Sự thật về Biển Đông (bài 2): Về cái gọi là yêu sách chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc

00:00 | 04/12/2020

Trung Quốc luôn khẳng định họ có đầy đủ các “căn cứ lịch sử và pháp lý” về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa thể nào chứng minh được điều đó.
Sự thật về Biển Đông: Tiếng nói từ Việt Nam (bài 1) Sự thật về Biển Đông: Tiếng nói từ Việt Nam (bài 1)

Những diễn biến phức tạp và căng thẳng gia tăng liên quan đến vấn đề Biển Đông đang thu hút sự chú ý của dư ...

Phó đô đốc hải quân Philippines cáo buộc Bắc Kinh có hành động "khiêu khích" ở Biển Đông Phó đô đốc hải quân Philippines cáo buộc Bắc Kinh có hành động "khiêu khích" ở Biển Đông

Theo lời Phó đô đốc Bacordo, bất chấp quan điểm cứng rắn của Philippines, các tàu hải quân, hải cảnh và tàu cá Trung Quốc ...

Dùng vũ lực chiếm đóng đảo trái phép

Vấn đề chủ quyền trên biển, xét theo nghĩa rộng, chủ yếu gồm vấn đề chủ quyền đối với các đảo, đá, thực thể trên biển và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng nước và tài nguyên dưới đáy biển.

Đối với các thực thể trên biển, các tranh chấp chủ yếu nổi lên hiện nay gồm tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên (gồm Trung Quốc, Đài Loan/Trung Quốc, Việt Nam, Philippine, Malaysia và Brunei) đối với quần đảo Trường Sa. Các đảo mà Trung Quốc đang quản lý gồm quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc chiếm của Việt Nam trong các năm 1956 và 1974 và một số đảo, đá tại Trường Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 và từ Philippine năm 1995.

Toàn bộ quá trình này đều được Trung Quốc thực hiện bằng vũ lực, trái với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc chỉ công nhận có tranh chấp đối với các đảo tại Trường Sa và từ chối mọi đàm phán về Hoàng Sa với lý do quần đảo này “hoàn toàn không có tranh chấp”.

Gần đây, Trung Quốc thậm chí còn viện dẫn Công thư của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1958 để khẳng định rằng Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc trong khi Công thư này thực tế chỉ bày tỏ ủng hộ và tán thành “quyết định về hải phận” (tức lãnh hải) 12 hải lý của Trung Quốc, hoàn toàn không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung Công thư này nhằm bày tỏ thái độ ủng hộ chính trị đối với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ gia tăng hiện diện tại khu vực nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau sự kiện xung đột tại eo biển Đài Loan. Vì vậy mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã không đưa vào đó nội dung phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế lúc đó đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà theo Hiệp định Giơ-ne-vơ[1]. Thiện chí đó của Việt Nam ngày nay đã bị Trung Quốc lợi dụng, bóp méo để củng cố yêu sách phi lý của mình.

Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục viện dẫn luận cứ trên trong Công hàm gửi Liên hợp quốc làm cho dư luận quốc tế có thể hiểu sai thực chất của vấn đề này.

Ảnh minh hoạ: Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Liên tục đòi hỏi phi lý trên biển

Về các vùng biển, câu chuyện còn vô lý hơn rất nhiều. Chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc lần đầu tiên phát hành bản đồ Trung Quốc với hình vẽ “đường đứt đoạn” bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông vào năm 1948 nhưng không hề có lý giải về nội hàm và ý nghĩa thực tế của nó. Tuyên bố của Chính phủ nước CHND Trung Hoa do Thủ tướng Chu Ân Lai công bố ngày 4/9/1958 chính thức xác định “lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý” tính từ đất liền và các đảo ngoài khơi.

Tuy nhiên, trong những năm qua, với việc đưa ra khái niệm “quyền lịch sử” hết sức mơ hồ, Trung Quốc đã biến “đường đứt đoạn” này thành yêu sách của mình trên gần toàn bộ Biển Đông, biến các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển khác thành khu vực “có tranh chấp” với Trung Quốc.

Khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) về Công ước Luật Biển Liên hợp quốc (UNCLOS) ra phán quyết ngày 12/7/2016 khẳng định “không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, “không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây”, Trung Quốc đã tuyên bố chính sách “3 không” gồm không chấp nhận thẩm quyền của Toà, không công nhận phán quyết và không thi hành phán quyết của Toà nhưng đã không đưa ra được bất cứ lý do chính đáng nào để biện minh cho quan điểm đó của mình.

Trên thực tế thì Trung Quốc tiếp tục ráo riết huy động chuyên gia tập trung tìm cách “sáng tạo” ra “căn cứ pháp lý” để biện minh cho yêu sách phi lý của mình. Vừa qua, tại công hàm gửi Liên hợp quốc ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã đưa thêm yêu sách mới “Tứ Sa” với lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với 4 quần đảo trên Biển Đông và mỗi quần đảo này đều có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, do đó, “Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”. “Vùng nước liên quan” được Trung Quốc vẽ nên đã gộp tất cả các vùng biển 200 hải lý quanh các nhóm đảo này có tổng diện tích còn lớn hơn cả “đường chín đoạn”, bao phủ hơn 90% toàn bộ diện tích Biển Đông.

Ảnh: Yêu sách mới “Tứ Sa” của Trung Quốc trên Biển Đông

Đi ngược lại luật pháp quốc tế

Chúng ta hãy cùng xem xét căn cứ lịch sử và pháp lý của yêu sách được làm mới này của Trung Quốc: Về mặt lịch sử, Biển Đông là không gian sinh tồn truyền thống của tất cả các nước ven biển, chưa bao giờ chỉ thuộc về Trung Quốc. Thậm chí, nhiều tài liệu của chính Trung Quốc đã khẳng định lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là sự thật không thể chối cãi.

Về mặt pháp lý, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc có nội dung hết sức vô lý, hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vốn là Hiến pháp về đại dương điều chỉnh mọi hoạt động xác định vùng biển, khai thác sử dụng biển và đại dương…mà chính Trung Quốc cũng là thành viên.

Trước hết, yêu sách này trước hết dựa trên cơ sở khẳng định rằng Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền hợp pháp đối với toàn bộ 4 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Nhưng theo luật pháp quốc tế, chủ quyền chỉ được công nhận là hợp pháp khi được xác lập bằng biện pháp hoà bình trong khi Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và các đảo ở Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực, do đó, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này cho đến nay vẫn không được quốc tế công nhận, trong đó, chính Trung Quốc cũng thừa nhận là đang có tranh chấp tại Trường Sa. Ngoài ra, bãi Macclesfield Bank mà Trung Quốc gọi là Trung Sa thực chất chỉ là một bãi ngầm và theo quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS thì không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền và yêu sách vùng biển. Việc gộp các bãi cạn Scarborough và St. Esprit vào thành “quần đảo” để tuyên bố chủ quyền cũng hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, trước hết, Trung Quốc không hề có chủ quyền hợp pháp ít nhất đối với 3 trong 4 “Sa” mà Trung Quốc đã tuyên bố. Nhóm đảo, đá còn lại mà Trung Quốc gọi là Đông Sa thì hiện nay do Đài Loan đang kiểm soát.

Mặt khác, Trung Quốc hoàn toàn không phải là một “quốc gia quần đảo” và theo quy định của UNCLOS thì các đảo, đá “không có các điều kiện tự nhiên phù hợp cho con người sinh sống” và “không có đời sống kinh tế riêng” không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA cũng đã xác định rõ các thực tế tại quần đảo Trường Sa chỉ có thể có quyền tối đa là 12 hải lý. Các nhóm đảo còn lại trên Biển Đông về cơ bản cũng có cấu trúc và các điều kiện tương tự. Do đó, việc Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho 4 “quần đảo” nêu trên cũng hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.

Việc ngay cả luận cứ mới nhất mà Trung Quốc đã “sáng tạo” ra để trình Liên hợp quốc vừa qua vẫn hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế cho thấy sự lúng túng và bất lực của Trung Quốc trong việc tìm kiếm “cơ sở pháp lý và lịch sử” cho yêu sách của mình. Nguyên do chính là không hề tồn tại bất cứ “cơ sở pháp lý và lịch sử” nào cho yêu sách vô lý đó.

Đó là lý do mà các công hàm và tuyên bố về Biển Đông trong thời gian qua của tất cả các nước, trừ Trung Quốc, đều chính thức bác bỏ các yêu sách phi pháp này của Trung Quốc.

Về thực tiễn, nếu yêu sách “đường chín đoạn” hay “Tứ Sa” của Trung Quốc được hiện thực hoá thì toàn bộ hơn 90% Biển Đông, kể cả các tuyến hàng hải, hàng không quốc tế rất quan trọng đi qua đây, sẽ thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, hầu hết vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven biển sẽ trở thành khu vực “có tranh chấp” với Trung Quốc và chỉ Trung Quốc được quyền “cùng khai thác” hoặc cho phép các nước khai thác.

Bạn hãy hình dung điều tương tự xảy ra với vùng biển Địa Trung Hải, Ca-ri-bê hay bất cứ vùng biển quốc tế nào khác để có thể hiểu tại sao các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế không thể chấp nhập các yêu sách vô lý này. Và bạn cũng hoàn toàn có thể hình dung điều gì xảy ra và hệ quả của nó khi một nước lớn đơn phương sử dụng sức mạnh để hiện thực hoá các yêu sách vô lý đó trên thực địa.

Mới đây nhất, Trung Quốc còn thay đổi cách gọi vùng biển giữa đảo Hải Nam với Hoàng Sa lâu nay vẫn được coi là “ngoài khơi” thành khu vực “ven biển” để lấy cớ gia tăng kiểm soát vùng biển quốc tế rộng lớn này.

Trần Minh

Còn nữa

[1] Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam năm 1954 (với sự tham gia của Trung Quốc) đã tạm thời chia tách Việt Nam thành Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Nam Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 17 do Việt Nam Cộng hoà kiểm soát. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều ở dưới vĩ tuyến 17 và do đó, chịu sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực lần lượt chiếm các phần của Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hoà trong các năm 1956 và 1974. Không chỉ chính quyền Việt Nam Cộng hoà mà cả Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lúc đó đều ra tuyên bố phản đối hành động này của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Được biết, sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Đặng Tiểu Bình đã nói với lãnh đạo Việt Nam “vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa sau này sẽ bàn”. Tuy nhiên, sau khi phát động chiến tranh tấn công các tỉnh biên giới của Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã đưa tàu chiến tấn công chiếm thêm 6 đảo, đá của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3/1988.

Trần Minh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/su-that-ve-bien-dong-bai-2-ve-cai-goi-la-yeu-sach-chu-quyen-khong-the-tranh-cai-cua-trung-quoc-115061.html

In bài viết