Tháng 1: Xuất hiện nhiều ổ dịch gia cầm mới
Xuất hiện nhiều ổ dịch mới
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ổ dịch cúm gia cầm mới đây đã được phát hiện tại trang trại của một gia đình ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Từ ngày 17 đến 19/1 đã có gần 200 trong tổng số gần 800 con gia cầm tại trang trại này bệnh chết. Theo chủ hộ, đàn gia cầm chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A/H7N9 với 5 đỉnh dịch xảy ra. Tuy nhiên, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N6 ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N8, cúm A/H5N2 trên cả gia cầm và người.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Nước ta nằm trong "điểm nóng" của khu vực Đông Nam Á, hàng ngày diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam là rất lớn. Con đường lây truyền chính là từ việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống cúm gia cầm, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Người dân cần nâng cao ý thức sử dụng gia cầm sạch, đảm bảo nguồn gốc để đề phòng dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Internet)
Khó đoán diễn biến dịch bệnh
Bộ Y tế khuyến cáo tình hình dịch bệnh có thể bùng phát ngay trong dịp Tết nguyên đán 2018 và kéo dài trong những tháng đầu năm mới. Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch bệnh sẽ rất phức tạp do thời tiết bước vào mùa đông xuân; thời điểm trước, trong và sau Tết sử dụng nhiều thực phẩm và giao lưu, đi lại của người dân cao làm tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nhận định thời tiết lạnh, ẩm đang tạo điều kiện cho các loại virus cúm phát triển. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị virus cúm mùa như H1N1, H3N2 nhưng triệu chứng lâm sàng rất nặng.
Theo các chuyên gia y tế, cho đến thời điểm này, chủng virus cúm A/H7N9 đang là một trong những mối đe dọa lớn. Dịch cúm A/H7N9 ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Năm 2017, cúm A/H7N9 bùng phát mạnh tại quốc gia này, trong đó có 2 tỉnh giáp Việt Nam với đường biên giới khá dài và khiến gần 100 ca tử vong. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo chủng virus cúm A/H7N9 đã biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao trên cả gia cầm và người, có thể gây chết 100% lượng gia cầm mắc phải và khả năng lây truyền nhanh gấp 100 - 1.000 lần so với virus cúm độc lực thấp. Người mắc cúm này có thể bị phù, suy tim, suy gan nặng, hôn mê, tử vong
Các chuyên gia dịch tễ cũng đồng thời đánh giá diễn biến của dịch cúm rất khó dự đoán bởi các chủng cúm có độc lực khác nhau, lúc mạnh lúc yếu. Chẳng hạn, cúm A/H1N1 lúc đầu tưởng nguy hiểm nhưng thực tế tỉ lệ tử vong thấp, chỉ có 0,09%. Trong khi đó, cúm A/H5N1 có tỉ lệ tử vong lên đến 70%-90%, có thời điểm là 100% hay cúm A/H7N9 tỉ lệ tử vong cũng lên tới 50%-60%
Chủ động phòng bệnh
Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm. Kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A/H7N9 cả trên gia cầm và ở người.
Trước tình hình dịch bệnh có các diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018; đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, tăng cường công tác truyền thông chủ động phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát dịch bệnh trong nước, quốc tế, kịp thời tiếp nhận, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị liên quan trong nước để nhanh chóng cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh và tổ chức các hoạt động đáp ứng một cách nhanh nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia; thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đến nay, hai trung tâm này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao. Hiện chưa phát hiện chủng vi rút cúm mới, cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện các chủng vi rút lạ nào tại Việt Nam.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, lễ hội và mùa xuân tới, người dân cần vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm để hạn chế bệnh lây truyền. (Ảnh minh họa: Internet)
Người dân nên hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện của bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người...
Tuệ Lâm (t/h)