THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Tận dụng ưu đãi từ EVFTA là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp FDI khôi phục sản xuất

10:00 | 01/11/2021

Với nhiều ưu đãi về thuế quan và được ví như “đường cao tốc” cho doanh nghiệp đến với thị trường EU, nhưng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không hẳn tạo thuận lợi với tất cả doanh nghiệp và mọi loại hàng hóa. Tuy nhiên, nếu thay đổi và tận dụng, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội lớn để phát triển kinh tế và vượt qua khó khăn thời kỳ hậu COVID-19.

Nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

Sau một năm có hiệu lực, EVFTA trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã đạt được mức tăng trưởng khả quan. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU.

Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR và xếp trong Top 10 Các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Đáng chú ý, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh - đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, thương mại điện tử đã trở thành điểm sáng khi các phương thức thương mại truyền thống bị hạn chế bởi dịch COVID-19. Các nước EU và Việt Nam đã có những giải pháp thúc đẩy kinh tế số, nhất là thương mại điện tử và đây là một trong các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược khôi phục kinh tế hậu đại dịch, mở ra triển vọng một kênh giao thương xuyên biên giới tiềm năng trong thời gian tới.

EVFTA là động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt đại dịch.
EVFTA thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt đại dịch.

Với những gì EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã khẳng định: "Rõ ràng đây là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - EU trước bối cảnh bình thường mới với nền tảng vững chắc từ EVFTA”.

Một số chuyên gia nhận định, trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng với sự nổi lên của những xu hướng thương mại đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới với các đối tác EU.

Mặt khác, đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế theo xu hướng mới, hướng đến kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ mới tiêu chuẩn cao hơn, giúp hàng hóa Việt Nam có thêm ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao từ thị trường EU.

Tuy nhiên, thực tế, để doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ đối tác là điều không hề dễ dàng.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là 1 doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn, mỗi năm, Hapro xuất khẩu trên 100 triệu USD vào thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối với Hapro, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các giao dịch rất thuận lợi nhờ những ưu đãi về thuế quan. Điều này giúp hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hơn tại thị trường châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu ở khu vực này đã tăng lên rõ rệt.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, trong điều kiện bình thường, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-EU mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt, song dịch bệnh đã gây ra tác động nhiều phía. Gần đây nhất là tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có vận tải, cước vận tải đã tăng lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Nguồn cung lao động không đảm bảo, giãn cách xã hội, sản xuất “3 tại chỗ”… Tất các các yếu tố này tác động tới vấn đề cung ứng, xuất nhập khẩu hàng hoá.

Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam và một số nước lại đang rơi vào tình trạng chi phí lao động, chi phí sản xuất đều cao dẫn tới giá thành sản phẩm cao, trong khi nhu cầu bạn hàng tại các thị trường lại khá ít.

“Trong xuất khẩu quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm khách hàng ở thị trường nước ngoài. Đó là điều nhiều doanh nghiệp không thực hiện được, nhất là trong vòng 2 năm gần đây, doanh nghiệp không thể có những chuyến công tác nước ngoài, xúc tiến thương mại tại các hội chợ quốc tế. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các đại sứ, đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã tạo điều kiện giúp đỡ Hapro trong các vấn đề kết nối với bạn hàng, với khách hàng và tìm kiếm khách hàng mới”, ông Lê Anh Tuấn cho hay.

Chuẩn bị mọi phương án để thích ứng với tình hình mới

Trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhiều khó khăn và thách thức được đặt ra đối với các doanh nghiệp. Bởi vậy, Việt Nam cần xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới; khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế thế giới.

Và để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai thì cần nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu chúng ta khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.

Doanh nghiệp cần năm bắt và tận dụng ưu đãi từ EVFTA
Doanh nghiệp cần năm bắt và tận dụng ưu đãi từ EVFTA

Chẳng hạn, doanh nghiệp tận dụng thuế quan trong EVFTA để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU. Hiện tại ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam. Và nếu xuất khẩu sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Cũng như vậy, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi một lần nữa trở lại đường đua.

Đặc biệt, nếu xuất khẩu sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông, thủy sản, thì tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch. Đồng thời, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, khai thác tối đa lợi thế của hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ EU sẽ hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA, mang lại lợi ích hài hòa, bao trùm và bền vững cho cả hai bên.

Song, trước những thời cơ và thách thức đan xen giai đoạn bình thường mới và đáp ứng được điều kiện của EVFTA, doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, tham gia sâu vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Hoàn tất đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc Hoàn tất đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngày 4/11, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương theo quy trình đăng ký nhanh.
Khôi phục sản xuất: Doanh nghiệp Khôi phục sản xuất: Doanh nghiệp "khát" lao động
Tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho việc khôi phục sản xuất.
Doanh nghiệp cần hợp tác điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía Doanh nghiệp cần hợp tác điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía
Để phục vụ cho quá trình điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, ngày 26/10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đã gửi bản câu hỏi điều tra vụ việc cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi điều tra là trước 17h ngày 1/12/2021.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tan-dung-uu-dai-tu-evfta-la-giai-phap-huu-hieu-de-doanh-nghiep-fdi-khoi-phuc-san-xuat-156057.html

In bài viết