Nhiều sản vật Hà Giang ra mắt tại hội nghị “Giới thiệu Hà Giang”
Hội nghị có sự tham dự của khoảng hơn 400 đại biểu, trong đó có sự góp mặt của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh và đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hà Giang cùng các cơ quan kinh tế hợp tác phát triển văn hoá, du lịch, đại diện địa phương nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành Trung ương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Cam sành Hà Giang. (Ảnh: Báo Hà Giang)
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” là lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao phối hợp với địa phương triển khai thực hiện với mong muốn giới thiệu chân thực nhất, phong phú nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương tới đông đảo bạn bè, đối tác quốc tế. Đồng thời, nhằm triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên và định hướng lâu dài của Bộ Ngoại giao, đó là hỗ trợ địa phương, đồng hành cùng sự phát triển KT – XH và tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương; phát huy vai trò cầu nối giới thiệu tiềm năng của địa phương tới bạn bè, đối tác gần xa. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng, Hà Giang được chọn để khởi đầu cho chuỗi các hoạt động giới thiệu địa phương trong năm 2018 bởi Hà Giang hội tụ những giá trị vật thể và phi vật thể làm nên sức hấp dẫn độc đáo.
Các sản vật của Hà Giang được kỳ công mang tới Hội nghị để giới thiệu với quan khách. (Ảnh: Báo Người Lao động)
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Việt Nam, có diện tích gần 7.945km2, với 19 dân tộc, trong đó 88% là dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, tỉnh Hà Giang đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 34,32% và thu hút được số vốn đầu từ toàn xã hội ước đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 17,2 % so với năm 2016.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có 2.120 doanh nghiệp và 753 hợp tác xã đang hoạt động. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh nỗ lực giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư vào Hà Giang, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ông cũng cho biết với các tiềm năng và lợi thế phát triển, tỉnh Hà Giang mong muốn tăng cường mở rộng, thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước phát triển trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để liên kết, thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh cũng mong muốn các đại diện cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục quan tâm đầu tư, hợp tác với tỉnh trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, hợp tác khai thác tiềm năng phát triển du lịch và nông nghiệp của tỉnh, nhằm tạo thêm động lực mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Múa khèn – nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: Báo Hà Giang)
Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã cắt băng khai mạc “Không gian văn hóa – trưng bày giới thiệu sản phẩm và thưởng thức trà” tại trụ sở mới Bộ Ngoại giao. Hoạt động này nhằm giới thiệu những sản vật của tỉnh như: Cam sành, mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò Cao nguyên đá, các loại dược liệu quý hiếm. Đồng thời, giới thiệu những nét đặc trưng và tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, đỉnh Mã Pì Lèng, núi đôi Quản Bạ…
Tuệ Lâm (t/h)