Sơn La mới có 10% số người điều trị bằng Methadone
Theo ý kiến của Giám đốc Trung tâm Phòng,chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La Đàm Văn Hưởng, lợi ích và hiệu quả của việc điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thuốc Methadone đang được dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ, cho nên người tham gia điều trị không phải chi phí gì. Khi uống thuốc Methadone sẽ giúp người nghiện "quên" cơn nghiện ma túy, sức khỏe nhanh hồi phục, lao động và sinh hoạt bình thường. Nếu người nghiện có thái độ tích cực và điều trị đúng phác đồ thì hoàn toàn có thể từ bỏ được ma túy.
Từ khi tỉnh Sơn La thành lập Ban Chỉ đạo 03 làm nhiệm vụ chuyên trách phòng, chống ma túy thì chi phí cho hoạt động này là hơn 570 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí toàn xã hội liên quan đến ma túy và số tiền người nghiện dùng để mua ma túy thì con số này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bình quân một người nghiện ma túy phải chi phí mua thuốc là 411 nghìn đồng/ngày, nếu điều trị thay thế bằng thuốc Methadone thì chỉ là 10 nghìn đồng/ngày. Ngoài lợi ích về kinh tế, việc sử dụng Methadone giúp người nghiện không lên cơn, mang lại lợi ích cho họ, gia đình và xã hội rất lớn. Câu hỏi đặt ra vì sao Sơn La là địa phương trọng điểm về ma túy, có đông người mắc nghiện lại chưa "mặn mà" với chương trình này?
Người nghiện được điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Sơn La, hiện nay toàn tỉnh có 665/7.763 người nghiện được điều trị thuốc Methadone tại sáu đơn vị điều trị. Trong đó, đông nhất tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh có 233 người, Trung tâm y tế các huyện: Mường La có 127 người, Thuận Châu có 91 người, Sông Mã có 80 người, Mộc Châu có 76 người và Mai Sơn có 58 người.
Tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi được biết, chính công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, các ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc và coi đây là việc của ngành y tế. Trong hai năm 2013 – 2014, UBND, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhưng chưa xác định được cách làm cụ thể, cơ sở vật chất, con người, kinh phí để tổ chức thực hiện vẫn còn chung chung. Đến nay tỉnh chưa phê duyệt được Dự án triển khai điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, thì công táctuyên truyền, vận động hiểu đúng và đầy đủ lợi ích của chương trình Methadone vẫn còn hạn chế. Có nơi người nghiện muốn tự nguyện tham gia, nhưng còn e ngại kỳ thị từ cộng đồng và khó khăn trong việc làm thủ tục đăng ký với cơ sở điều trị. Một số đơn vị, địa phương vì lo mất thành tích "bốn không về ma túy", cho nên chưa chủ động phát giác và động viên người nghiện tham gia điều trị.
Có ý kiến cho rằng, việc cai nghiện tại các Trung tâm 06 và cai tại cộng đồng ở Sơn La đạt tỷ lệ 97% không tái nghiện, nên không cần triển khai nhiều cơ sở điều trị Methadone. Qua trao đổi với những người làm chuyên môn sâu về lĩnh vực này thì họ chưa đồng tình với nhận định trên. Thực tế ở Trung tâm Y tế huyện Mường La, trong số người đang uống Methadone thì có khá nhiều người không nằm trong danh sách quản lý xác định nghiện tại địa phương. Ông Lường Văn Vinh, ở bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La đang điều trị tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Ban đầu chỉ có hai người trong bản điều trị theo chương trình này. Hiện nay bản Chậu có 10 người đang điều trị tại Trung tâm. Khi chúng tôi hỏi:
– Vì sao anh biết để vào đây?
– Nghiện khổ quá, không có tiền mua thuốc. Anh em trong bản người nọ bảo người kia vào thôi...
Rõ ràng công tác tuyên truyền, xác định người nghiệnvà nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về Chương trình Methadone ở Sơn La đang còn khoảng cách và mâu thuẫn. Chúng ta cần chấp nhận thực tế, dù người đó có nghiện hoặc nghi nghiện, nhưng họ có nhu cầu điều trị Methadone nếu được ngành y tế kiểm tra đủ điều kiện thì nên khuyến khích họ tham gia. Làm như vậy chính là không kỳ thị phân biệt, tạo điều kiện cho những người không may mắc nghiện có thể tham gia.
Để mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở Sơn La thành công, đề nghị ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng sớm trình UBND tỉnh thông qua Dự án điều trị nghiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2015 – 2020. Đồng thời, sớm thành lập thêm các cơ sở điều trị Methadone và các trạm cấp phát thuốc Methadone tại một số cơ sở y tế có đông người nghiện.
Nếu khắc phục được những bất cập nêu trên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì chắc chắn người nghiện ở Sơn La có cơ hội từ bỏ được ma túy, góp phần thật sự vào cuộc chiến phòng, chống, ma túy hiện nay.
Đức Tuấn