Màu thời gian trên những cổng làng

13:41 | 10/02/2022

Tôi ngờ rằng, trong cái bận bịu của phận người vì sinh kế, rồi có muôn vàn điều người ta sẽ quên. Nhưng hình ảnh về chiếc cổng làng sẽ là ấn tượng đầu tiên khiến người ta khó quên nhất. Khó quên là bởi vì bước chân đầu tiên mà một người được gọi là trưởng thành bao giờ cũng đi qua cổng làng.

Xã làm cổng làng bằng gỗ quý hơn 4 tỷ: Dân không phải đóng một đồng, còn được hỗ trợ tiền Xã làm cổng làng bằng gỗ quý hơn 4 tỷ: Dân không phải đóng một đồng, còn được hỗ trợ tiền
Một số người dân xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) bày tỏ, họ vui mừng khi những người con của xã đi làm ăn xa thành đạt, về đầu tư xây cổng làng cho quê hương.
Giáo sư Nhật Bản trao tặng mô hình Cổng làng Mông Phụ cho Bảo tàng Hà Nội Giáo sư Nhật Bản trao tặng mô hình Cổng làng Mông Phụ cho Bảo tàng Hà Nội
TĐO - Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ do Giáo sư, kiến trúc sư Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) trao tặng.
Màu thời gian trên những cổng làng
Cổng làng Yên Liệu Thượng xã Khánh Thịnh (Yên Mô). Ảnh: Minh Quang/ Báo Ninh Bình

Cánh cổng ấy là nơi ngăn cách không gian làng quê với thế giới bên ngoài, vô cùng xa lạ nhưng cũng vô cùng quyến rũ. Chỉ cần bước chân qua cánh cổng ấy, những cô bé, cậu bé rất có thể sẽ thành một người khác. Và trong nỗi hoài vọng về thuở hoa niên ấy, cánh cổng làng như một người bạn chung thủy, thầm lặng đã chứng kiến tất cả.

Cổng làng không chỉ lưu giữ bước chân của một người mà là chứng nhân cho nhiều thế hệ. Và nếu như mỗi ngôi làng của người Việt đóng vai trò một kho tàng ký ức cộng đồng thì cánh cổng làng sẽ được ví như vị di thần canh giữ kho tàng ấy. Bao nhiêu bước chân người đã đi qua cánh cổng làng? Bao nhiêu câu chuyện đã cất giữ lại bên trong ngưỡng cửa thời gian ấy? Chuyện từ những đêm hội mùa.

Những lời hẹn ước. Cả những câu chuyện về những phận người đã sống và thác, an nhiên, lặng lẽ. Họ đến với cõi đời rồi chia tay cuộc nhân sinh cũng lặng lẽ như cơn gió. Ngọn gió hoang vu vẫn lướt qua cánh đồng làng sau mỗi vụ gặt. Ngọn gió vô tình vẫn thổi dọc triền sông nhuộm vàng hoa cải! Cổng làng không chỉ là nơi đưa tiễn người đi mà còn là nơi đón bước chân những đứa con đi xa trở về.

Những người con của làng đã ký thác tuổi thơ lại phía sau bậu cửa thời gian, mải mốt giấc mơ cơm áo. Rồi cuộc đời như một vòng tròn định mệnh, sau hết họ lại trở về chính nơi họ từng ra đi. Họ trở về tìm lại ký ức. Trở về tìm lại quê hương bản quán. Về giả nợ lời thề ước trong đêm hội làng thuở thanh xuân. Và hơn thế, sự trở về của mỗi đứa con xa làng như một thứ nghi thức của một cuộc hành hương về quá khứ. Và trong vòng tròn của sự ra đi và trở về ấy, cánh cổng làng chính là chứng nhân cho tất cả. Tôi còn nhớ trong hương ước của làng từng có phong tục rất đẹp.

Vào mỗi khoa thi, những nho sinh của làng may mắn có tên trong bảng vàng, thì vào ngày vinh quy, làng phải rải chiếu hoa ngoài đình và người dân ra đứng tận cổng làng nghênh đón vị tân khoa. Còn những người dù đỗ đạt, công danh nhưng khi về quê, tới cổng làng khi biển đề chữ "hạ mã" (xuống ngựa) đều phải xuống ngựa hay dừng kiệu đi bộ, để tỏ lòng tôn kính người dân trong làng.

Trong nhiều thư tịch cổ còn ghi lại làng của người Việt thường có hai cổng. Cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền nơi người ta đi ra, lao động kiếm sống, hay là nơi diễn ra các nghi thức đón tiếp người nơi khác đến hay những người có công danh trở về. Còn cổng hậu thường dẫn lối ra nơi nghĩa địa của làng, là nơi người đã khuất được dân làng đưa tiễn qua, hoặc những người bị làng phạt đuổi ra khỏi làng.

Cổng làng ở một nghĩa nào đó như một thứ khuôn thước, ước định phân biệt những gì trong và ngoài làng. Phía trong cánh cổng là những luật tục, là những gì thuộc về "đất lề quê thói", là những gì thuộc về văn hóa của những gia đình, dòng họ đã vun bồi, gìn giữ, truyền thừa từ bao đời. Còn phía ngoài cánh cổng ấy là xã hội, nhân quần rộng lớn, là biết bao trong, đục của phận người mà mỗi người khi đã bước ra khỏi cánh cổng làng phải đối mặt.

Cũng vì mang trên mình những ý nghĩa ấy nên cổng làng vượt ra ngoài giá trị vật chất thuần túy để trở nên một thứ biểu tượng mang ý nghĩa tinh thần. Trong tâm thức những người con xa làng, cổng làng là một thứ biểu tượng của sự trở về.

Vào một thời gian nào đó trong cuộc đời của mỗi con người, dù thành công hay thất bại sẽ có giây phút người ta nghĩ đến sự trở về. Hay chí ít, mơ một nẻo về cố quận! Kể cả sự trở về chỉ trong vọng tưởng đớn đau. Bởi lẽ cuộc nhân sinh mấy ai biết được vuông tròn. Sẽ có người đi ra rồi công thành danh toại.

Ngược lại có người không bao giờ có được may mắn ấy. Cho nên mỗi sự trở về đôi khi có cả những buồn vui lẫn lộn. Cổng làng, trong tâm thức người dân, cho dù hiện diện với ý nghĩa nào thì cũng có thể thấy nó vô cùng quan trọng.

Cổng làng, cùng với ngôi đình, cây đa, bến nước..., vừa là hữu thể vật chất lại vừa là những biểu tượng giàu ý nghĩa văn hóa tinh thần. Sự hiện diện của cổng làng như chứng lý của sự tồn sinh bất diệt của không gian văn hóa làng xã, nơi kho tàng ký ức cộng đồng. Có phải vì ôm vào lòng tất cả những ý nghĩa ấy mà cổng làng nào cũng trở nên cũ kỹ, rêu phong và xưa như cổ tích trong mắt người đời.

Gần 30 Đại sứ, nhân viên ngoại giao, các tổ chức quốc tế trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam ở làng cổ Đường Lâm Gần 30 Đại sứ, nhân viên ngoại giao, các tổ chức quốc tế trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam ở làng cổ Đường Lâm
Ngày 23/1, gần 30 Đại sứ và đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã có chuyến tham quan Làng cổ Đường Lâm và trải nghiệm không khí Tết cổ truyền tại đây.
Lửa hồng ở làng cổ vùng biên giới Tây Nguyên Lửa hồng ở làng cổ vùng biên giới Tây Nguyên
Trong ngôi làng bên dòng Đắk Bla huyền thoại ấy, người già người trẻ sống yên bình bên dòng sông và họ giữ lại những ngọn lửa hồng cho làng cổ mấy mươi đời qua.

Theo baoninhbinh.org.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mau-thoi-gian-tren-nhung-cong-lang-162841.html

In bài viết