Một thập kỷ phân định biên giới Việt – Trung trên bộ (bài 9)

06:30 | 16/07/2020

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, năm 1991, hai nước đã xúc tiến việc đàm phán phân định biên giới. Ngày 30/12/1999, Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết tại Hà Nội. Hiệp ước được Quốc hội hai nước phê chuẩn trong năm 2000.
Những Những 'điểm nóng' biên giới Việt – Trung: Ải Nam Quan ở đâu? (Bài 6)

20 năm kể từ khi Hiệp định hoạch định biên giới đất liền Việt-Trung được ký kết, trên 12 năm công tác phân giới, cắm ...

Bài 5: Quản lý biên giới Việt Trung, hợp tác và đấu tranh Bài 5: Quản lý biên giới Việt Trung, hợp tác và đấu tranh

Lịch sử đã chứng minh trong mọi thời điểm quan hệ với đất nước láng giềng này cần sự khéo léo, mềm dẻo nhưng cũng ...

Bài 3: Biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc Bài 3: Biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc

Biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc dài hơn 1.400 km. 7 tỉnh của Việt Nam gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào ...

Phân loại để giải quyết tranh chấp

Từ tháng 2/1994 đến tháng 12/1999, đàm phán về biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã tiến hành được 6 vòng cấp chính phủ, 16 vòng nhóm công tác liên hợp, 3 vòng nhóm soạn thảo Hiệp ước.

Tại vòng 2, nhóm công tác liên hợp về biên giới đất liền, tháng 7/1994, hai trưởng nhóm công tác liên hợp đã trao cho nhau bản đồ thể hiện đường biên giới chủ trương của mỗi bên. Sau đó hai bên đã đối chiếu đường biên giới chủ trương do mỗi bên tự thể hiện căn cứ vào hồ sơ pháp lý theo thỏa thuận nguyên tắc mà hai bên đã ký kết. Kết quả sau khi đối chiếu, hai bên đã thống nhất ghi nhận 436km/1360km đường biên giới, 289 khu vực không trùng nhau với tổng diện tích 236,1km2. Trong đó có 74 khu vực loại A (1,87km2) kỹ thuật vẽ chồng lấn nhau, 51 khu vực loại B (3,062km2) không vẽ tới, 164 khu vực loại C do quan điểm 2 bên khác nhau, trong đó có một số khu vực tranh chấp trên thực địa.

2627 img 0636 evfv

Ngày 30.12.1999, ký kết Bản Ghi nhận chung kết quả giải quyết 164 khu vực loại C (là các khu vực tranh chấp hoặc có nhận thức khác nhau) trên biên giới

Đàm phán cấp Chính phủ vòng 6 (25-28 tháng 9 năm 1998) thống nhất phân khu vực C thành 3 loại: khu vực Công ước đã quy định rõ ràng, khu vực một bên quản lý quá hoặc vạch quá đường biên giới, khu vực Công ước không qui định rõ ràng.

Hai bên đã thống nhất nguyên tắc xử lý 289 khu vực không trùng nhau đó; đặc biệt là nguyên tắc xử lý đối với 164 khu vực loại C. Theo đó, những vùng còn có nhận thức khác nhau mà cả hai bên không có đủ căn cứ pháp lý đề thuyết phục nhau thì không một bên nào được tự ý coi là vùng đất của mình, hai bên cần tiếp tục đàm phán phân định dựa theo các nguyên tắc mà hai bên thỏa thuận áp dụng. Chẳng hạn, đối với sông suối biên giới, nếu văn bản, bản đồ chưa thể hiện rõ ràng biên giới thì áp dụng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế: sông suối tàu thuyền đi lại được, biên giới sẽ là đường trung tuyến của luồng tàu chạy chính; với sông suối tàu thuyền không đi lại được, biên giới sẽ là đường trung tuyến của dòng chảy chính…

Nguyên tắc có đi có lại

Những “vùng tranh chấp” là các vùng chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn của bên nào, mà cần phải qua đàm phán phân chia theo luật pháp quốc tế. Như vậy không thể nói là Việt Nam đã để mất các khu vực này cho Trung Quốc, hay ngược lại. Nếu đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý để bảo vệ đường biên giới chủ trương của mình đối với những khu vực này thì về nguyên tắc phải trao trả cho nhau vô điều kiện. Tuy nhiên, hai bên cũng đã có thỏa thuận sẽ chiếu cố đến sự quan tâm của nhau đối với một số khu vực nhạy cảm mà về lịch sử quản lý, tập quán, tâm lý, tình cảm, tính ngưỡng… của cộng đồng dân cư biên giới để xử lý một cách có tình có lý, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, có đi có lại…

Áp dụng nguyên tắc đó, hai bên đã giải quyết được một số khu vức loại C nói trên. Chẳng hạn, khu vực cửa sông Bắc Luân, nơi mà công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 không mô tả đầy đủ, rõ ràng.

Theo đó, nếu căn cứ vào nguyên tắc biên giới theo sông suối tàu thuyền đi lại được thì bãi Tục Lãm phải thuộc Việt Nam. Tuy nhiên, hai bên thống nhất đường biên đi từ điểm đầu phía Tây Bắc theo các đoạn thẳng đi đến điểm cuối phía Đông Nam của bãi Tục Lãm, sau đó cắt qua bãi Dậu Gót, rồi xuôi theo trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại được đến giới điểm 62. Theo thỏa thuận thì ba phần tư bãi Tục Lãm và một phần ba bãi Dậu Gót quy thuộc Việt Nam. Còn một phần tư bãi Tục Lãm và hai phần ba bãi Dậu Gót quy thuộc Trung Quốc. Như vậy, khi giải quyết khu vực này, hai bên có tính đến sự nhân nhượng của Trung Quốc cho đường biên giới đi qua trạm thủy nông của Việt Nam xây dựng ở cồn Pò Thoong, thượng nguồn thác Bản Giốc, nhằm bảo đảm bảo cân bằng về mặt diện tích giữa 2 khu vực cho mỗi bên.

2457 biengioi04 3112015

Đường ranh giới phân chia ở cửa sông Bắc Luân

Linh hoạt để giải quyết có tình có lý

Tại một số khu vực nhạy cảm khác, như khu vực Hoành Mô, Quảng Ninh, hai nước thống nhất đường biên giới đi giữa ngầm Hoành Mô theo thực tế quản lý mà không đi theo dòng chảy tại cống thoát nước.

Đối với khu dân cư tại Hà Giang, Lạng Sơn và khu nghĩa trang có mồ mả của nhân dân thì hai bên dựa trên cơ sở giảm tối đa tác động đến khu dân cư về đời sống, sản xuất, tâm linh để nhất trí điều chỉnh đường biên giới đảm bảo cân bằng diện tích, giữ nguyên hiện trạng dân cư.

Tại Lạng Sơn, phía Việt Nam đồng ý điều chỉnh để Trung Quốc giữ lại 13 nóc nhà, thuộc khu vực mốc 1103. Đổi lại, tại Cao Bằng, phía Trung Quốc đồng ý điều chỉnh để Việt Nam giữ nguyên trạng hầu hết đất canh tác và mồ mả của người dân địa phương, khu vực mốc 830/1 đến mốc 835.

Ở khu vực bản Ma Lỳ Sán của Việt Nam, gồm 5 hộ 35 khẩu thuộc tỉnh Hà Giang, mặc dù đường biên giới theo hoạch định cắt ngang qua bản này, nhưng theo đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc đồng ý điều chỉnh để giữ nguyên bản này về phía Việt Nam, hoán đổi cho Trung Quốc khu vực khác có diện tích tương đương.

2455 img 3330 mnuu

Lễ ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt - Trung chiều 30.12.1999

Như vậy, không thể nói rằng Việt Nam đàm phán để mất đất cho Trung Quốc. Những khu vực có nhận thức khác nhau mà cả hai bên không thể bảo vệ được quan điểm của mình và không thể chứng minh được là đất của mình thì phải giải quyết theo những nguyên tắc mà hai bên có thể chấp nhận, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Kết quả giải quyết đường biên giới tại các khu vực nhạy cảm là hoàn toàn công bằng hợp lý, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận, đáp ứng nhu cầu hợp lý, chính đang của cả hai bên, đảm bảo tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ quản lý biên giới ổn định, lâu dài, tránh được những tranh chấp phức tạp có thể xảy ra trong tương lai.

2452 img 3329 bplr

Cố vấn Đỗ Mười khảo sát thực địa khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, tháng 5.2000

Đường biên giới ổn dịnh lâu dài và bền vững có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay./.

TS Trần Công Trục

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mot-thap-ky-phan-dinh-bien-gioi-viet-trung-tren-bo-bai-9-112592.html

In bài viết