Nỗ lực làm mới sân khấu cho thiếu nhi
Hướng tới trẻ em 4 - 7 tuổi
Thực tế trong những năm gần đây ở Hà Nội, không hiếm các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi được xây dựng và biểu diễn. Nhất là vào dịp hè - thời điểm giới trong nghề gọi vui "mùa ăn dỗ trẻ em", hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều tung ra những chương trình mới với lịch diễn dày đặc. Nhưng muốn tìm một hướng đi chiến lược và phong cách mới trong phục vụ đối tượng khán giả này, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã dành nhiều tâm huyết cho mùa diễn 2017.
Một cảnh trong vở diễn Cuộc phiêu lưu của gà Trống Choai
4 tác phẩm mới nhất đến với khán giả "nhí" dịp này đã vượt qua những yêu cầu khắt khe của Hội đồng nghệ thuật nhà hát. Ở "Cuộc phiêu lưu của gà Trống Choai", bằng kiến thức của mình, các em nhỏ giúp Trống Choai nhận biết ra kẻ xấu, người tốt, chiến đấu với cái ác, giải cứu cho người gặp hoạn nạn. Trong "Mảnh lego màu đỏ", các bạn nhỏ lại bước vào một cuộc hành trình khác để tìm “Thần lego”. Với "Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến", các em nhỏ được trải nghiệm cuộc sống của những chú kiến, học tập đức tính cần mẫn của loài này. Tác phẩm kinh điển "Con chim xanh" của Bỉ đã được điều chỉnh để ngắn gọn hơn với một chương trình nghệ thuật riêng dành cho em nhỏ.
Tuy nhiên, 4 tác phẩm này dường như mới chỉ hướng tới khán giả lứa tuổi từ 4 đến 7. NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, đây là đối tượng trọng tâm của nhà hát trong năm nay để mở đầu một hành trình mới chinh phục khán giả trẻ - chủ nhân đất nước trong tương lai. Không chỉ tập trung vào phần diễn trên sân khấu, tiểu cảnh liên quan đến tác phẩm được dựng tại sảnh, hướng các em nhỏ vào cuộc phiêu lưu ngay từ khi đặt chân đến nhà hát. “Một cách tạo sự hứng khởi, kích thích bản năng khám phá của trẻ trước khi thưởng thức tác phẩm chính”, NSƯT Chí Trung chia sẻ ý tưởng mới.
Cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Tổng kết năm học và mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi luôn là sự kiện quan trọng của nhà trường. Nhiều năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đều chọn đưa các con tới Nhà hát Tuổi trẻ thưởng thức nghệ thuật vì có chương trình vừa vui nhộn, sinh động vừa có ý nghĩa giáo dục. Nếu như nhà hát có lịch biểu diễn cố định, thường xuyên với những chương trình liên tục đổi mới, thì đây sẽ là địa chỉ quen thuộc cho trẻ em và các trường học trong tương lai.
Để trẻ đến với sân khấu và ở lại
Với mục tiêu phục vụ lứa tuổi thanh thiếu nhi đúng như tên gọi, gần 40 năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ luôn tìm tòi sáng tạo những tác phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý giới trẻ. Nhưng như NSƯT Chí Trung, người gắn bó với sân khấu này từ những ngày đầu thành lập chia sẻ: “Làm sao để kéo trẻ khỏi những thế giới ảo để bước vào sân khấu sống động, vui tươi luôn là thách thức đối với các nghệ sĩ. Chúng tôi muốn tạo ra không gian để trẻ đến và ở lại”.
Một cảnh trong vở diễn Mảnh lego màu đỏ
Trẻ em là đối tượng khán giả hồn nhiên và nhạy cảm. Chỉ những điều có sức hút, hấp dẫn mạnh mẽ mới đủ giữ chân trẻ ở lại sân khấu. Vì thế, những tác phẩm quá dài, hơn 1 giờ 30 phút bị loại ngay khỏi danh mục biểu diễn phục vụ các em nhỏ lứa tuổi từ 4 đến 7. Đối tượng này cần được kích thích trực tiếp vào các giác quan qua trang trí, hóa trang, hành động và lời nói duyên dáng của diễn viên.
Trẻ em ở lứa tuổi 7-12 là một phân khúc khán giả khác của Nhà hát Tuổi trẻ. Lúc này, trẻ đã hình thành tư duy, thị hiếu và có nền tảng tri thức nhất định, cần đem đến những tác phẩm có chiều sâu, đòi hỏi trẻ phải tư duy, lắng nghe và bước vào giải quyết vấn đề. Những kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển như “Tấm lòng cao cả”, “Dế mèn phiêu lưu ký”… được đánh giá là có khả năng hấp dẫn đối tượng này.
Đối với các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ, lứa tuổi 12-17 là khó tiếp cận nhất. “Nhưng chúng tôi không nản lòng. Thành công từ 600 đêm diễn tác phẩm “Mùa hạ cuối cùng” của tác giả Lưu Quang Vũ vừa qua là động lực để chúng tôi tiếp tục hướng đến chinh phục đối tượng này”, NSƯT Chí Trung bày tỏ.
Có thể thấy một chiến lược rõ ràng của Nhà hát Tuổi trẻ trong nỗ lực làm mới sân khấu thiếu nhi ở Thủ đô. NSƯT Chí Trung chỉ rõ: “Chúng tôi bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất rồi dần dần nuôi dưỡng cảm hứng và hình thành thói quen đến với sân khấu của các em. Đây cũng là cách để xây dựng khán giả tương lai cho nhà hát”.
Theo Hà Nội Mới