Đàm phán biên giới Việt Nam-Trung Quốc: Chuyện kể của người trong cuộc (Kỳ 1)

12:55 | 24/10/2020

Ghi theo lời kể của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người trực tiếp làm công tác phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Ký kết hợp tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây (Trung Quốc) Ký kết hợp tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây (Trung Quốc)
Trung Quốc đã điều 60.000 quân đến gần biên giới Ấn Độ Trung Quốc đã điều 60.000 quân đến gần biên giới Ấn Độ
Đàm phán biên giới Việt Nam-Trung Quốc: Chuyện kể của người trong cuộc (Kỳ 1)
Lễ cắm cột mốc 1116, một trong những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2008. (Ông Nguyễn Hồng Thao thứ hai từ phải).

Sự hoành hành kéo dài của đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới tình cờ mang đến cho tôi cơ hội gặp gỡ trực tiếp Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đúng vào thời điểm mà lẽ ra ông phải tới Geneva (Thụy Sỹ) để dự họp. Trong tiết trời dịu mát của Hà Nội chuẩn bị sang Thu, bên ly cà phê thơm ngậy, câu chuyện của vị Đại sứ tuổi lục tuần thêm đậm đà bởi những cảm xúc khó tả khi ông ngược dòng ký ức trở về thời điểm tham gia đàm phán để hoàn tất hồ sơ cho hai gói cột mốc cuối cùng ở biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Hơn 10 năm trước, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao – khi đó đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – được phân công giúp Trưởng Đoàn đàm phán cấp Chính phủ Vũ Dũng, phụ trách điều phối công tác phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời là đặc phái viên tại các cuộc đàm phán cấp Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc. Thi hành Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền Việt-Trung năm 1999, và thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, thời hạn chót cho việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.450km từ Tây sang Đông phải kết thúc trước ngày 31/12/2008.

Đó là lý do mà sau hơn chín năm ròng (2000-2009) đàm phán và triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa, tháng 12/2008 là thời điểm mà hai đoàn đàm phán cả phía Việt Nam và phía bạn đều trong một cuộc “chạy nước rút” vô cùng cẩn trọng để hoàn thành những bộ hồ sơ cuối cùng trên tổng số 1.971 mốc (1.378 mốc chính, 402 mốc phụ trong đó 1.627 mốc đơn, 232 mốc đôi, 11 mốc ba và phân giới được 1.449,566km đường biên giới).

Hai gói đàm phán cuối cùng mà Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được tham gia là hai gói vô cùng quan trọng, nhạy cảm: gói sáu cửa khẩu trong đó có cột mốc 1116-1117 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu nghị - Hữu nghị quan và các mốc giới tại khu vực Thác Bản Giốc-Cửa sông Bắc Luân. Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng và Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ phía bạn khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ, mà anh em trong đoàn gọi đùa là hai ông Vũ.

Niềm vinh dự mang tên '1116'

Theo kết quả đàm phán giữa hai bên, Cột mốc 1116 (phía Việt Nam) và 1117 (phía Trung Quốc) có cùng kích thước, được cắm cùng cao độ và phải hoàn thành trong bốn ngày (từ 18-22/12/2008). Mốc giới số 1116 là mốc đơn, loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Tây đường quốc lộ 1A từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có tọa độ địa lý 21º 58’ 25,419” vĩ độ Bắc, 106º 42’ 40,798” kinh độ Đông. Từ mốc giới số 1116, đường biên giới theo đường thẳng, hướng Đông, qua Km0, cắt qua đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), đến mốc giới số 1117 do Trung Quốc xây. Mốc giới số 1117 là mốc đại, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên sườn núi, phía Đông đường cái từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) đi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), có tọa độ địa lý 21º 58’ 25,138” vĩ độ Bắc, 106º 42’ 43,744” kinh độ Đông. Chiều dài đoạn biên giới là 0,085km.

Đàm phán biên giới Việt Nam-Trung Quốc: Chuyện kể của người trong cuộc (Kỳ 1)
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người trực tiếp làm công tác phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhớ lại: “Về địa hình tự nhiên, ngọn đồi phía Trung Quốc đặt cột mốc 1117 cao hơn đồi phía Việt Nam đặt mốc 1116. Qua nhiều vòng đàm phán, hai bên đã thống nhất đặt mốc trên cùng cao độ 9m so với mực nước biển. Theo thỏa thuận này, phía bạn cần thi công bạt bớt đất ở sườn đồi để có cao độ tương ứng với phía Việt Nam. Ngược lại, phía Việt Nam cũng phải xây nền mốc 1116 đảm bảo đạt cao độ tương đương”.

“Theo nguyên tắc, hai nước là các quốc gia bình đẳng chủ quyền. Hữu nghị là một cửa khẩu quan trọng trong giao thương giữa hai nước, có địa thế hai mốc gần nhau, đối diện qua đường quốc lộ 1A. Chính vì vậy, các mốc ở đây cần phải bố trí ngang hàng. Bạn không thể cao hơn ta và ta cũng không đứng cao hơn bạn”, ông nói thêm. Phía địa phương bạn có khó khăn khi bạt đồi nên dừng lại ở cao độ cao hơn 9m và xây nền tại đó. Thời gian gấp rút, tôi bàn với anh Nguyễn Hữu Hoành, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc (PGCM) tỉnh Lạng Sơn động viên anh em khắc phục xây ngay nền mới có cùng cao độ với bạn. Phía Việt Nam vất vả hơn, kinh phí nảy sinh, nhân tài vật lực phải huy động thêm, nhiều thủ tục báo cáo nhưng mọi việc đều suôn sẻ.

Đêm 21/12 - trời đổ mưa khá nặng hạt. Từ trưởng đoàn phụ trách thực địa đến các lãnh đạo địa phương, cùng các thành viên trong đoàn đều bồn chồn vì sợ mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến lễ đặt mốc và khai trương mốc có sự chứng kiến và giám sát của hai bên. Lễ chính thức được tiến hành lúc 10 giờ. Khoảng 8 giờ, toàn đoàn cắm mốc làm lễ dâng hương báo cáo tổ tiên. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm cùng các lãnh đạo Lạng Sơn đến thực địa trước cả buổi lễ chính. Lễ vật dâng hương giản dị nhưng trang trọng. Ông Nguyễn Hồng Thao xúc động đặt một lá cờ Tổ quốc được gói cẩn thận trong túi nilon, trong khi Bí thư Phùng Thanh Kiểm đặt một đồng xu cổ xuống dưới chân cột mốc 1116, báo cáo với tổ tiên, với Bác Hồ, các anh hùng thương binh liệt sỹ và đồng bào đã nằm xuống nơi đây, cầu mong được phù hộ cho biên giới hòa bình, trường tồn. “Sau lễ dâng hương, mưa nhẹ hạt và dừng hẳn, gió nhẹ, trời lạnh nhưng trong xanh. Chúng tôi dùng cẩu, đặt mốc vào vị trí, rồi phủ vải đỏ chuẩn bị. Đúng 10 giờ, lễ cắt băng khánh thành, cột mốc chính thức diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, các lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và hai nhóm PGCM”, ông Thao kể lại.

“Giây phút tấm vải đỏ phủ cột mốc 1116 được kéo xuống, những thanh âm oai hùng của bài Tiến Quân ca vang lên, tất cả chúng tôi đều lặng đi vì xúc động. Đó là kết quả của biết bao công sức từ cả hai phía trong quyết tâm giải quyết hòa bình, công bằng các vấn đề do lịch sử để lại, có tính đến lợi ích của nhau giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Bốn nghìn năm lịch sử, lần đầu tiên chúng ta có một đường biên giới được phân giới cắm mốc hoàn chỉnh từ Tây sang Đông, đánh dấu bằng các cột mốc chính quy hiện đại, thuận tiện cho quản lý, do chính người Việt Nam đàm phán, xây dựng khẳng định chủ quyền đất nước”, ông nói.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng 71 năm Quốc khánh Trung Quốc Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng 71 năm Quốc khánh Trung Quốc

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 71 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949-1/10/2020), lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam ...

Biên phòng Điện Biên đẩy mạnh hợp tác với biên phòng Giang Thành, Trung Quốc Biên phòng Điện Biên đẩy mạnh hợp tác với biên phòng Giang Thành, Trung Quốc

Mới đây tại mốc giới số 12, biên giới Việt Nam - Trung quốc, Đồn Biên phòng Sen Thượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện ...

Hà Giang: Trao trả 17 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua biên giới Hà Giang: Trao trả 17 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua biên giới

Sáng 16-9, tại khu vực lối mở mốc giới số 413 thuộc địa bàn xã Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Đồn Biên ...

Khánh Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dam-phan-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-chuyen-ke-cua-nguoi-trong-cuoc-ky-1-121759.html

In bài viết