Nhìn cách quản lý thú cưng ngặt nghèo ở các nước phương Tây mới thấy cún ta vẫn còn sướng chán!
Chú chó Việt Nam đầu tiên "mở hàng" cho đạo luật kiểm soát vật nuôi mới.
Vấn đề kiểm soát thú nuôi ở các nước phương Tây không phải là vấn đề mới, thực tế đạo luật về chó đầu tiên đã ra đời từ năm 1992. Đạo luật này nói riêng cùng các quy định về thú nuôi nói chung ở các nước đã phát triển không hề làm phiền người chủ nuôi mà ngược lại, còn khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc "người bạn nhỏ" của gia đình.
Phạt tiền lên tới con số trăm triệu đồng chỉ vì không đeo thẻ tên cho chó
Tại xứ sở sương mù, lệnh Kiểm soát Chó năm 1992 quy định rằng, mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống… đều phải được chủ trang bị cho thẻ tên bao gồm những thông tin "cá nhân" như: tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ.
Một chú chó bị "bắt quả tang" khi đang lang thang ở bất cứ đâu không phải là nhà trong tình trạng không đeo biển tên - "không giấy tờ tùy thân" sẽ khiến chủ nhân bị phạt một số tiền lên tới 5.000 bảng Anh (tương đương với 151 triệu VNĐ(?!) - một số tiền khổng lồ!!
Quy định này đã được nâng cấp kể từ ngày 6 tháng 4 năm 2016. Chính phủ Anh chính thức ban hành đạo luật yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip - một phương pháp lưu giữ thông tin và theo dõi chó hiện đại nhất.
Điều này không chỉ có nghĩa là 8,5 triệu con chó của Anh có thể tìm về với chủ nếu đi lạc, mà còn có nghĩa là công cuộc quản lý chó tại xứ sở xương mù sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Công nghệ microchip không chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân của chủ chó, mà những yếu tố về y tế căn bản cho chó như tiêm phòng bệnh dại, thời hạn hiệu lực của vacxin cũng được bảo quản trong hệ thống dữ liệu của chính phủ.
Anh Quốc: quản lý chó bằng công nghệ chip với kích cỡ siêu nhỏ chỉ bằng hạt gạo.
Chó cũng phải có thẻ căn cước cá nhân… như người
Những quốc gia như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Úc… đều có chung một cách quản lý các chú chó… khá giống với cách mà mọi đất nước trên thế giới quản lý các công dân của nước mình: Thẻ căn cước cá nhân!
Tại Mỹ, hầu hết mọi tiểu bang, thành phố và các khu vực đều cấp thẻ căn cước cá nhân cho những chú chó. Đặc biệt hơn, thời hạn thẻ căn cước này không được vượt quá thời gian hiệu lực của các vacxin phòng dại cũng như phòng các bệnh gây nguy hiểm ở chó. Nghĩa là chỉ có những chú chó đảm bảo sức khỏe mới được "công nhận" và được tự do ra đường.
Để ngăn ngừa tình trạng quá tải động vật, một số khu vực pháp lý có chính sách giảm lệ phí cấp phép cho những chú chó... đã bị "thiến", vĩnh viễn hi sinh khả năng làm cha mẹ.
Đăng kí cá nhân và thẻ tên là hai "giấy tờ tùy thân" không thể thiếu của mọi chú chó phương Tây.
"Đẩy lùi bệnh dại" là phương châm tiên quyết!
Tất cả chó đều phải tiêm phòng bệnh dại, đây là điều đương nhiên. Có thể bạn chưa biết, trước khi có vắc xin tiêm phòng bệnh dại do nhà khoa học Louis Paster phát minh năm 1885, hàng nghìn người mắc bệnh dại đều nắm chắc cái chết đau đớn trong tay. Những cơn đau tức tối, miệng sùi bọt mép sẽ là những gì bạn phải trải qua trong ít nhất 9 ngày nếu mắc bệnh dại.
Từ công thức vắc xin phòng bệnh dại của bác sĩ Paster, các nhà khoa học đã phát triển ra những loại vắc xin mới có thể sử dụng rộng rãi cho động vật và cả con người. Nhưng hơn hết, trị bệnh phải trị tận gốc, tất cả chó đều phải được tiêm phòng bệnh dại từ nhỏ. Ở Mỹ, có nhiều tổ chức động vật nhận tiêm phòng miễn phí cho chó, chỉ cần tìm từ khóa "Free rabies shots" trên Google, bạn sẽ biết mình cần đến đâu.
Tại phương Tây, quy định tiêm phòng dại cho mọi chú chó khiến cho cả khổ chủ lẫn người-bị-cắn yên tâm hơn phần nào...
Nếu chó không được tiêm phòng bệnh dại thì người chủ sẽ chịu khoản tiền phạt lên tới 1000 USD (khoảng 23 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên, lần tiếp theo nếu tái phạm tức không chịu đưa chó đi tiêm thì sẽ bị phạt thêm 1000 USD. Mỗi nơi lại có khung hình phạt khác nhau nhưng nhìn chung, nếu để cún cưng không tiêm phòng, bạn sẽ phải mất một khoản tiền rất lớn.
Riêng việc đeo rọ mõm là không bắt buộc
Tại các nước phương Tây, việc đeo rọ mõm cho các "cún cưng" khi ra đường lại là việc không bắt buộc. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người chủ quyết định có đeo rọ mõm cho chú chó của mình hay không. Với những chú chó hung dữ, thấy người là sủa hay những "cô" chó cáu bẳn khi đang mang bầu, gầm gừ và có biểu hiện bị ốm thì việc đeo rọ mõm khi ra ngoài là cần thiết.
Nhiều người cho rằng, nên bắt buộc đeo rọ mõm cho chó nhưng với đa phần người yêu động vật, chú cún cưng của mình rất hiền lành, thân thiện và với chiếc dây dắt, họ hoàn toàn có thể xử lý được những tình huống "cắn bừa" mà thi thoảng mới xảy ra.
Một vote Pitbull luôn đeo rọ mõm nhé, dù là trông thân thiện đến mấy…
Dây dắt lại là vật "bất ly thân" của mọi chú chó
Hình ảnh chủ với chó chạy với nhau như hai người bạn chắc bạn chỉ gặp ở vùng quê thôi nhé, ra phố lớn thử xem, chạy đua với xe bắt chó ngay.
Tại các quốc gia phát triển, việc trang bị dây dắt cho chó khi ra ngoài là việc làm tất yếu của những người yêu chó. Các bang lớn của Mỹ như L.A, California… tràn ngập các biển báo, khẩu hiệu "keep your dog on the leash" (Phải dùng dây dắt cho mọi chú chó).
Ở Anh, luật bảo vệ môi trường công cộng Public Spaces Protection Orders (PSPOs) sẵn sàng phạt chủ chó một khoản tiền lên tới 1.000 bảng Anh (khoảng 30 triệu VNĐ) nếu chú chó của bạn được thả rông không kiểm soát và "vô tình" gây ra bất kì hư hại nào đến cảnh quan đô thị và môi trường công cộng.
Những biển báo quy định cấm thả rông chó nơi công cộng được treo khắp các đường phố phương Tây
Bên cạnh đó, những điều luật về vòng cổ, dây dắt không bắt buộc với một số trường hợp chó đặc biệt, ví dụ như: chó cảnh sát, chó cứu hộ, chó chăn cừu, chó dẫn đường cho người mù, chó tham gia trình diễn nghệ thuật,... Dù vẫn có người quản lý nhưng chúng sẽ không nhất thiết phải đeo vòng cổ như thông thường hay phải có người dắt.
Đúng chuẩn là thế này, chạy thi thì chó vẫn phải có dây dắt, vòng cổ đầy đủ.
Chó và vật nuôi có cả một cơ quan quản lý riêng
Ở các nước phương Tây, chó nói riêng và động vật nuôi nói chung đều chịu sự quản lý của Cục động vật địa phương và cao hơn là Cục động vật Quốc gia. Tất cả các thủ tục đăng ký, đóng phạt đều phải thực hiện ở đây, riêng tiêm phòng có thể tới các cơ quan thú y hoặc các tổ chức cứu trợ động vật.
Ở hầu hết các công viên trong thành phố lớn, chiều chiều có rất nhiều người dắt chó đi dạo, để chúng thoải mái nô đùa trên bãi cỏ, chạy trên đường nô đùa mà không phải lo lắng nhiều bởi đã chuẩn bị đầy đủ những biện pháp bảo hộ cần thiết.
Kết
Có lẽ sắp tới những chú chó sẽ không còn được tự do như thế này.
Nếu là một người yêu chó, bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần đi đăng ký thông tin (nếu có), mua vòng cổ, rọ mõm, dây dắt cho chú chó của mình. Chú chó có thể mất tự do một chút, nhưng sự an toàn của cộng đồng thì sẽ được nâng cao rõ rệt.
Quế Hằng - Hogi Spiderum