Nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao khi Tết Nguyên đán đang gần kề
Số ca ngộ độc rượu dịp Tết tăng cao
Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bình thường mỗi ngày tại Trung tâm cũng tiếp nhận từ 2 đến 3 ca ngộ độc rượu. Nhưng vào thời điểm trước Tết, trong và sau Tết Nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp Tết đến, xuân về.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, thời gian gần đây, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân nặng có dấu hiệu bị mù mắt, viêm gan, sau đó là trụy mạch và tử vong. Những người thoát chết thì cũng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (BV Bạch Mai) thăm hỏi bệnh nhân ngộ độc rượu. (Ảnh: VOV)
“Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều người nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Hàng loạt bệnh ung thư do rượu
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Một loạt các bệnh mãn tính, ung thư như: ung thư thực quản, dạ dày, ung thư đường tiêu hóa đều liên quan đến rượu. Ngoài ra, các bệnh về huyết áp, đột quỵ, tâm thần… đều có nguyên nhân từ rượu. Theo thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếu 5 – 6% bệnh nhân tâm thần và ngày càng có xu hướng gia tăng”.
Về nguyên nhân gây ra ngộ độc rượu, ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.
Rượu trắng pha cồn công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc, tử vong hàng đầu. (Ảnh: Internet)
Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoài ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như: tổn thương não, hoại tử não, suy thận, mất trí nhớ, tổn thương nội tạng...
Bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu đa phần được lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân không tử vong lại chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…
Bộ trưởng Y tế nhận định hiện nay tỷ lệ ngộ độc rượu khoảng 1-2%/năm, nhưng tỷ lệ chết chiếm khoảng 7%/năm. Do đó, rượu bia là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.
Siết chặt kiểm tra nguồn gốc, chất lượng rượu dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua bán, tiêu thụ rượu được nhận định sẽ lại tăng cao. Đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng trục lợi bằng các hành vi gian dối, bất chấp việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo chất lượng rượu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế các vụ ngộ độc rượu, Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng chống các ca ngộ độc rượu.
Về giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang biên soạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia trong tháng 6/2018 tới đây, sau đó sẽ trình ra Quốc hội. Đồng thời, tới đây Bộ cũng sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia.
Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Công thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp; khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.
Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các nguyên tắc: không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Tuệ Lâm (t/h)