Môi trường Biển Đông đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá

11:12 | 07/05/2021

Biển Đông được ví như “rừng mưa Amazon” dưới biển, là một trong 20 vùng biển có khả năng khai thác thủy sản tự nhiên và NTTS mặn - lợ lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá cũng như đời sống của hàng triệu ngư dân của các nước trong khu vực, trong đó có việt Nam.
Hội nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông Hội nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông
Cà Mau: Phát triển nghề cá  bền vững, có trách nhiệm Cà Mau: Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông

Biển Đông không chỉ có vị trí địa chính trị trọng yếu, mà còn có tầm quan trọng về kinh tế và môi trường, chia sẻ của ông về điều này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Biển Đông được ví là “nút giao” giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với sáng kiến chiến lược của các nước lớn và chứa đựng các lợi ích đan xen. Bên cạnh đó, về góc độ nghề cá, Biển Đông được xác định là một trong 64 hệ sinh thái biển lớn (Large Marine Ecosystem – LME) của đại dương thế giới, là trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới với mức đa dạng sinh học cao cả về số loài, các hệ sinh thái và nguồn gen, kéo theo là nguồn lợi sinh vật biển phong phú với hơn 160.000 loài, bao gồm gần 10.000 loài thực vật và 260 loài chim biển. Trữ lượng các loài động vật biển ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó các loài cá chiếm 86% tổng trữ lượng. Biển Đông được xếp thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên thế giới, tổng sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm khoảng 6 triệu tấn, tương đương 10% tổng lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới và 23% tổng lượng hải sản đắnh bắt ở châu Á. Đặc biệt, có 7 hệ thống đảo san hô quan trọng, quyết định tính bền vững của nghề cá khu vực Biển Đông, bao gồm quần đảo: Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas), Trung Sa (Macclesfield), Hoàng Nham (Scarborough), Nutuna và Anambas. Trong khi 7 hệ thống đảo san hô này cũng chiếm vị trí chiến lược rất quan trọng và là nơi xảy ra các căng thẳng trong Biển Đông.

Tuy nhiên, ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá, thưa ông?

Trên thực tế, môi trường Biển Đông đang bị “đầu độc” bởi nhiều nguồn thải khác nhau chưa được xử lý, trong đó có rác thải nhựa, chủ yếu từ đất liền (40 – 70%). Sự suy thoái, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài khiến cho ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá. Vì rằng mất rạn san hô (các hệ sinh thái biển) sẽ mất nguồn lợi thủy sản, sẽ mất “đầu vào” của nghề cá, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống ngư dân các nước. Ví dụ, số lượng loài thủy sản trong Biển Đông liên tục suy giảm từ năm 1960 và khoảng 80% rạn san hô nằm trong tình trạng bị đe dọa, hơn 50% rừng ngập mặn bị phá hủy nghiêm trọng… khiến cho hàng trăm loài phải đưa vào Sách Đỏ. Trữ lượng một số loài cá kinh tế như cá ngừ, cá thu và cá mập trong Biển Đông đã giảm hơn 50% từ năm 1960 đến năm 2000.

Nghề cá ở Biển Đông không đơn giản chỉ là câu chuyện về “con cá và người đánh cá”, mà đã trở thành vấn đề an ninh nghề cá – một bộ phận của an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Hiện nay, mất an ninh nghề cá đang ngày một nghiêm trọng hơn, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Mất an ninh nghề cá ở Biển Đông liên quan đến những nguyên nhân khác nhau. Lượng chất thải đổ vào Biển Đông, bao gồm sự cố tràn dầu, vẫn tiếp tục gia tăng cho dù các nước trong khu vực đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng vẫn thiếu sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của các nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn thải như vậy. Sự phát triển kinh tế ở vùng ven biển cũng đã lấy đi diện tích lớn rừng ngập mặn và thảm cỏ biển – là nơi cư trú tự nhiên của hàng nghìn loài thủy sản mặn – lợ. Đánh bắt cá quá mức và hủy diệt nguồn lợi hải sản liên quan tới đánh bắt cá bất hợp pháp trong một vùng biển chồng lấn và có tranh chấp rất phức tạp trong Biển Đông. Đặc biệt, gần đây là hoạt động mở rộng và tôn tạo các bãi cạn rạn san hô thành “đảo nhân tạo” ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam liên quan tới tham vọng chủ quyền nước lớn. Ngoài ra, sự ấm lên của nước biển liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu ở Biển Đông cũng tác động đến các hệ sinh thái mà sinh kế của người dân phụ thuộc vào.

Vậy theo ông, những bất ổn về an ninh nghề cá trên Biển Đông đã tác động như thế nào đến đời sống của ngư dân?

Như đã nói ở trên, trong chuỗi tác động thì ngư dân các nước, trong đó có ngư dân Việt Nam, là những người chịu tác động trực tiếp và cuối cùng từ những bất ổn về an ninh nghề cá trong Biển Đông. Tác động bao trùm là nghề cá Biển Đông phát triển thiếu bền vững. Hơn 1,72 triệu tàu, thuyền đánh cá của các nước trong khu vực “đói nguồn lợi” và sẽ phải “gác tàu” lên bờ, đời sống của ngư dân liên quan bấp bênh. Dự báo sinh kế của khoảng 22 triệu người ở các quốc gia ven Biển Đông bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia Philippines, nghề cá trong khu vực bị thiệt hại hàng năm 4 tỷ USD liên quan tới việc tôn tạo hơn 1.300 ha đảo nhân tạo từ các bãi cạn đã nói trên. Đặc biệt, Luật Hải cảnh của Trung Quốc ban hành ngày 22/1/2021 (có hiệu lực ngày 1/2/2021) không chỉ không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, mà còn cho phép lực lượng Hải cảnh (Cảnh sát Biển) nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài. Ngư dân các nước nhỏ trong khu vực sẽ là đối tượng của họ và khả năng xảy ra một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” đối với ngư dân trên Biển Đông. Những ngư dân này sẽ chịu cảnh “một cổ hai tròng”, vừa chịu tác động của thiên tai và nhân tai.

Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân, trước những vấn đề này, vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Hội Nghề cá Việt Nam nhận thức rằng, ngư dân nước ta đã đồng hành với dân tộc, thì trong mọi tình huống Hội luôn đồng hành cùng ngư dân. Vừa qua, Hội đã làm tốt việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân, thì sắp tới, trong bối cảnh mới và phức tạp hơn ở Biển Đông, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục làm thật tốt vấn đề này. Sẵn sàng với tất cả kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất, ngư dân và Hội Nghề cá Việt Nam luôn là lực lượng tin cậy của Đảng và Nhà nước ta, của nhân dân ta. Hội chú ý nhiều hơn đến các giải pháp bảo vệ kịp thời ngư dân khi bị đối xử vô nhân đạo, bảo đảm sinh kế bền vững, để ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Là đại diện Hội Nghề cá Việt Nam tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông có thể chia sẻ đôi điều về những hoạt động chính của mình, để góp tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân trên Biển Đông?

Ngoài các hoạt động theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu của quốc gia, bản thân tôi đã tập trung tìm hiểu kỹ lưỡng và thấu đáo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Đồng thời, dành thời gian tìm hiểu và cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước, của địa phương nơi tôi ứng cử, cũng như dõi theo tình hình ngư dân để xây dựng “Chương trình hành động tranh cử” một cách xác thực nhất. Trong đó, tôi chú trọng đến cụ thể hóa và chuyển tải thông tin về ngư dân; kiến nghị cơ chế, chính sách và các giải pháp bảo vệ an toàn, an sinh cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Song song đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng như cá nhân tôi ra sức hỗ trợ ngư dân thường xuyên nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh thiên tai và nhân tai trên biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo đảm sinh kế bền vững cho ngư dân, góp phần phát triển nghề cá bền vững ở nước ta.

Việt Nam phản đối mọi hình thức tuyên truyền sai sự thật lịch sử ở Biển Đông Việt Nam phản đối mọi hình thức tuyên truyền sai sự thật lịch sử ở Biển Đông
Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải tôn trọng và thực thi nghiêm túc các quy định của luật pháp Việt Nam - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Lan tỏa phong trào làm sạch biển, bảo vệ môi trường tại Quảng Bình Lan tỏa phong trào làm sạch biển, bảo vệ môi trường tại Quảng Bình
Lễ phát động ra quân thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2021 và trao tặng các phần quà ý nghĩa cho ngư dân địa phương Quảng Bình.
5 giải pháp hóa giải tranh chấp ở Biển Đông 5 giải pháp hóa giải tranh chấp ở Biển Đông
Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn thúc đẩy để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh trên cơ sở các chuẩn mực của quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

An Chi

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/moi-truong-bien-dong-de-doa-truc-tiep-den-an-ninh-nghe-ca-138400.html

In bài viết