Vì sao “Tài liệu Panama” không nêu tên người Mỹ?
“Tài liệu Panama” được Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp cùng hàng trăm hãng truyền thông trên thế giới công bố ngày 4/4. Nó bao gồm hơn 11 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca, liên quan tới việc tạo ra hàng trăm nghìn công ty vỏ bọc lớn nhỏ trên khắp thế giới, nhằm phục vụ cho việc rửa tiền, trốn thuế và che giấu tài sản cá nhân ở nước ngoài trong suốt 40 năm hoạt động.
Trong những ngày qua, hàng loạt cái tên đình đám trong giới lãnh đạo thế giới, các vận động viên, người nổi tiếng lần lượt bị phanh phui trong “Tài liệu Panama”, cùng với nghi vấn tham nhũng, ăn hối lộ, làm giàu bất chính…
Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là: trong số đó, chưa hề xuất hiện bất kỳ một công dân Mỹ nào, mặc dù người dân quốc gia này chưa hẳn đã trong sạch và tuân thủ pháp luật hơn các nước khác – NBC News nhận định.
Người Mỹ vẫn chưa bị “rờ gáy”
Có quá nhiều cái tên nổi tiếng bị liên đới tới vụ “Tài liệu Panama”
Theo Giám đốc điều hành Viện Chính sách kinh tế và Thuế Mỹ (ITEP) Matt Gardner, số tài liệu quá lớn trong vụ bê bối này sẽ khiến Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) mất rất nhiều thời gian để giám định. Vì thế, có thể những cái tên đến từ Mỹ chưa bị “khui ra”, dù có xuất hiện hay không.
Ngoài ra, ông Gardner cho rằng: có khả năng người Mỹ làm việc với các công ty luật khác, chứ không phải Mossack Fonseca. Trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp – từ lớn đến nhỏ – luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng giàu có lập ra những công ty vỏ bọc để che giấu tài sản hoặc trốn thuế.
Trong khi đó, những công ty hoạt động theo loại hình này lại không phạm pháp. Chính nhà đồng sáng lập Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca, từng khẳng định: công ty của ông không làm gì trái pháp luật, và không chịu trách nhiệm về việc những công ty vỏ bọc kia được sử dụng vào mục đích gì.
“Nếu một công ty Mỹ có thể giúp bạn y như công ty tới từ Panama kia (Mossack Fonseca), bạn có thể làm việc ngay tại Mỹ, với công ty trong nước mà không sợ phạm pháp” – một chuyên gia khác cho hay.
Mỹ cũng là một “thiên đường thuế”
Có những “thiên đường thuế” ngay trong lòng nước Mỹ
Ở Mỹ, có 2 bang: Delaware và Nevada, cùng với quần đảo Virgin, rất nổi tiếng với những quy định về thuế lỏng lẻo và mức thuế thấp, khiến cho chúng trở thành nơi hấp dẫn cho những đối tượng muốn che giấu tài sản và trốn thuế.
Mùa thu năm ngoái, Tổ chức Mạng tư pháp về thuế đặt trụ sở tại Anh từng phát hành một bảng xếp hạng tài chính bí mật về những “thiên đường thuế”, trong đó Mỹ xếp thứ 3 chỉ sau Thụy Sĩ và Hong Kong, cao hơn nhiều thứ hạng của Panama (xếp thứ 13).
Vì thế, theo chuyên gia tài chính quốc tế Lee Sheppard của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Tax Analyst, giới siêu giàu nước Mỹ có thể “giấu tiền” vào các công ty vỏ bọc ở ngay trong nước, do không bị đánh thuế quá cao.
Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ, như Apple và Google, vẫn tìm cách giảm gánh nặng thuế bằng cách đặt những công ty vỏ bọc tại các quốc gia đánh thuế thấp hơn như các hòn đảo ở Caribbean, hoặc các nước thiếu việc làm như Ireland.
Cục Thuế nội địa Mỹ (IRA) rất muốn bắt những kẻ trốn thuế bằng cách che giấu tài sản. Tuy nhiên, do bị cắt giảm ngân sách, IRA sẽ nhắm đến các tập đoàn lớn trước tiên, thay vì một số các nhân cụ thể – một quan chức của cơ quan này cho hay.
Giám đốc ITEP Matt Gardner thì cho rằng: việc người Mỹ chưa xuất hiện trong “Tài liệu Panama” cũng không thể hiện mặt tích cực nào cả. “Đây không phải là câu chuyện của riêng Panama. Đây là lời cảnh tỉnh đối với chúng tôi về những điều vô cùng nghiêm trọng có thể đứng sau các công ty vỏ bọc” – ông Gardner nhấn mạnh.
Trọng Sang