Nông dân đảo Lý Sơn gặp khó khăn do hậu quả mưa bão

23:55 | 06/01/2021

Thời điểm này, nông dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang sản xuất vụ tỏi Đông Xuân 2020-2021. Khác những mùa vụ trước, vụ tỏi này, nông dân ở huyện đảo Lý Sơn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tăng cao và hậu quả do mưa, bão để lại.
Xác xơ “thiên đường” du lịch đảo Lý Sơn Xác xơ “thiên đường” du lịch đảo Lý Sơn
Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn

Vụ tỏi Đông Xuân canh tác trong điều kiện mưa, bão xảy ra liên tục, chi phí sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước, nên nông dân Lý Sơn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Hữu Danh

Thường lệ, kết thúc vụ hành mùa thì nông dân chỉ cần vệ sinh sơ lại đồng ruộng và tạo hàng là xuống giống ngay vụ tỏi mà không cần tốn thêm bất kỳ một khoản chi phí nào để cải tạo đất. Thế nhưng, do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên toàn bộ 60ha đất nông nghiệp bị sa bồi, thủy lấp, hơn 260ha đất bị mưa cuốn trôi, khiến nông dân bước vào vụ tỏi mới với nhiều khó khăn.

Để canh tác vụ tỏi này, nông dân Lý Sơn phải thuê nhân công cày xới lại toàn bộ diện tích đất và bồi lại lớp cát trắng trên mặt ruộng. Điều này khiến nông dân gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt kinh phí tái sản xuất, bởi vụ hành mùa trước đó bà con mất trắng.

“Chưa có năm nào canh tác tỏi khó khăn như năm nay. Mưa gió cuốn trôi hết cát trắng, vụ tỏi này, đất mỏng và không còn tơi xốp nữa nên phải cày xới lại đất mới trồng được. Nhiều cánh đồng bị sa bồi dày quá phải cào bỏ bớt đất, sau đó mới bồi cát trắng lên trên. Năm trước, 2 sào đất thì tiền cát trắng, cải tạo đất chỉ hết 10 triệu đồng, năm nay lên đến 13-14 triệu đồng, rất tốn kém” - Ông Nguyễn Huy Hoàng, ở huyện Lý Sơn buồn rầu kể chuyện trồng tỏi.

Trung bình, những năm trước, với mỗi sào tỏi, nông dân Lý Sơn đầu tư khoảng 12-15 triệu đồng cho chi phí cải tạo đất, giống, phân bón, tưới tiêu, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng năm nay, chỉ khâu cải tạo đất thì mỗi sào tỏi, nông dân phải tiêu tốn thêm từ 3 - 5 triệu đồng cho việc mua cát trắng và thuê nhân công cải tạo đất, mà nguồn cát trắng lại đang rất khan hiếm. Quá khó khăn nên bất chấp rủi ro về năng suất, sản lượng, nhiều hộ nông dân đã tái sử dụng nguồn cát cũ cải tạo đất để xuống giống vụ tỏi Đông Xuân.

Nguyên nhân khan hiếm nguồn cát trắng trầm trọng là thời điểm cuối năm biển động thường xuyên nên các tổ khai thác không thể ra khơi hút cát. Hầu hết nguồn cát trắng còn lại chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, ở huyện Lý Sơn chia sẻ: “Biển động liên tục nên người ta không đi hút cát biển được. Nếu ai mua được cát trắng còn sót lại của mấy tháng trước thì có cát bồi lên trên mặt ruộng, còn không thì người ta ra bờ các cánh đồng lấy cát cũ vào để làm đất rồi bồi lên trên mặt ruộng, sau đó cắm tỏi. Tuy nhiên, sử dụng cát cũ trồng tỏi thay cho cát trắng thì năng suất, sản lượng sẽ giảm nhiều”.

Ở Lý Sơn canh tác nông nghiệp bằng nguồn tiền xoay vòng. Thu hoạch vụ này là lấy tiền đầu tư gối đầu vụ kế tiếp. Vì vậy, hơn 300ha hành mùa bị mất trắng, thiệt hại trên 100 tỷ đồng do bão đã khiến hàng nghìn hộ nông dân trên đảo thiếu hụt tiền tái đầu tư sản xuất vụ tỏi. Nhiều nông dân trên đảo phải tự xoay xở tiền bạc từ người thân hoặc ngân hàng để đầu tư vào cây trồng chủ lực vốn lâu nay cho họ nguồn thu nhập chính.

Để sản xuất vụ tỏi này, nông dân trên đảo phải đầu tư gần 40 tỷ đồng để cải tạo đất. Mất mùa, dịch bệnh, thiên tai khiến nông dân Lý Sơn điêu đứng. Hiện tại, cây tỏi đang trong giai đoạn phát triển cây non, đây là giai đoạn nông dân tập trung bảo vệ, chăm sóc với mong muốn gỡ gạc lại vụ hành thất bát. Tuy nhiên, giá tỏi khô của niên vụ trước được tích trữ đến nay có giá rất thấp, chỉ bằng một nửa so với những năm trước.

“Khó khăn cũng phải chạy vạy tiền bạc để canh tác vụ tỏi này. Sống nhờ cây hành, cây tỏi sao mà bỏ được. Hy vọng vụ tỏi này sẽ gỡ gạc thất bát cho vụ hành vừa qua” - Ông Đinh Văn Minh, một nông dân ở huyện Lý Sơn than thở.

Huyện Lý Sơn đang tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời để nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, UBND huyện Lý Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ bà con về giống cho năm sau cũng như cơ chế phân thuốc và một số biện pháp kỹ thuật giúp nông dân sản xuất tỏi; đồng thời, đề xuất tỉnh hỗ trợ thêm phần chi phí theo chế độ đặc thù của huyện Lý Sơn để nông dân vượt qua khó khăn, đổn định đời sống, sản xuất”.

Cùng với huyện tháo gỡ khó khăn cho vụ tỏi năm nay, Lý Sơn cũng đang tính toán xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó mới đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và sinh kế lâu dài cho nông dân.

Đảo Lý Sơn thiệt hại nặng, cấp tập khắc phục hậu quả sau bão số 9 Đảo Lý Sơn thiệt hại nặng, cấp tập khắc phục hậu quả sau bão số 9
Các lực lượng quân đội đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân Lý Sơn khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Độc đáo “Cánh đồng dung nham” ở Lý Sơn Độc đáo “Cánh đồng dung nham” ở Lý Sơn
“Cánh đồng dung nham” đảo Bé (huyện Lý Sơn) là vẻ đẹp được ví như dòng chảy của dung nham sau những đợt phun trào núi lửa từ ngàn năm trước.
Thiên đường thơ mộng ở Đảo Bé Lý Sơn Thiên đường thơ mộng ở Đảo Bé Lý Sơn
Đảo Bé, một hòn đảo nhỏ thuộc huyện đảo Lý Sơn. Nơi đây, được ví như một thiên đường với những vách đá trầm tích núi lửa có từ hàng triệu năm trước, những bờ cát trắng mịn và màu nước xanh thăm thẳm. Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Hữu Danh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nong-dan-dao-ly-son-gap-kho-khan-do-hau-qua-mua-bao-128189.html

In bài viết