Nhiều nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19

16:40 | 23/11/2021

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến vô cùng phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt là phụ nữ bởi phụ nữ vừa đóng vai trò là người lao động sản xuất trong xã hội, lại thường là người chịu trách nhiệm chính các công việc chăm sóc trong gia đình.
Nhiều đơn vị cam kết đồng hành Chương trình Nhiều đơn vị cam kết đồng hành Chương trình "Mẹ đỡ đầu" nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do COVID-19
Hàng nghìn hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 Hàng nghìn hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021

Để kịp thời đồng hành, hỗ trợ và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, vừa góp phần chung tay cùng toàn hệ thống chính trị phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi đại dịch sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hội viên phụ nữ phường Liễu Giai, quận Ba Đình đi chợ hộ hội viên. (Ảnh: VGP/Thùy Linh)
Hội viên phụ nữ phường Liễu Giai, quận Ba Đình đi chợ hộ hội viên. (Ảnh: VGP/Thùy Linh)

Cụ thể, TW Hội tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến để tuyên truyền, lan tỏa thông điệp kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19. Đặc biệt, TW Hội đã tổ chức thành công Lễ phát động trực tuyến chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, kêu gọi phụ nữ cả nước ủng hộ, chia sẻ, giúp phụ nữ, trẻ em vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai, truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về thông điệp nhân văn của Chương trình và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân cả nước (thu hút hơn 200.000 lượt tiếp cận, hàng nghìn lượt chia sẻ trên fanpage Hội, fanpage cá nhân của nghệ sỹ). Lễ phát động với Lời kêu gọi thiết thực của Chủ tịch Hội “Ai có gì giúp đấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều” đã lan tỏa ý nghĩa nhân văn, truyền cảm hứng và huy động được toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp, ủng hộ; góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng kinh phí vận động của Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” là 129,06 tỷ đồng tương đương 430.200 suất quà. Các phần quà đã được chuyển đến các tỉnh phía Nam hoặc hỗ trợ ngay trong tỉnh cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người dân khu cách ly, khu phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nhiều nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19
Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" do Hội LHPN Việt Nam phát động nhận được sự chung tay đóng góp của các cấp Hội phụ nữ và cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác vận động nguồn lực và tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng cũng rất được Hội quan tâm và triển khai thực hiện. Các cấp Hội tích cực triển khai hiệu quả các mô hình dựa vào phụ nữ và phát huy thế mạnh của phụ nữ như Bếp ăn nghĩa tình phục vụ y bác sỹ; Bếp yêu thương; Bếp nhỏ nhà Hội; Bếp cơm chay 0 đồng; Tủ bánh mì nghĩa tình; Mô hình Biệt đội xanh, Shipper 0 đồng; mô hình đi chợ hộ miễn phí; hỗ trợ đổi công, chăm sóc người già, con nhỏ cho các gia đình có người bị đi cách ly; tham gia tiếp phẩm trong các khu vực cách ly và phục vụ lực lượng tuyến đầu. Ủng hộ hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn…).

TW Hội cũng trực tiếp vận động nguồn hàng tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid của Hội LHPN Việt Nam; giao trách nhiệm cho Hội LHPN cấp tỉnh trực tiếp tiếp nhận và chuyển nguồn hỗ trợ thực phẩm thiết yếu kịp thời cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tại các vùng an toàn đã đoàn kết, chung sức huy động quyên góp các nhu yếu phẩm thiết yếu để ủng hộ phụ nữ, nhân dân vùng dịch tại các tỉnh/thành phố phía Nam.

Thống kê từ tháng 1/2021 đến hết ngày 23/9/2021, các cấp Hội từ TW đến cơ sở đã huy động được nguồn lực (gồm tiền mặt, hiện vật…) là 358,95 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, TW Hội và 21 tỉnh/thành đã ủng hộ Quỹ vắc xin trên 9,4 tỷ đồng (tính đến 20/7/2021).

Bên cạnh đó, các hoạt động bảo vệ, chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ và trẻ em gái như tập trung chăm lo, động viên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và gia đình thành viên tham gia chống dịch: Thăm tặng quà con em gia đình có người tham gia tuyến đầu nhân ngày 1/6, Thăm tặng quà gia đình chính sách ở các địa bàn vùng dịch dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ... cũng được chú trọng, triển khai thường xuyên.

Đại dịch đã tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng về kinh tế - xã hội. Cũng như nhiều các quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với những mảng tối của bất bình đẳng giới khi bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói. Đợt bùng phát thứ 3 và thứ 4 của đại dịch ở nước ta đã tác động mạnh mẽ đến việc làm, sinh kế của lao động nữ, nhất là lao động trung niên, làm những công việc không ổn định, khiến thu nhập bình quân tháng trong nửa đầu năm 2011 của phụ nữ chỉ bằng 71% của nam giới (4,9 triệu đồng so với 7,1 triệu).

Số lượng các vụ bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của đường dây nóng Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội, Ngôi nhà Ánh dương tại Quảng Ninh nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng giãn cách so với cùng kỳ những năm trước đó. Bên cạnh đó, trách nhiệm chăm sóc người già, người ốm tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh, việc đồng hành cùng con học online trong khi vẫn phải làm việc tại nhà đang tạo thêm nhiều áp lực tinh thân cho phụ nữ, khiến cho “gánh nặng kép” trên vai phụ nữ trở nên nặng nề hơn, làm giảm khả năng và tốc độ phục hồi của họ sau đại dịch.

Trước bối cảnh đó, Hội LHPN Việt Nam xác định trong thời gian tới, một mặt tiếp tục vận động, phát huy nội lực, vai trò chủ thể của phụ nữ để phòng chống dịch và khôi phục kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” ngay từ gia đình, thôn xóm; đồng thời khai thác, vận động mọi nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của phụ nữ, đặc biệt những nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phụ nữ và trẻ em gái cần được xem là trung tâm trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Phụ nữ và trẻ em gái cần được xem là trung tâm trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch
Đề xuất 5 chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam Đề xuất 5 chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhieu-no-luc-bao-ve-phu-nu-va-tre-em-gai-trong-va-sau-dai-dich-covid-19-157398.html

In bài viết