Yêu thương không đợi tuổi
1. Cha mẹ vô tình làm con…hư ?
Không phải vô lý khi nói con cái là bản sao của bố mẹ. Người lớn làm ra sao, trẻ sẽ bắt chước ở chừng mực nào đó. Nhiều hành động của người lớn tưởng vô hại nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ.
Trẻ con hiếu động nên vấp ngã là chuyện rất bình thường (Ảnh minh họa)
Trước giờ thường có tình huống thế này, trẻ hiếu động, chơi nghịch không cẩn thận hoặc đi đứng chưa vững nên va chạm, ngã rồi bật khóc. Phản ứng của người lớn trong hoàn cảnh này là ngay lập tức đỡ bé dậy và động viên, an ủi, dỗ dành bé nín bằng cách đánh vào đồ vật – nhân tố khiến bé đau – theo cách nghĩ của người lớn. Những câu như “Bà đánh cái ghế làm cháu ngã này”, “Mẹ đánh cái tường hư làm con đau này”…ra vẻ “trả thù” cho trẻ. Có thể lúc này con trẻ sẽ ngưng khóc và bố mẹ nhanh chóng đạt được sự hài lòng.
Tuy nhiên, đây là cách làm không hay và không mang lại bài học tốt đẹp nào cho tâm hồn non nớt của trẻ. Trẻ sẽ học được gì qua những lần vấp ngã như vậy? Không gì khác ngoài thái độ đổ lỗi và sự thù hằn. Nó dạy cho trẻ khi gặp chuyện không vui, hay khi thất bại sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác, dạy cho trẻ không biết độ lượng mà chỉ thích báo thù. Điều này không có lợi cho tính cách và cuộc sống của các em về sau.
Nhìn trẻ u đầu mẻ trán khiến cha mẹ vô cùng hoảng hốt (Ảnh minh họa)
Nếu có trẻ nhỏ trong nhà, chắc hẳn bạn đã từng thấy trẻ say sưa trò chuyện với cái tivi, bức tường, đồ chơi…như với con người? Bởi vì, trong nhận thức non trẻ của các bé, vật vô tri cũng giống con người. Vậy nên, bố mẹ hãy để con thấy chúng ta đối xử công bằng và rộng lượng đối với thế giới xung quanh.
2. Gieo hạt giống yêu thương, không cần đợi tuổi !
Đối với trẻ nhỏ, vấp ngã, thậm chí u đầu mẻ trán là chuyện xảy ra "thường như cơm bữa". Khi gặp trường hợp này, người lớn không nên cuống quýt quá mức. Cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, thoải mái để trẻ cảm nhận được đây chỉ là chuyện bình thường, thậm chí là chuyện nhỏ. Ngược lại, nếu người lớn tỏ ra hốt hoảng, chẳng những không động viên được trẻ mà ngoài đau đớn về thân thể, trẻ sẽ nảy sinh lo sợ, bất an về mặt tâm lý.
Nhân tiện, bố mẹ có thể tận dụng hoàn cảnh để dạy con về sự bao dung. Hãy xoa chỗ đau cho bé, hỏi han, an ủi “ con có đau lắm không?” đồng thời xoa “chỗ đau” cho bức tường, chiếc bàn, cái ghế... hỏi “bạn tường/bàn/ghế có bị đau lắm không?” và nói với cả hai “sẽ hết đau ngay thôi”. Làm như thế, trẻ sẽ không có thái độ thù hằn, đỗ lỗi mà lâu dần được vun đắp lòng bao dung.
Người lớn có thể dạy trẻ những cảm xúc tích cực thông qua sự cố (Ảnh minh họa)
Vậy thì hãy thông qua những hành động nhỏ, kể cả những sự cố đáng tiếc để dạy trẻ những cảm xúc yêu thương thay vì cảm xúc tiêu cực. Bởi những năm tháng đầu đời của con người, “những điều trông thấy” mà họ tiếp nhận trong khi giai đoạn ngây thơ, trong sáng sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc đến cuộc đời họ sau này. Đối với trẻ, những tình tiết xảy ra hàng ngày trong cuộc sống đều hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng. Trẻ có thể học hỏi, tiếp thu, từ đó dần dần hình thành tính cách xấu hoặc tốt thông qua những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt.
Bậc làm cha mẹ vì thế nên lưu tâm hơn, để “mỗi chuyện nhỏ hàng ngày đều có thể trở thành viên gạch xây nên ngôi nhà tình cảm tư tưởng đẹp đẽ cho con trẻ”. Hãy dạy con biết yêu thương ngay từ khi còn rất bé, bởi yêu thương là không cần thời gian, yêu thương là không đợi tuổi !
Bách Hợp