THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề

16:25 | 30/08/2021

Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 bùng phát kéo dài nên trong tháng 8/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp FDI cũng tổn thất rất lớn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 8/2021, ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên sản xuất bị đình trệ, dẫn đến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm mạnh tháng 8/2021. Nhất là đối với các doanh nghiệp đang có nhà máy sản xuất tại phía Nam.

Các doanh nghiệp cho rằng việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành; việc xin giấy đi đường, giấy ra vào thành phố còn nhiều bất cập gây khó khăn cho người lao động, cũng như trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hoá, vật tư vật liệu cho sản xuất của các nhà máy, cũng như việc xuất khẩu hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi có một nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm phụ trợ, đóng ngay trên địa bàn quận Liên Chiểu nhưng nằm ngoài khu công nghiệp. Thời gian qua, nhà máy này không được cấp giấy đi đường để có thể chở hàng đến cho công ty chúng tôi sản xuất.” Đại diện Cty sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ (UAC) cho hay.

Bên cạnh đó, việc làm hồ sơ thủ tục cấp giấy đi đường cũng gây khó cho công nhân khi đến làm việc tại khu công nghiệp. Nhiều công nhân đã không thể đến làm việc vì không có giấy đi đường. Việc nhập cảnh của các chuyên gia cũng đã dừng từ nhiều tháng qua cũng đã gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong việc lắp đặt, sửa chữa thiết bị máy móc của đơn vị.

Doanh nghiệp FDI cũng đề nghị cơ quan chứng năng các tỉnh thành sớm ban hành một kịch bản khôi phục và phát triển kinh tế; kịch bản này dựa vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những cấp độ đối phó tương ứng; ví dụ như cần có thông tin đầy đủ hơn để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị các điều kiện vật chất kỹ thuật để thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”. Về lưu thông hàng hoá, cần cải thiện, nới lỏng các điều kiện để cho phép hàng hoá được vận chuyển thuận lợi; đề nghị lãnh đạo thành phố cần làm việc với các tỉnh thành khác và đề xuất với Chính phủ có các chủ trương thống nhất xử lý việc lưu thông hàng hoá liên tỉnh và xuất nhập khẩu.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề
Hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 - Ảnh minh họa

Chiều ngược lại, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%... Thế nhưng, sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp của các địa phương kể trên không đủ bù đắp cho mức giảm mạnh của các tỉnh khu vực phía Nam.

Theo đó, nhiều tỉnh của khu vực phía Nam là trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước, do vậy, sản xuất giảm đã ảnh hưởng tới IIP chung của cả nước.

Với các số liệu trên, tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng xấp xỉ 10% của thời điểm trước khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát.

Trong 8 tháng năm 2021, nhiều ngành có tăng trưởng chậm hơn, thậm chí có ngành còn giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Được biết trước đó, Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng (Bộ Công thương) đánh giá, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và các doanh nghiệp chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Cũng theo Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.

Cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8/2021 Cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8/2021
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam đã nhập siêu 3,71 tỷ USD Việt Nam đã nhập siêu 3,71 tỷ USD
Trong 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước nhập siêu 3,71 tỷ USD.
Giá lương thực phẩm tăng đẩy chỉ số CPI tháng 8/2021 nhích nhẹ Giá lương thực phẩm tăng đẩy chỉ số CPI tháng 8/2021 nhích nhẹ
Báo cáo mới công bố ngày 29/8 của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tào Đạt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-hoat-dong-san-xuat-cong-nghiep-xuat-nhap-khau-bi-anh-huong-nang-ne-149324.html

In bài viết