Thu ngân sách đạt mốc 1 triệu tỷ đồng

20:06 | 31/08/2021

Thu ngân sách nhà nước năm nay đạt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng sau 8 tháng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài Chính lo ngại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.

Theo báo cáo vừa công bố ngày 31/8 của Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách 8 tháng năm nay ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách Trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán).

Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%).

Bộ Tài chính ước tính 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán, trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán; 51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%; 8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn (65,2%); Đồng Tháp (65,1%); Kiên Giang (63,3%); Sơn La (63,3%); Cần Thơ (62,4%); Đà Nẵng (61,2%); Tiền Giang (58,6%) và Hoà Bình (57,8%).

Thu ngân sách đạt mốc 1 triệu tỷ đồng
Thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong thời gian tới do dịch bệnh Covid-19

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Tài chính cho rằng, kết quả thu 8 tháng như trên là tích cực, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan (như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,...) tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lo ngại tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.

Trong tháng 8/2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, từ đó ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và thu, chi NSNN.

Cũng theo Bộ Tài chính, thu NSNN tháng 8/2021 ước đạt 78.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 63.200 tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7/2021 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4, diễn biến thu nội địa giảm dần từ tháng 4/2021 đến nay. Tháng 4/2021 thu được 115.600 tỷ đồng (10,2% dự toán); tháng 5/2021 thu được 85.000 tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6/2021 thu được 80.500 tỷ đồng (7,1% dự toán); tháng 7/2021 thu được 114.400 tỷ đồng, nếu không kể 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77.400 tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8/2021 thu được 63.200 tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7/2021.

Số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng chi NSNN tháng 8/2021 ước đạt 115.500 tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng năm nay ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 187.300 tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán.

Đặc biệt, tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch (17.200 tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1.600 tỷ đồng).

Trong đó, Trung ương đã chi 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19; chi 5.100 tỷ đồng mua vaccine phòng COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 2.550 tỷ đồng để mua vaccine.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, Việt Nam có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bổ sung 150 tỷ đồng cho Bộ Công an để phòng, chống dịch COVID-19 Bổ sung 150 tỷ đồng cho Bộ Công an để phòng, chống dịch COVID-19
Số kinh phí này được trích nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho Bộ Công an năm 2021. Đây là đợt bổ sung kinh phí thứ 2 cho Bộ Công an liên quan tới công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022.
Từ 1/10, điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với UBND cấp tỉnh Từ 1/10, điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với UBND cấp tỉnh
Theo nghị định mới được Chính phủ ban hành, từ 1/10, tỷ lệ cho vay lại vốn ODA nước ngoài, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với UBND cấp tỉnh sẽ được thay đổi.

Tào Đạt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thu-ngan-sach-dat-moc-1-trieu-ty-dong-149442.html

In bài viết