Cảm nhận VIÊNG CHĂN

17:05 | 13/02/2022

Vientiane (Viêng Chăn) nằm ở tả ngạn sông Mê Kông, trở thành thủ đô của đất nước Lào vào năm 1573. Viêng Chăn được ghi nhận là nơi có nhiều di tích quốc gia quan trọng nhất của xứ Triệu Voi, đặc biệt là các ngôi chùa Phật giáo cổ kính.
Thầy giáo Việt và hành trình 10 năm gieo chữ trên đất Lào Thầy giáo Việt và hành trình 10 năm gieo chữ trên đất Lào
Duyên Việt-Lào trên miền biên viễn Duyên Việt-Lào trên miền biên viễn

Thủ đô gần sáu trăm năm tuổi

Chúng tôi đến Viêng Chăn trên chuyến bay VN921 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, cất cánh rời sân bay quốc tế Nội Bài, vượt dãy Trường Sơn hạ cánh xuống sân bay Wattay (Viêng Chăn) vào một buổi trưa tháng 10. Thời điểm này ở Lào đang là cuối mùa mưa, nhưng hôm đó thời tiết rất đẹp, bầu trời trong xanh, nắng nhẹ. Vậy là chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đến đất nước Triệu Voi. Sân bay Wattay nằm cách trung tâm thủ đô Viêng Chăn 3km nên các phương tiện di chuyển vào thành phố rất thuận tiện. Cán bộ Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch Lào cùng anh Văn công tác tại Ðài Truyền hình quốc gia Lào làm thông dịch viên ra tận sân bay đón đoàn. Dù gặp nhau lần đầu, nhưng chúng tôi được đón tiếp niềm nở như người thân từ xa trở về, nên thật ấm áp, hạnh phúc.

Viêng Chăn, tiếng Việt xưa gọi là Vạn Tượng hay Mường Viêng vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất của Lào bên bờ sông Mê Kông, gần biên giới với Thái Lan. Viêng Chăn bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp hai, 5 đơn vị đô thị và 4 đơn vị nông thôn, trong đó thủ đô Viêng Chăn được xác định ở khu vực đô thị gồm 9 quận. Viêng Chăn trở thành thủ đô vào năm 1573, nhưng sau đó bị cướp phá, rồi bị san bằng vào năm 1827 bởi Xiêm. Viêng Chăn từng là thủ đô hành chính trong thời kỳ cai trị của Pháp, hiện nay là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước Lào, với gần một triệu người vào thời điểm điều tra dân số năm 2020.

Cảm nhận VIÊNG CHĂN
Tác giả (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng nghiệp bên Khải hoàn môn Patuxai.

Thủ đô Viêng Chăn không có nhiều nhà cao tầng, đường phố rộng rãi thoáng đãng, ít hàng quán, nhiều cây xanh, lưu lượng người và xe qua lại không tấp nập, chen chúc như Hà Nội hay Phnôm Pênh, Bangkok. Ðặc biệt ở Viêng Chăn vắng tiếng còi xe nên không gian thật yên bình. Ba ngày ở Viêng Chăn, chúng tôi có những buổi làm việc với Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch Lào, Báo điện tử Vientiane Times, Ðài Truyền hình quốc gia Lào và tham quan những di tích kiến trúc nổi tiếng ở thủ đô Viêng Chăn. Qua giao tiếp, chúng tôi hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của đất nước xứ Triệu Voi.

Nằm phía tây dãy Trường Sơn, với diện tích tự nhiên 236.800km2, dân số khoảng trên 7 triệu người, với 49 dân tộc và được chia thành bốn nhóm ngôn ngữ: Lào - Thái, Mon - Khơ Me, Mông - Dao, Hán - Tây Tạng. Từ thuở xa xưa, cách đây hàng ngàn năm, trên lãnh thổ Lào đã có cư dân thuộc các nhóm tộc người sinh sống. Những vết tích được phát hiện ở Thẳm-pong (Luổng-phạ-bang), Ma-hả-xay (Khăm-muôn) rồi đến Cánh đồng Chum ở Xiêng-khoảng, có thể xác định rằng cư dân nguyên thủy trên đất Lào đã không ngừng phát triển suốt từ thời đồ đá đến thời đại kim khí.

Theo sử yếu Lào cũng như một số truyền thuyết phổ biến ở Lào thì nhà nước Lào được hình thành vào khoảng năm 757 dưới triều Khủn-Lo đặt tại Xiêng-đoông-Xiêng-thong (Luổng-phạ-bang ngày nay). Nhưng phải đến giữa thế kỷ XIV (1353), quốc gia Lào Lạn-xạng thống nhất đầu tiên mới ra đời dưới triều Phạ-ngừm (1353-1373)… Trải qua hơn 6 thế kỷ, từ thế kỷ XIV đến những thập niên đầu thế kỷ XXI, đất nước Lào phát triển qua những bước thăng trầm, nhưng xứ sở hoa Champa, nơi sinh ra điệu Lăm Vông tình nghĩa, duyên dáng mà quyến rũ đến mê hồn vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, Viêng Chăn được ghi nhận là nơi có số lượng lớn các công trình kiến trúc cổ và di tích quốc gia quan trọng nhất của đất nước Lào.

Nhiều di tích cổ kinh và độc đáo

Lần đầu đến Viêng Chăn, thời gian lưu lại không lâu nên chúng tôi tranh thủ từng ngày, từng giờ để khám phá vẻ đẹp các công trình kiến trúc ở nơi đây. Các bạn Lào luôn đồng hành cùng chúng tôi, trong đó anh Văn thông dịch viên cho đoàn nói tiếng Việt rất thành thạo. Hỏi ra mới biết, anh từng du học 5 năm tại Việt Nam.

Cảm nhận VIÊNG CHĂN
Một cụm tượng trong vườn tượng Phật.

Ðiểm đầu tiên đoàn tới tham quan là Khải hoàn môn Patuxai còn có tên là Ðài chiến sĩ vô danh (Anou Savary), được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào và hiện là biểu tượng đặc trưng của thủ đô Viêng Chăn. Tiếp đến là Pha That Luang, ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào, là biểu tượng của quốc gia Lào.

Ngoài ra, chúng tôi còn được tham quan ngôi chùa nổi tiếng nhất Lào cũng là ngôi chùa cổ nhất còn tồn tại của Viêng Chăn là Wat Si Saket. Cho đến nay, ngôi chùa vẫn được giữ nguyên kể từ khi được xây dựng vào những năm 1818 dưới thời vua Anou. Có truyền thuyết cho rằng, khi quân Xiêm định tấn công chùa, một đám mây đen bỗng xuất hiện phủ kín bầu trời, tất thảy quan quân đều thất kinh cho đó là cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui. Nhờ vậy mà chùa Wat Si Saket vẫn còn tồn tại đến ngày nay như một trong những nơi tu hành thiêng liêng nhất của người dân Lào.

Cùng với Pha That Luang, Wat Si Muang là một trong hai công trình cổ nhất thủ đô với tuổi đời lên đến gần 5 thế kỷ. Người dân Lào gọi Wat Si Muang là linh hồn của thủ đô bởi lẽ ngôi chùa gắn liền với những câu chuyện linh thiêng về Phật giáo và vương triều ngày xưa lúc xây chùa đã quyết định dựng tại đây một chiếc cột trấn quốc.

Wat Phra Keo là chùa Phật ngọc của Viêng Chăn. Chùa còn có tên là chùa Hoàng gia và là một bảo tàng lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật đại diện cho vẻ đẹp tôn giáo của người Lào. Tại đây, rất nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh ảnh quý được dát vàng, bọc bạc, đính ngọc thạch và nhiều loại đá quý khác.

Ðiểm tham quan xa nhất trong hành trình ba ngày của chúng tôi ở Viêng Chăn là Vườn tượng Phật, công viên Phật giáo nổi tiếng ở Xieng Khuan, một địa điểm du lịch đặc sắc, thu hút nhiều khách quốc tế. Từ khách sạn Xay Som Boun nằm trên đường Kunbulom, Chanthabuly, nơi chúng tôi ở đi ô tô đến Vườn tượng Phật (hay Buddha Park) chừng 20 phút. Vườn tượng Phật là một công viên Phật giáo nổi tiếng ở Xieng Khuan, nằm tách biệt khu dân cư và cách Viêng Chăn khoảng 24km. Các bạn đồng nghiệp Lào nói vui: Ðến xứ sở hoa Champa mà không tham quan Vườn tượng Phật là một thiệt thòi lớn. Quả không sai khi tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đậm nét Phật giáo đã trở thành kiệt tác của đất nước Lào.

Qua lời giới thiệu cặn kẽ của thông dịch viên chúng tôi được biết: Vườn tượng Phật được khởi công xây dựng từ năm 1962, kéo dài đến năm 1971 mới hoàn thành. Công viên Phật giáo này có gần 300 bức tượng về các thần, động vật, quỷ, con người, được tạo bằng chất liệu xi măng mộc mạc.

Nổi bật nhất ở khu vườn là bức tượng Phật nằm khổng lồ dài 40m với nét mặt thanh thoát, bao dung. Ðến bên bức tượng Phật, chúng tôi thấy lòng thật thanh thản bình an. Bức tượng vị thần 12 khuôn mặt và nhiều tay quay về các hướng trong một không gian rộng cũng là một tác phẩm độc đáo. Nét chạm khắc thật sắc sảo tinh tế thể hiện sự tài hoa của bàn tay người thợ.

Một bức tượng làm tò mò chúng tôi là tượng phật âm phủ hình quả bí ngô khổng lồ có 3 tầng, có cửa động là miệng con quỷ, cao, rộng cho phép du khách vào bên trong khám phá ba tầng của nó. Cảm nhận chúng tôi chưa hiểu rõ về ý nghĩa bức tượng này, anh Văn giải thích thêm: Ba tầng của quả bí ngô khổng lồ đại diện cho địa ngục, trái đất và thiên đàng, đi lên trên đỉnh quả bí ngô có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh đẹp của Vườn tượng Phật.

Ngoài các bức tượng độc đáo trên, còn có rất nhiều tượng nhỏ kích thước khác nhau được bố trí rải rác trong khuôn viên khu vườn. Có tượng đặt riêng lẻ, có số tượng dựng thành một cụm. Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, đều được chạm trổ tỉ mỉ, cầu kỳ, tinh xảo với các hình dáng khác nhau thể hiện sự hòa trộn hài hòa giữa Hinđu giáo và Phật giáo trong sự đa dạng, độc đáo của văn hóa đất nước triệu voi.

Anh Văn cho biết: Lào là quốc gia có hơn 60% dân số theo đạo Phật nên từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến hội họa, điêu khắc, ngôn ngữ, văn tự, thi ca, trang phục, ẩm thực hay tín ngưỡng, lễ hội đều mang dấu ấn Phật giáo. Văn hóa Phật giáo và đạo Phật đã đi sâu vào tư tưởng để lại những dấu ấn rõ nét trong đời sống, tinh thần của người dân Lào. Vườn tượng Phật là di sản kiến trúc, điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của đất nước Lào.

Không có những tòa nhà chọc trời hay những khu thương mại sầm uất, đến Viêng Chăn ta cảm nhận được sự thanh tịnh, êm ả trong tâm hồn và say lòng với khung cảnh bình dị, bình yên của đất nước Triệu Voi.

Xuyên đêm săn Xuyên đêm săn "đặc sản" trên biên giới Việt - Lào
Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…
Tăng cường tuần tra song phương tuyến biên giới Việt Nam - Lào Tăng cường tuần tra song phương tuyến biên giới Việt Nam - Lào
BĐBP Quảng Trị được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trên đất liền dài 179,345km (trong đó có cả biên giới trên sông, suối và trên bộ) với 62 vị trí/68 cột mốc quốc giới, 23 vị trí/35 cọc dấu, tiếp giáp với tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào. Để củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ biên giới, lực lượng chuyên trách, nòng cốt của hai bên đã tích cực triển khai có hiệu quả công tác tuần tra song phương, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Theo Báo Phú Yên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cam-nhan-vieng-chan-163049.html

In bài viết