“Phép màu” vươn lên của ngôi làng giàu nhất Ấn Độ
Hiện, 1.250 người dân Hiware Bazar có thể tự hào, vì nơi họ đang sinh sống có Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất trong tất cả các ngôi làng ở Ấn Độ. Thu nhập trung bình hàng tháng của cư dân làng Hiware Bazar đạt 450 USD, và cũng cao nhất cả nước. Năm 1995, con số này chỉ xấp xỉ 16 USD.
60 trên tổng số 235 hộ gia đình trong làng là triệu phú. Năm nào cũng vậy, dân làng Hiware Bazar luôn bội thu với nhiều loại nông sản: kê, hành và khoai tây. Thật khó để có thể tưởng tượng được rằng, chỉ mới vài năm trước, hầu như chả ai thèm ngó ngàng tới việc trồng cấy, vì đất canh tác quá cằn cỗi.
Tính đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Hiware Bazar vẫn là một ngôi làng rất đỗi nghèo khó – hậu quả của tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài từ năm 1972. Ông Raosaheb Raji Pawar (82 tuổi) kể lại: “Sự bình yên bị phá vỡ. Mọi người trở nên cáu bẳn và lo lắng vì việc mưu sinh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chỉ một lý do nhỏ xíu cũng có thể thổi bùng lên tranh cãi gay gắt, vì tất cả đã quá thất vọng. Mọi người bắt đầu rượu chè nhiều hơn, và tình hình càng thêm tồi tệ”.
Quá chán nản, rất nhiều người dân chuyển đến khu vực thành thị gần đó để tìm các công việc lặt vặt như công nhân, mặc dù họ vẫn sở hữu một vài mẫu đất ở quê hương. Theo thống kê, có tới 90% người dân Hiware Bazar chọn cách này, trong khi những người ở lại thì cũng không nhìn thấy triển vọng gì sáng sủa.
Những người đứng đầu hội đồng dân cư địa phương lúc đó đều đã già cả và không có tầm nhìn. Lớp thanh niên của làng sớm nhận ra rằng: họ đang thiếu đi một người lãnh đạo thực sự mạnh mẽ, tài năng để có thể dẫn dắt mọi người đi lên.
Năm 1989, thanh niên trong làng quyết định tiến cử một nam giới có tên Popatrao Pawar – người duy nhất trong làng có trình độ văn hóa sau đại học. Trước đó, Pawar từng lên kế hoạch rời làng và tìm công việc mới. Tuy nhiên, dân làng yêu cầu người này ở lại, tham gia cuộc bầu cử địa phương. Cuối cùng, Pawar chiến thắng và trở thành trưởng làng mới. Cảm kích trước tấm thịnh tình của người dân địa phương, nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền với tuyên bố cương quyết: đã đến lúc để Hiware Bazar tỏa sáng.
Ở cương vị mới, một trong những điều đầu tiên mà Pawar làm là thuyết phục dân làng đóng cửa khoảng 22 cửa hàng rượu. Mặc dù có những khó khăn nhất định, người dân cũng đã đồng ý nghe theo.
Sau đó, vị trưởng làng mới thu xếp để những nông dân nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Maharashtra. Ông cũng đầu tư để khởi công các dự án mà sau này sẽ cải thiện việc cung cấp nước ở địa phương: hệ thống tích trữ nước mưa, mạng lưới cấp nước, hàng chục bể chứa, 2 bể lọc và 9 con đập.
“Công tác quản lý nước đòi hỏi sự tham gia của một cộng đồng vững mạnh” – ông Pawar giải thích. Vị trưởng làng chia sẻ: “Làng tôi từng gặp rất nhiều khó khăn. Dân làng nhận ra rằng, thiếu nước là nguồn gốc của mọi vấn đề. Tôi nói với họ rằng, chỉ khi chúng ta bắt đầu tiết kiệm lượng nước mưa có thể thu được, chúng ta mới có thể cung cấp đủ nước theo nhu cầu”.
Các dự án lập tức có hiệu quả. Mặc dù lượng mưa hàng năm ở Hiware Bazar chỉ vào khoảng 38cm, hệ thống ao, hồ chứa mà họ xây dựng gần như lưu lại được từng giọt nước nhỏ nhất, không cho nó thoát ra bên ngoài. Chỉ sau một mùa mưa, diện tích đất được tưới tiêu tăng từ 50 mẫu đến 170 ha. Rồi nước ngầm cũng nhiều lên, làm cả dân làng phấn chấn hẳn.
Khi tình trạng thiếu hụt nước được giải quyết, nhiều người dân bắt đầu trở lại Hiware Bazzar. Số lượng các hộ gia đình từ từ tăng (90 lên 235 hộ). Người dân hạnh phúc hơn, hợp tác với nhau thường xuyên hơn, và cùng chung tay giải quyết khó khăn. Ông Pawar lập ra hệ thống thu nhỏ bao gồm 2 – 3 gia đình có thể giúp đỡ lẫn nhau trên ruộng đồng, nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và giảm thiểu chi phí thuê mướn lao động. Giờ đây, họ có thể thu hoạch nhiều loại cây, thậm chí cải tạo đất đai cằn cỗi để canh tác.
“Tôi chuyển đến Mumbai năm 1965 và từng làm việc ở đó 35 năm” – nông dân địa phương Yadav Dada Thange cho biết. Ông tâm sự: “Nghe nói về việc người dân trong làng đã giải quyết thành công nỗi lo hạn hán, tôi quyết định bỏ việc và trở lại ngôi làng Hiware Bazar. Ở những cái giếng từng cạn khô từ thời tôi đi, hiện có khá nhiều nước để trồng cây. Với sự chung sức của cả một cộng đồng, “phép lạ” đã đến thật nhanh chóng”.
Theo một quan chức địa phương, tính đến năm 2010, lượng mưa hàng năm ở Hiware Bazar giảm xuống chỉ còn 19cm, nhưng nguồn nước trong làng vẫn dồi dào, nhờ quản lý tốt hơn. Cũng trong năm 2010, cả làng bước vào mùa thu hoạch “đại thắng”, thậm chí còn đủ nước để phục vụ cho một khu vực đặc biệt có nhiệm vụ lưu trữ hơn 100 loài thực vật khác nhau.
Hiware Bazat hiện là mô hình mẫu mực cho các ngôi làng ở Ấn Độ, với ý thức người dân về kỷ luật và trật tự ngày càng tăng. Những con đường thường xuyên được phát quang sạch sẽ; các ngôi nhà kiên cố đã thay thế cho những túp lều hoang cũ kỹ; rượu và thuốc lá bị cấm. Ngay cả việc đại tiểu tiện ở nơi công cộng cũng bị theo dõi sát sao…
Hồng Anh