Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh: Củng cố và nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam

19:41 | 15/12/2021

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh Xòe Thái đã góp phần vào bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy cuốn hút của dân tộc, góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh mềm của Việt Nam.
Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận
Sức mạnh mềm Việt Nam trong chiến lược 'ngoại giao tâm công' Sức mạnh mềm Việt Nam trong chiến lược 'ngoại giao tâm công'

Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vừa ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

Việc Nghệ thuật Xòe Thái vừa được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Trước hết, Việt Nam có thêm 1 di sản được quốc tế công nhận, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh là 14 di sản và nâng tổng số các danh hiệu UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 47. Điều này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy cuốn hút của dân tộc ta, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, củng cố và nâng cao sức mạnh mềm của Việt Nam.

Màn trình diễn Xòe Thái ấn tượng tại tỉnh Yên Bái. (Nguồn: Báo Yên Bái)
Màn trình diễn Xòe Thái ấn tượng tại tỉnh Yên Bái. (Nguồn: Báo Yên Bái)

Với địa phương, đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với "một sinh hoạt văn hóa đặc sắc", "là kết quả sáng tạo nghệ thuật" từ lao động và trí tuệ của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc.

Đây sẽ là một tiền đề quan trọng để Đảng bộ, Nhân dân các tỉnh sở hữu di sản như Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao "chỉ số hạnh phúc" đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là một nguồn lực mới, quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, tạo sinh kế cho người dân, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Đồng thời, với quốc tế, điều này thể hiện vinh dự của Việt Nam, đóng góp thêm một di sản vào kho tàng văn hóa của nhân loại và góp phần thực hiện các mục tiêu chung của Liên hợp quốc, trong đó có Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Từ đây, Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản của nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.

Thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện những công việc gì nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, thưa ông?

Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào một thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 vừa được ban hành, thể hiện sự triển khai khẩn trương và hiệu quả tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa được tổ chức, Hội nghị Ngoại giao 31 đang diễn ra.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một số công việc như sau:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác bảo vệ và phát huy các danh hiệu đã đạt được, trong đó có việc nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và thực hiện các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản mà địa phương đã xây dựng.

Trong quá trình này, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Trình diễn Xòe Thái tại Lễ hội Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) năm 2019. (Ảnh: Tuấn Huy/ Báo Thế giới và Việt Nam))
Trình diễn Xòe Thái tại Lễ hội Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) năm 2019. (Ảnh: Tuấn Huy/ Báo Thế giới và Việt Nam)

Thứ hai, việc vận động các danh hiệu UNESCO góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, cũng như thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại.

Thứ ba, tiếp tục hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa; vận động đưa người Việt Nam tham gia đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế về văn hóa, đưa thêm nhiều người Việt Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí lãnh đạo tại các diễn đàn văn hóa của khu vực và thế giới.

Đối với Nghệ thuật Xòe Thái, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các bộ, ngành và nhất là các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể duy trì và tăng cường nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái theo quy định của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Luật Di sản văn hóa 2013; đồng thời huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là một nội dung hoạt động quan trọng của UNESCO. Công ước này càng ngày càng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay đã có hơn 90 nước gia nhập Công ước và rất nhiều quốc gia đang trong quá trình phê chuẩn. Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên gia nhập Công ước và được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ từ năm 2006.

UNESCO nhận xét Việt Nam là một trong số các quốc gia có chính sách và hoạt động tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện ở việc xây dựng, ban hành và áp dụng luật và các chính sách bảo vệ di sản văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể; phục hồi và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán...

“Sức mạnh kép” từ sáng kiến liên kết phát triển du lịch “Sức mạnh kép” từ sáng kiến liên kết phát triển du lịch
Chợ tình ở huyện biên giới Mèo Vạc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ tình ở huyện biên giới Mèo Vạc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Báo Thế giới và Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghe-thuat-xoe-thai-duoc-unesco-vinh-danh-cung-co-va-nang-cao-suc-manh-mem-viet-nam-159371.html

In bài viết