Tái hiện Tết xưa tại đình làng
Chương trình bắt đầu bằng cuộc thi gói bánh chưng. Với mong muốn tái hiện đúng không khí Tết xưa, ban tổ chức dành một không gian cho viết thư pháp; trưng bày và giới thiệu các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... Tại đây, người tham gia có cơ hội nghe đàm đạo về lịch sử, quy trình sản xuất và các hình thức sử dụng tranh trong ngày tết cổ truyền. Bên cạnh đó, chương trình còn có những cuộc tọa đàm nhỏ về Tết và những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như nghi lễ dựng cây nêu, nghi thức thờ cúng tổ tiên cuối năm, giao thừa và ngày đầu năm mới...
Một nội dung đặc biệt của chương trình là vinh danh những "người giữ gìn mái đình làng Việt". Ban tổ chức sẽ mời 10 cụ thủ từ, những người trông nom đình làng khu vực xứ Đoài chia sẻ những vui buồn, tâm tư trong quá trình gìn giữ di sản. Đây là một dịp hiếm hoi, những người gìn giữ di sản đình làng ở cấp thấp nhất có cơ hội giao lưu, chia sẻ về công việc của mình.
Tối 30/1, tại không gian đình So sẽ diễn ra nội dung hát cửa đình. Hát cửa đình là một phong tục có từ lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa cộng đồng làng xã khi xưa nhưng nay mai một nhiều.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt, ban tổ chức sẽ mời các cụ trong ban khánh tiết của làng đến từ các địa phương vùng xứ Đoài và một số các tỉnh lân cận đến với chương trình này để các cụ hiểu thêm về hát thờ cửa đình, từ đó, có thể tìm biện pháp khôi phục tại địa phương mình. Nếu làm được điều này, thì không những phong tục ở đình làng được khôi phục mà nghệ nhân biểu diễn các loại hình âm nhạc dân gian cũng có "đất" diễn.
Được tổ chức ở đình So, một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài (dân gian có câu "xứ Đoài đẹp nhất đình So"), ban tổ chức mong muốn, tái tạo một không gian để mọi người cùng tìm về truyền thống, lan toả các giá trị văn hoá cổ truyền trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Nhóm “Đình làng Việt” được sáng lập bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh – Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Nhóm hiện có khoảng 4.000 thành viên, là những người yêu văn hóa đình làng cùng giá trị sinh hoạt phi vật thể, không gian văn hóa xung quanh kiến trúc độc đáo này của người Việt.
An Vinh