Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lắng nghe là ‘chìa khóa’ đi đến phồn vinh

12:33 | 12/10/2021

Sẽ có rất nhiều con đường dẫn đến sự thành công của một quốc gia, sự khác biệt nhiều hay ít thì tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và văn hóa, nhưng chắc chắn sẽ có những giá trị chung mang tính trường cửu, không phân biệt niên đại hay địa lý. Vậy con đường đi đến phồn vinh của Việt Nam hiện nay đang có diện mạo ra sao, có những yếu tố gì cần đặc biệt chú trọng…? Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xoay quanh chủ đề trên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lắng nghe là ‘chìa khóa’ đi đến phồn vinh
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lắng nghe là ‘chìa khóa’ đi đến phồn vinh

Hãy học từ Hồ Chủ Tịch

-Thưa ông, mong ước vươn lên phồn vinh, hạnh phúc có lẽ là suy nghĩ thường trực của người dân ở bất cứ quốc gia nào, ông cảm nhận sao về điều này ở người Việt Nam hiện nay?

Người Việt mình tôi nghĩ thời nào cũng vậy, mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ trên nhiều phương diện là khao khát từ nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp. Từ trong lịch sử, và giờ đây khi đất nước có những điều kiện khác trước nhiều thì khát vọng làm giàu cho chính bản thân cũng như cho cộng đồng tôi nghĩ ngày càng đa dạng, ngày càng mạnh mẽ.

-Muốn khơi dậy khát vọng thì phải tôn trọng những con người cụ thể thực hiện khát vọng đó, ở Việt Nam trong lịch sử, tư duy này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Vấn đề chúng ta nêu lên có thể tiếp cận từ rất nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ thực dụng thì là tạo hiệu quả cho người cầm quyền, từ góc độ khác thì lợi ích về đạo lý xã hội, hoặc hẹp hơn là quan niệm của Nho giáo thì lại có cách tiếp cận khác khi chủ yếu nói về đạo làm người và đạo của người lãnh đạo…Tuy nhiên, tựu trung lại có thể hiểu sự trọng thị ở đây là việc lắng nghe những gì mà người dân mong muốn.

-Trong quá khứ, việc “lắng nghe” được tổ chức ra sao, thưa ông?

Từ ngay trong đời sống làng xã là tế bào của xã hội Việt Nam truyền thống, chúng ta cũng có cơ chế tạm gọi là dân chủ để đảm bảo tôn trọng tiếng nói của người dân, mặc dù đẳng cấp xã hội được phân vai rất chặt chẽ.

Hoặc ở cấp độ cao hơn là ngày trước ở cửa Tây Nam thành Thăng Long có một cái trống để người dân đến đánh trống và nhà vua sẵn sàng lắng nghe. Có thể hiểu đó là cơ chế của xã hội khi ấy, đó có thể là tiếng trống kêu oan, tiếng trống cảnh tỉnh hoặc đơn giản là người dân muốn dâng lên một ý kiến…

Và tiêu biểu nhất trong lịch sử dân tộc là Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần. Tinh thần Diên Hồng là lắng nghe ý kiến của những người già - đây là những người đại diện cho truyền thống và những kinh nghiệm, những bài học, những bản lĩnh của họ đã được tích lũy từ bao đời - để từ đó góp ý vào những quyết định, những vấn đề quan trọng, mang tính vận mệnh của đất nước.

Rồi ngay trong lịch sử, ở triều đại nhà Nguyễn mà chúng ta hay phê phán là bế quan tỏa cảng thì vẫn có các cuộc điều trần của những người có tư tưởng mới. Chúng ta vẫn nói rằng nhà Nguyễn không chịu lắng nghe, nhưng thực ra nghe hay không là ở cái tai của lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo sáng suốt thì họ nghe cái đúng, còn không thì nghe cái sai.

-Có lẽ khó xử nhất là sự phân tách thế nào là đúng và sai, thưa ông?

Quan trọng là sự tương tác hai chiều, và vấn đề là làm sao có cơ chế đảm bảo và phát huy điều đó. Mà điều này tôi chả nói đâu xa, Hồ Chủ Tịch ngay từ khi thành lập chế độ mới thì đã đề cập đến nội dung này rất nhiều. Hồ Chủ Tịch đã nhìn thấy rằng có thể tiếng nói của người dân không đến được với người lãnh đạo, hoặc người lãnh đạo bị tha hóa, bị quan liêu hóa, tách biệt với người dân. Cứ đọc trong sách nói về Hồ Chủ Tịch, hoặc qua các câu chuyện về cuộc đời Hồ Chủ Tịch thì chúng ta thấy được nhiều bài học về cách ứng xử đối với nhân dân.

-Xin ông ví dụ một bài học?

Hồ Chủ Tịch có định nghĩa về dân chủ rất dân dã. Tôi biết được điều này qua rất nhiều nhà lãnh đạo đã từng gần gũi Hồ Chủ Tịch. Hồ Chủ Tịch quan niệm: Dân chủ là làm sao để cho dân mở miệng. Chỉ vậy thôi, nhưng đó là một bài học rất ý nghĩa.

-Ông vừa ví dụ một quan niệm của Hồ Chủ Tịch, vậy quan niệm được ứng xử trong thực tiễn thế nào?

Chúng ta hãy hỏi tại sao Hồ Chủ Tịch lại giao quân đội cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo một cách chưa từng ai làm? Đó là vì Hồ Chủ Tịch có quan điểm riêng của mình, quan điểm đó là đây là cuộc chiến tranh nhân dân, do vậy ý thức tổ chức và sức mạnh tinh thần là những yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì vậy phải làm sao cho mọi người lắng nghe, đồng thuận và cùng hành động.

Hồ Chủ Tịch có khái niệm rất đáng nhắc lại là ‘tín tâm’. Lâu nay chúng ta chỉ hay nói đến ‘quyết tâm’, nhưng quyết tâm là thuần ý chí, còn ‘tín tâm’ là trong ý chí ấy có niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Trong kháng chiến chống Pháp chúng ta có chiến thắng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ thắng được có rất nhiều lý do, trong đó có lý do then chốt là Hồ Chủ Tịch giao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu không có cái đó chúng ta không thắng được.

Rồi ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không lắng nghe ý kiến từ các bộ tướng của mình thì cũng có thể mắc sai lầm. Ví dụ như một vị tướng rất nổi tiếng ở khu 5 sau khi được giao khảo sát lần cuối trước giờ nổ súng đã báo cáo bằng điện thoại thế này: Nếu pháo binh mà bố trí lực lượng như hiện tại thì chỉ sau loạt pháo đầu tiên là ta bị lộ trận địa, và sẽ bị hỏa lực của địch dập tắt ngay.

Khi lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải đưa ra quyết định. May mắn là quyết định sáng suốt sau đó đã thay đổi phương châm tác chiến, và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh các tướng lĩnh sau này (khi họ đã là những tên tuổi lớn), trong dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tâm sự rất thật với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: Lúc ấy mà anh không thay đổi thì có lẽ chúng tôi không còn có mặt ở đây để dự kỷ niệm!

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lắng nghe là ‘chìa khóa’ đi đến phồn vinh
Quốc hội luôn là diễn đàn hữu hiệu để lắng nghe tiếng nói của người dân. (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Cần khai thác sự sáng tạo trong thực tiễn

-Có thể coi lắng nghe là chìa khóa của sự thành công, từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, có điều kiện tiếp xúc ở tầm cao về chủ trương, quyết sách, ông thấy điều này thể hiện thế nào ở thời điểm hiện nay ?

Gần đây trong những nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước đều nói đến chuyện đó với nhiều hình thức khác nhau và triển khai vào thực tế cũng rất đa dạng. Tất nhiên ở đây có điểm đặc thù vì cơ chế của chúng ta là lãnh đạo tập thể dựa theo nguyên lý tập trung dân chủ, vậy thực thi tập trung dân chủ thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất thì đó thực sự là một nghệ thuật, chứ không chỉ là nguyên lý thuần túy.

Tôi cho rằng có rất nhiều bài học lịch sử, nhiều truyền thống thậm chí bây giờ đã được tổng kết thành không chỉ về mặt chính trị, mà còn ngay cả trong kinh tế. Do đó, nếu biết lắng nghe, biết khai thác sự sáng tạo của những người trực tiếp làm công việc ấy, thì chúng ta sẽ thành công.

-Ở trên ông có nói đến khía cạnh nhiều chủ trương được đưa vào thực tiễn, vậy điều gì thực sự khiến ông ấn tượng?

Thật sự tôi đánh giá rất cao cách đặt vấn đề của anh Võ Văn Thưởng (ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư mới đây thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung) khi mới đây đề cập đến việc bảo vệ những người mà chúng ta diễn nôm ra là dám ‘phá rào’. Những cái ‘rào’ ấy sẽ khiến ta tự trói mình, nếu chúng ta cứ xơ cứng lại trong khi xã hội thì biến đổi từng ngày.

Ví dụ ngay đợt dịch Covid-19 mới nhất, tôi thấy chúng ta chưa thay đổi kịp thời. Chúng ta thừa nhận là từng thành công nhưng thành công đó không phải là vĩnh viễn. Theo tôi đấy là những bài học nhãn tiền, và từ đó càng đặt ra vấn đề là chúng ta phải có cơ chế biết lắng nghe. Biết lắng nghe tức là biết tích hợp tất cả sức mạnh của xã hội, của thời đại.

-Ông có khuyến nghị gì để cơ chế ‘lắng nghe’ hiện nay trở nên thật sự hữu hiệu?

Theo tôi đây là cả một quá trình. Cách làm của chúng ta là đào tạo ra một đội ngũ những người có tổ chức, kỷ luật. Điều đó là tốt nhưng ở mặt khác thì chính điều này lại có thể ảnh hưởng một phần nào đó đến năng lực sáng tạo của bộ máy. Nếu quần chúng sáng tạo mà lãnh đạo ít nhiều có phần xơ cứng thì sẽ không hay.

Ví dụ như vừa rồi, một nữ lãnh đạo ‘xé rào’ trong chống dịch (bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Quận 6, TP.HCM) và đã đem lại thành công. Vậy chúng ta ứng xử với trường hợp này ra sao? Tất nhiên là phải vì lợi ích chung của cộng đồng rồi nhưng phương pháp làm sẽ thế nào?...Do đó có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ra phải thích ứng và thay đổi.

Mà muốn thay đổi kịp thời thì phải phát huy sức mạnh của dân tộc, mà muốn phát huy hiệu quả thì phải lắng nghe người dân. Là một người quan sát, tôi thấy rõ giờ đây ở trong dân đã có những ý kiến đúng và một thời gian sau chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh theo. Vì vậy tôi cho rằng chúng ta phải tạo ra được một cơ chế, và cơ chế này phải được thể hiện ở trong bộ máy và trong cả con người. Bộ máy không đơn giản chỉ là một sơ đồ mà là từng con người cụ thể, những con người bản lĩnh.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Thủ tướng ghi nhận sự cống hiến của các nhà khoa học, chuyên gia y tế trong bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ tướng ghi nhận sự cống hiến của các nhà khoa học, chuyên gia y tế trong bảo vệ sức khỏe nhân dân
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 23/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19.
Tầm soát COVID-19 diện rộng là chìa khóa mở cửa trở lại nền kinh tế Tầm soát COVID-19 diện rộng là chìa khóa mở cửa trở lại nền kinh tế
Xét nghiệm tầm soát COVID-19 trên diện rộng giúp phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân... góp phần quan trọng trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Chính phủ luôn lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro Chính phủ luôn lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro
Tiếp tục chương trình làm việc với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chiều ngày 4/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Christopher Klein, Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Buổi làm việc còn có sự tham gia của một số nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến.

Lê Sơn - Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nha-su-hoc-duong-trung-quoc-lang-nghe-la-chia-khoa-di-den-phon-vinh-153362.html

In bài viết