Nông dân Quảng Ngãi phải đem dưa hấu đổ cho bò ăn: Cần lắm sự chung tay giải cứu của cộng đồng
Những cánh đồng hoa màu sau bao ngày tháng ươm trồng, chỉ còn một chút nữa là được thu hoạch, bỗng trời làm mưa bão, chỉ sau một đêm, tất cả chìm ngập trong biển nước trắng xóa mênh mông. Và vẫn những cánh đồng ấy, khi người dân bỏ bao công sức ra vun trồng, những mong gỡ gạc lại đồng vốn sau đợt mưa lũ, chỉ cần đất trời hạn hán, bao công sức của họ tiếp tục chỉ là "dã tràng xe cát".
Đó là những dịp thiên tai. Nhưng dù trời có yên, biển dẫu lặng thì hình như, niềm vui cũng không phải lúc nào cũng đến với người nông dân. Điệp khúc "được mùa rớt giá" luôn trở thành nỗi ám ảnh, đeo đuổi họ biết bao năm nay, không có cách gì tháo gỡ triệt để.
Những cánh đồng dưa hấu bạt ngàn, chín rũ nhưng người dân không buồn cắt vì thu hoạch xong cũng không biết đổ đi đâu.
Nhiều ruộng dưa đã dập nát, không còn cách gì cứu vớt. Ảnh: Hà Nam
Đó chính là tình trạng của người nông dân trồng dưa hấu tại 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh, tỉnh quảng Ngãi. Giá dưa hiện đã xuống thấp kỉ lục, chưa đầy 1.000 đồng/kg. Nhưng dù đã rẻ như thế, người dân vẫn không tìm thấy nơi tiêu thụ. Không ai hỏi mua dưa hấu vào thời điểm này vì sợ thua lỗ.
Bế tắc, nhiều người đành đem dưa hấu đổ cho trâu bò ăn. Nhưng trâu bò ăn cũng không xuể vì số lượng tồn dư của mỗi hộ gia đình lên tới vài chục tấn. Kết quả, trời yên, đất đẹp thì sao: người nông dân vẫn chỉ biết ôm lấy trái dưa mà khóc ròng.
Bạn có hiểu cảm giác của họ, cảm giác bất lực, đau khổ bởi dù có cố gắng thế nào, họ cũng không thể vượt thoát sự nghèo khổ. Người dân chỉ biết trồng dưa, họ giỏi sản xuất nhưng không giỏi bán hàng. Cuối cùng, dưa sản xuất ra nhiều, vừa ngon, vừa đẹp nhưng... không biết bán cho ai.
Người dân bất lực trước cảnh đem dưa hấu đổ cho bò ăn. Ảnh: Hà Nam
Giá dưa hấu chưa đầy 1000 đồng/kg khiến người dân đang rất lo lắng. Ảnh: Hà Nam
4.000 tấn không có nơi tiêu thụ - người nông dân chỉ biết ôm dưa hấu khóc ròng
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Lê Tùng Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, năm nay, 2 huyện chuyên trồng dưa chính của Quảng Ngãi là Sơn Tịnh, Bình Sơn được mùa, sản lượng tăng cao. Hiện tại, số lượng dưa hấu sau khi thu hoạch toàn bộ ước đạt 4.000 tấn. Hiện vụ mùa dưa hấu mới chỉ đang bắt đầu nhưng giá bán đã rớt thảm hại. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chưa bao giờ, dưa hấu Quảng Ngãi rẻ như cho đến vậy, một trái dưa chưa đủ đổi lấy một cốc trà đá.
Khoảng tháng 10-11 năm 2016, 2 huyện này cũng là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của mưa bão. Bao nhiêu hoa màu bà con trồng được đều bị nước lũ cuốn đi. Để gỡ gạc lại vốn liếng, mùa xuân năm nay, họ đồng loạt gieo trồng dưa hấu với hy vọng "được mùa, được giá".
Những trái dưa ngon, ngọt này đang bị ép giá dưới 1.000 đồng/kg.
Vùng đất sau khi ngập lũ thường chứa nhiều phù sa. Vì vậy khi trồng dưa hấu, trái dưa thường to và rất ngọt. Nhiều người dân đã mừng thầm khi thấy nhiều trái dưa hấu Hồng Lương nặng tới 15-20kg. Thế nhưng, việc rớt giá đã dập tắt tất cả hy vọng cải thiện đời sống của họ.
Theo ông Nghĩa, mỗi ha trồng dưa, các gia đình phải đầu tư khá nhiều. Với giá bán dưới 1.000 đồng/kg như hiện nay, các hộ gia đình thua lỗ khoảng 100 triệu đồng. Ở vùng đất chuyên canh dưa này, gia đình nào trồng ít cũng khoảng 0,5ha và số tiền thua lỗ, ít nhất là 50 triệu đồng - một con số khá lớn so với thu nhập của nông dân.
Số lượng dưa hấu khổng lồ tại Quảng Ngãi đang phải trông chờ vào sự hỗ trợ tiêu thụ của tỉnh đoàn và các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm khác.
Ảnh: Hà Nam
"Trời không mưa lũ nhưng người dân cũng thiệt hại không khác gì bị bão lụt", ông Nghĩa chia sẻ. "Nhiều hộ dân không biết làm thế nào, đành đem dưa hấu cho trâu bò ăn nhưng ăn làm sao xuể, khắp vùng chỗ nào cũng tràn ngập dưa hấu".
Phải đến Tịnh Sơn hay Bình Sơn những ngày này, người ta mới hiểu hết nỗi thống khổ của người nông dân. Dưa hấu tràn khắp nơi. Người nông dân đã ăn ngủ cùng ruộng dưa, bỏ ra gần 70 ngày vun trồng và bây giờ, họ không biết mất thêm bao nhiêu ngày nữa để khóc cùng dưa hấu!
Cần lắm sự chung tay của cộng đồng
Ông Nghĩa chia sẻ, vì thương người nông dân phải chịu thua thiệt, tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phát động chiến dịch giải cứu dưa hấu giúp bà con. Hiện tại, với sự tích cực vào cuộc của các đơn vị, thanh niên tình nguyện... tỉnh đoàn đã giúp bà con tiêu thụ khoảng 100 tấn dưa hấu.
"Chúng tôi cũng đã kết nối với các đơn vị khác ở ngoài tỉnh để hỗ trợ bà con nhưng hiện tại, số lượng đăng ký hỗ trợ mới chỉ đạt khoảng 300 tấn - một con số khá khiêm tốn so với 4.000 tấn dưa đang tồn đọng".
Hiện tại, tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã giúp bà con bán hết 100 tấn dưa hấu.
"Mỗi trái dưa - một tấm lòng"
Người dân tranh thủ đến mua dưa ủng hộ nông dân Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Nam.
Sự giúp đỡ của cộng đồng đang rất cần thiết để người nông dân 2 huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn vượt qua vụ mùa khó khăn này. Ảnh: Hà Nam
Theo ông Nghĩa, nếu không bán kịp, chỉ khoảng chưa đầy 1 tháng nữa, mùa thu hoạch dưa hấu ở Quảng Ngãi sẽ rầm rộ và số lượng dưa tồn đọng cùng lúc sẽ rất lớn. "Chúng tôi rất thương bà con nhưng sức tiêu thụ trong tỉnh cũng chỉ có hạn. Vì vậy, tỉnh đoàn rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị khác".
Hiện tại, tỉnh đoàn đã kết nối được với một số doanh nghiệp, cơ quan ở Hà Nội và TP HCM, họ cam kết sẽ mua dưa hấu giúp bà con với giá 2.500 đồng/kg. "Với giá bán này bà con chỉ đủ hòa vốn, công sức vun trồng coi như mất trắng nhưng ít ra còn bớt hơn là chịu lỗ nặng nề".
Với giá bán dưa thế này bà con chỉ đủ hòa vốn nhưng ít ra còn bớt hơn là chịu lỗ nặng nề. Ảnh: Hà Nam
Số lượng dưa hấu mà tỉnh đoàn Quảng Ngãi tiêu thụ và kết nối với các đơn vị khác nhờ hỗ trợ hiện vẫn còn rất nhỏ bé so với số lượng tồn dư.
Theo ông Nghĩa, với giá thu mua rẻ như vậy nhưng vì vận chuyển xa xôi nên về đến Hà Nội, giá 1kg dưa hấu đã lên khoảng 5.000 đồng/kg. Ông Nghĩa cho biết, dưa Quảng Ngãi có 2 loại đặc sản là Hồng Lương và Hắc Mỹ Nhân. Hiện tại đang là mua thu hoạch dưa Hồng Lương, loại dưa này nặng trung bình 7-10kg, có trái lớn, trọng lượng lên tới 15-20kg.
"Dưa Quảng Ngãi rất ngon, ngọt, trái to, đẹp. Vùng đất chuyên canh dưa hấu ở Sơn Tịnh, Bình Sơn đất đai màu mỡ nên chất lượng nông sản rất tốt. Vì vậy, tỉnh đoàn rất mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng để người nông dân 2 huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn vượt qua vụ mùa khó khăn này".
Thu Hường