Thầy trò trường làng chung tay bảo vệ môi trường
Làng không rác
Năm 2011, trường THPT An Lạc Thôn thành lập câu lạc bộ (CLB) “Em yêu môi trường”. Thành viên chủ yếu của CLB là những học sinh từ lớp 10 – 12 đang theo học tại trường.
Chủ nhiệm CLB là thầy Nguyễn Ngọc Hải, một giáo viên Sinh học của trường. Do trường THPT An Lạc Thôn tọa lạc tại thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách nên rác thải sinh hoạt hàng ngày là vấn đề bức xúc mà thầy trò và người dân ở đây phải đối mặt. Trước đây, việc thu gom rác thải ở nhà dân cũng như khu vực chợ chưa được quan tâm, mạnh ai nấy xả nên môi trường tại địa phương ngày càng ô nhiễm.
Các em học sinh CLB "Em yêu môi trường" thu gom rác ở chợ
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Chính tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng nên thầy trò chúng tôi quyết định phải hành động. Làm sao tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và người dân trong khu vực? Từ đó, chúng tôi hướng dẫn học sinh nghiên cứu các đề tài về môi trường góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đích đến là nghiên cứu khoa học, phục vụ học tập...”.
Từ năm 2012, thầy Nguyễn Ngọc Hải cùng hơn 20 học sinh trong CLB quyết tâm thực hiện dự án “Làng không rác”.
Theo tiêu chí của thầy trò CLB “Em yêu môi trường”, “Làng không rác” là khu vực không có rác xả bừa bãi ra môi trường, người dân có ý thức phân loại rác và biết tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón, giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón hóa học... Rác sau khi được thu gom về một điểm sẽ được xử lý bằng chế phẩm biomix, sau đó ủ lại. Chế phẩm này sẽ giúp làm phân hủy nhanh các phế thải hữu cơ, khử mùi hôi và không gây độc hại cho môi trường. Sau một thời gian ngắn, rác sẽ bị phân hủy, được sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Rác hữu cơ sẽ được ủ để thành phân bón
Tuần nào cũng vậy, thấy trò xuống mọi ngõ ngách chợ Cái Côn, vận động bà con tiểu thương cho... rác thay vì quăng hết xuống sông. Gom xong, thầy trò lại mang rác về đổ đống trước khu tập thể giáo viên vốn chật hẹp lại nằm cạnh trường mẫu giáo. “Có người không hiểu tưởng thầy trò “có vấn đề”, nhưng khi biết mình đang làm thí nghiệm biến rác thành phân bón thì ai cũng ủng hộ”, thầy Hải chia sẻ.
Khi thí điểm thành công, hàng ngày, thầy trò chia nhóm thay phiên đi thu gom rác ở chợ. Rau, củ, quả, bã mía, vỏ dừa... sẽ được “tận thu” về ủ làm phân bón. Túi nilon, chai nhựa... nhóm sẽ thu riêng để tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc dụng cụ dạy học.
“Tôi luôn dạy học trò, hễ thấy rác các em cứ nhặt, không ai cười mình đâu. Bản thân người xả rác thấy người khác đi nhặt rác của mình sẽ tự mắc cỡ và ngày càng ý thức hơn”, thầy Hải hóm hỉnh bảo.
Ươm mầm tài năng
Huỳnh Dương Băng Băng (học sinh lớp 10A1), thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Ngày đầu tụi em đi gom rác nhưng chợ không còn rác do người dân đã vứt hết xuống sông trước đó. Tuy nhiên, những ngày sau người dân chủ động gom rác lại và chờ học sinh của trường đến lấy. Họ bắt đầu tiếp xúc với tụi em bằng những nụ cười và cử chỉ thân thiện, thay vì cái nhìn xa lạ, hờ hững như trước đây”.
Tại CLB, ý tưởng khoa học của các em học sinh còn được hỗ trợ nghiên cứu, hiện thực hóa
Chị Nguyễn Thị Thu Ba, tiểu thương chợ Cái Côn chia sẻ: “Khi thấy học sinh hàng ngày đi gom rác, nhiều người dân địa phương ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi như trước đây”. Để ủng hộ thầy trò CLB “Em yêu môi trường” chị Nguyễn Thị Tươi, nhà cạnh trường THPT An Lạc Thôn cho mượn phần đất vườn nhà mình làm nơi chứa rác và xử lý rác thải của dự án.
“Ngoài góp phần bảo vệ môi trường, dự án còn muốn chuyển tải đến mọi người thông điệp: rác hữu cơ không phải là đồ phế thải mà sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho mọi người nếu biết tận dụng”, Tuấn Anh (học sinh lớp 10A2), một thành viên trong CLB nói.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết, ngoài việc xử lý rác thải hữu cơ, dự án còn đang xử lý rác thải trong nông nghiệp tạo thành phân hữu cơ, giúp bà con nông dân giảm tối đa chi phí mua phân bón. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu kinh phí để mua trên chục thùng đựng rác đặt những nơi công cộng. Dự án cũng cần một xe đẩy rác giúp học sinh đỡ vất vả khi thu gom và vận chuyển về bằng tay như hiện nay.
Cũng từ “Em yêu môi trường”, nhiều ý tưởng hay, gần với cuộc sống được các em học sinh đề xuất và nghiên cứu như: hệ thống xử lý khói lò than, hệ thống xử lý nước mưa khép kín, thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm, nước tẩy rửa thân thiện…
Các em còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường trong trường học và cộng đồng
Em Huỳnh Dương Băng Băng cho biết, hàng tuần, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt với nhiều chủ đề liên quan đến lĩnh vực môi trường. Mỗi thành viên đưa ra các đề tài, sáng kiến của mình để các thầy cô trong ban chủ nhiệm xem xét, chọn lựa và hướng dẫn các em nghiên cứu.
Võ Tuấn An, thành viên CLB hào hứng: “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô trong ban chủ nhiệm cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, các sở ngành mà đề tài nghiên cứu của chúng em đạt giải cao trong nhiều cuộc thi do Bộ, ngành, địa phương tổ chức như: hệ thống báo động nước nhiễm mặn, hệ thống tưới nước tự động ở công viên…”.
Riêng tại cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đồng tổ chức, 23 đề tài của CLB được trao giải. Trong đó có 2 đề tài được chọn đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Stockholm (Thụy Điển).
An Vinh