Người Hà Nội hít khí “rất có hại cho sức khỏe” tăng nhiều lần
Tại buổi hội thảo “Chất lượng không khí ở Hà Nội - tình trạng và giải pháp khoa học kỹ thuật 2017” được tổ chức mới đây, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường đã đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh Internet).
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID), tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi.
Theo nghiên cứu của Green ID, nồng độ bụi PM 2.5 (một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất, có thể gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch) trung bình năm 2016 là 50,5 microgam/m3 thì quý I 2017 đã tăng lên 54,6 microgam/m3, gấp 2 lần so với tiêu chuẩn quốc gia.
Tương tự, nếu năm 2016, Hà Nội có 123 ngày vượt ngưỡng tiêu chuẩn quốc gia về các chỉ số an toàn không khí, 282 ngày vượt ngưỡng của WHO thì mới trong quý I, 2017, Thủ đô đã có đến 37 ngày vượt ngưỡng tiêu chuẩn quốc gia và 87 ngày vượt ngưỡng tiêu chuẩn của WHO.
Bà Ngụy Thị Khanh cho hay, đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức "rất có hại cho sức khỏe" gia tăng gấp 5 lần, từ 0,4% lên 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chất lượng không khí tại Hà Nội trong Quí 1/2016 và Quí 1/2017. (Ảnh: Green ID)
Qua phân tích các dữ liệu, đại điện Green ID cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí cao thường vào mùa đông, mùa xuân và có xu hướng cải thiện hơn vào mùa hè, mùa thu.
Cũng theo nghiên cứu của tổ chức này, thời điểm nồng độ bụi PM 2.5 và chỉ số đo chất lượng không khí cao trong năm 2016 tại Hà Nội thì thấy hướng gió và nguồn gây ô nhiễm chủ yếu từ phía đông đưa lại, với nồng độ tăng cao hơn khi di chuyển từ đồng bằng Châu Giang, Quảng Châu sang gặp khu công nghiệp phía đông Hà Nội.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng giao thông và xây dựng là 2 tác nhân chính.
Còn PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa) lại chỉ ra 4 tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội. Theo chuyên gia này, sự yếu kém về thể chế, những tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa sát và phản ánh đúng thực tế; hệ thống quan trắc phát thải yếu kém, chưa đồng bộ, nhiều nơi bỏ ngỏ, chưa có sự tham gia tích cực của các chủ phát thải và đặc biệt sự đầu tư chưa tương xứng cho việc bảo vệ không khí là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ngày càng trầm trọng.
Chuyên gia này lấy dẫn chứng cụ thể như đầu năm 2000, Hà Nội có 5 trạm quan trắc, nhưng đến nay 4/5 trạm đã hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại 1 trạm tại Viện khí tượng thủy văn đang hoạt động. Đến năm 2009, 2011, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm các trạm quan trắc khác, song đến nay qua thời gian dài sử, phần lớn các trạm đều đang xuống cấp, hiệu quả kém.
Ông Dũng cũng cho rằng, mức đầu tư cho vấn đề quan trắc, cải thiện chất lượng không khí của Việt Nam hiện nay còn quá thấp, chỉ bằng 1/10 so với bảo vệ môi trường nước.
Trong vấn đề cải thiện chất lượng không khí hiện nay, chuyên gia này cũng cho rằng chúng ta đang gặp phải không ít thách thức như thông tin về phát thải thay đổi liên tục, trong khi còn rất hạn chế cả về nhân lực và vật lực dẫn đến việc thiếu dữ liệu trong kiểm kê phát thải, ảnh hưởng đến việc đưa ra những quyết sách. Ngoài ra mật độ dân số đô thị gia tăng nhanh chóng, chất lượng giao thông có vấn đề, chất lượng ô tô, xe máy kém, ý thức tham gia giao thông kém cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn tại Việt Nam nói chung.
Do đó, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, cần quy hoạch lại đô thị và cần kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Nỗ lực đưa vấn đề về ô nhiễm môi trường trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng. Đồng thời cần gia tăng các biện pháp kinh tế thay vì các biện pháp hành chính thiếu hiệu quả.
Theo VOV