Trung Quốc: Công bố danh sách “Phật sống đích thực”
Theo đó, danh sách cung cấp chi tiết tên tuổi, hình ảnh và địa chỉ của 870 nhà sư “đã được xác minh” bởi cơ quan chức năng. Theo Tân Hoa Xã, bản danh sách này được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Đây được coi là một hành động nhằm tôn vinh những vị hòa thượng đắc đạo góp mặt trong danh sách. “Là một vị Phật sống, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì điều đó” – nhà sư Drukang Thubten Shedrup trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã.
Theo các quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề tôn giáo của Trung Quốc, tài liệu được phát hành để lật tẩy những người đóng giả “Phật sống” để lừa đảo tiền bạc của các tín đồ, làm băng hoại Phật giáo. Tuy nhiên, bản danh sách của chính quyền Bắc Kinh bị chỉ trích là phương tiện để tiếp tục kiểm soát người Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 Tenzin Gyatso
“Cơ sở dữ liệu về các vị “Phật sống” và toàn bộ chính sách này rõ ràng là động thái phủ đầu của chính phủ, nhằm kiểm soát tình hình sau thời của Đức Đạt Lai Lạt Ma” – chuyên gia Nicholas Bequelin thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái, khi danh sách lần đầu tiên được công bố.
“Phật sống” Tenzin Gyatso là Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại. Theo tín ngưỡng Phật giáo của người Tây Tạng bản địa, ông là hóa thân của một vị Lạt Ma trong quá khứ – một trong số những người sẽ được “tái sinh” để tiếp tục công việc của mình.
Tenzin Gyatso từng có thời gian ở Ấn Độ sau khi rời Tây Tạng năm 1959. Năm 1995, Bắc Kinh đưa ông trở về, nắm giữ vị trí lãnh tụ tối cao đời thứ 14 trong Phật giáo Tây Tạng. Ngoài ra, cậu bé Gyaltsen Norbu được chính quyền Trung Quốc đưa lên làm Ban Thiền Lạt Ma – nhân vật quan trọng thứ 2, chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trọng Sang