Trồng cà chua tím “siêu” lợi nhuận
“Phải nghĩ tới một hình thức làm ăn mới lạ, cây trồng phải “độc”, ngoài đáp ứng được mặt hình thức thì phải đảm bảo được giá trị dinh dưỡng cao thì mới thu hút được thị hiếu người tiêu dùng, giá cả sẽ ổn định, có được thu nhập cao. Sau một thời gian tìm hiểu, vợ chồng tôi quyết định nhập giống cà chua tím, vàng về trồng” - từ suy nghĩ ấy mà gia đình chị Phạm Thị Xuân Thủy, thôn K’Long C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã thành công.
Ngoài cà chua tím, vợ chồng chị Thủy còn trồng thêm cà chua vàng cũng cho năng suất rất cao.
Chị Phạm Thị Xuân Thủy bên vườn cà chua tím của gia đình.
Gia đình chị Phạm Thị Xuân Thủy là người đầu tiên tại địa phương đưa giống cà chua tím từ nước ngoài về trồng. Sau một thời gian thử nghiệm, loại cây trồng này đã đem lại hiệu quả kinh tế cực kỳ lớn, gia đình chị Thủy quyết định mở rộng diện tích. Chị kể, gia đình chị vốn có truyền thống làm nông, sau khi lập gia đình, nghề nông vẫn được vợ chồng chị lựa chọn. “Điệp khúc” mất mùa được giá, được giá thì mất mùa luôn là nỗi lo thường trực của những gia đình làm nông nghiệp như chị.
Các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu John Innes tại Anh đã nghiên cứu và cho thấy Anthocyanin là tên một loại sắc tố tạo ra màu tím cho cà chua. Đây là nhóm hợp chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, có khả năng ngừa hàng loạt bệnh - bao gồm ung thư, tiểu đường và béo phì.
Cũng giống như cà chua đỏ, cà chua tím khi chín chứa nhiều vitamin A. Trong 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hàng ngày về vitamin A, 8% nhu cầu vitamin B6, từ 33-50% nhu cầu vitamin C. Ngoài ra, còn có vitamin B1 (0,06mg), B2 (0,04mg), PP (0,5mg). Các chất bổ dưỡng như đạm, đường, chất béo và khoáng vi lượng như canxi, sắt, kali, phosphor,… có lợi cho sức khỏe.
Đó là vào tháng 8/2014, có được hạt giống nhập về từ Pháp, vợ chồng chị Thủy bắt tay ngay vào việc trồng thử nghiệm với trên 200 cây đầu tiên trong nhà kính. Để cho giống phát triển được khỏe mạnh, thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, gia đình chị Thủy đã ươm cho cà chua tím nảy mầm rồi đem cắt ghép với gốc cà chua thông thường.
Vợ chồng chị Thủy không trồng trực tiếp cà chua xuống đất mà trồng từng gốc vào bầu đất, phân hữu cơ và sơ dừa để tiện cho việc tưới nhỏ giọt, phun sương. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cà chua tím bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Theo chị Thủy, điều may mắn đối với gia đình chị khi vừa trồng cà chua tím là sản phẩm làm ra tới đâu bán hết ngay tới đó, thậm chí còn không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường.
Hiện nay, hằng ngày gia đình chị Thủy cho xuất vườn dao động trên dưới 150kg quả. Ngoài việc cung cấp cho các đầu mối nông sản sạch dài hạn tại TP. HCM, chị Thủy còn bán sản phẩm qua kênh internet, với giá bán thấp nhất là 50.000 đồng/kg. Từ tháng 8/2014 đến nay, vợ chồng chị Thủy đã trồng được 3 lứa cà chua tím với khoảng 1.000 gốc, thu về khoảng 5 tấn quả.
Nói về hiệu quả kinh tế từ việc trồng cà chua tím, chị Thủy tiết lộ là “siêu” lợi nhuận. Một sào trồng được khoảng 3.000 gốc cà chua tím, mỗi gốc cho thu nhập từ 5 - 7kg, một vụ sẽ thu khoảng 15 tấn quả, bán thấp nhất với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, nhà vườn thu về trên dưới 400 triệu đồng/vụ. Chính vì vậy, hiện nay gia đình chị Thủy đang ươm giống để mở rộng diện tích cà chua tím ra khoảng 5 sào.
Theo Diễm Thương /Báo Lâm Đồng