảng bá văn hóa Việt Nam tại “Ngày cuối tuần Pháp ngữ”
Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện Pháp ngữ thúc đẩy quyền con người Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện Pháp ngữ thúc đẩy quyền con người

Theo Phương Hà/Báo Thế giới và Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-san-sang-trong-hop-tac-kinh-te-cong-dong-phap-ngu-165010.html

In bài viết