Nghề ngủ thử khách sạn: Có hay không việc dễ dàng hái ra tiền chỉ bằng cách ngủ?
Đi du lịch khắp mọi nơi, được ở trong những khách sạn hạng sang, được thưởng thức những món ăn đắt đỏ, được ngủ bao lâu tùy thích mà không phải lo lắng bị trễ giờ - đó chính là đặc điểm của nghề "ngủ thử".
Phóng viên đã có cơ hội gặp Khúc Sa Sa – một "thợ ngủ thuê" chuyên nghiệp tại khách sạn Guesthouse, Nam Kinh, Trung Quốc để tìm hiểu liệu công việc của cô có thực sự dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ?
Công việc "ngủ thuê" liệu có thực sự dễ dàng?
Sa Sa sinh năm 1985, đến từ Thượng Hải. Cô gái gây ấn tượng với lối trang điểm nhẹ và tính cách phóng khoáng đã chia sẻ với phóng viên bằng chất giọng Liêu Đông khó lẫn vào đâu được: "Gần một năm nay tôi đã được thuê "ngủ thử" tại hơn 100 khách sạn. Xuân, hạ, thu, đông, suốt bốn mùa tôi gần như đã đi du lịch khắp mọi nơi. Thực ra nghề này chỉ mới nổi một vài năm gần đây. Nói một cách đơn giản hơn, nó giống với công việc viết đánh giá cho khách sạn mà mình đã từng ở".
Khoảng 8 năm trước, trên các trang web du lịch đã đăng tải thông tin tuyển dụng thuê người "ngủ thử". Không lâu sau, "ngủ thử" đã trở thành công việc part time được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chỉ 2 năm gần đây, công việc này mới dần trở nên phổ biến hơn. Theo Sa Sa, khoảng 5000 người ở Trung Quốc coi đây là công việc bán thời gian. Còn những người "ngủ thử" chuyên nghiệp chỉ chiếm con số khiêm tốn 1/10.
Những người "ngủ thử" chuyên nghiệp chỉ chiếm một con số vô cùng khiêm tốn.
Theo kinh nghiệm từng làm người "ngủ thử" ở hơn 30 huyện, thành phố tại Trung Quốc cũng như từng nhận lời mời ngủ thuê cho hơn 20 khách sạn ở các quốc gia khác nhau, Sa Sa cho biết những người làm công việc đánh giá khách sạn tính đến thời điểm này đang có xu hướng phát triển theo hai hình thức. Nhóm người thứ nhất sẽ thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh cho khách sạn bằng những bức hình long lanh cùng khả năng viết lách của mình. Nhóm còn lại thường có tính cách tỉ mỉ, chính xác, vô cùng khắt khe trong việc lựa chọn khách sạn mà họ sẽ tiến hành "ngủ thử" và phê bình.
Theo Sa Sa, việc đầu tiên cần làm trước khi vào phòng là phải chọn được thời điểm có ánh sáng phù hợp nhất cho việc chụp hình, thường là vào tầm xế chiều. Bước tiếp theo phải quan sát thật kĩ từng khu vực như phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng gửi đồ,… Sau khi tìm được những điểm đặc biệt liền phải chụp lại ngay. Cô còn dành hẳn một buổi chiều để tìm hiểu về toàn bộ khu vực xung quanh khách sạn.
Người "ngủ thử" xem xét kĩ lưỡng nhà vệ sinh khách sạn.
Việc "ngủ thử" không đơn giản chỉ là đưa ra những đánh giá về hình thức của một khách sạn nào đó, mà còn phải dựa trên vô số tiêu chí khác nữa. Sa Sa cho biết những người theo nghề này bắt buộc phải có gu thẩm mỹ cao, có thể hiểu được dụng ý trong cách trang trí và cách lắp đặt các thiết bị của khách sạn. Đồng thời mỗi người cũng phải có những hiểu biết nhất định, tránh việc đưa ra những lời phê bình không đúng sự thật.
Theo quan niệm của nhiều người, "ngủ thử" khách sạn là một công việc không ổn định, thu nhập cũng khá bấp bênh. Tuy nhiên theo Sa Sa, ngoài thu nhập chính do các khách sạn chi trả, cô còn có có thể kiếm thêm tiền từ việc viết đánh giá, phê bình trên các diễn đàn, thậm chí nhận được thù lao từ các hợp đồng quảng cáo máy ảnh, điện thoại, trang sức,…Cô còn tiết lộ thêm, thu nhập từ công việc hiện giờ có thể nói là tăng gấp đôi so với việc làm giám đốc tại các doanh nghiệp trước đây của cô.
Công việc cũng có rất nhiều yêu cầu khắt khe.
Đối với Sa Sa, cô cảm thấy mình vô cùng may mắn khi có được sự ủng hộ từ người nhà, trong công việc có thể gặp được rất nhiều đồng nghiệp cùng chung chí hướng. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là công việc nhàn hạ và dễ kiếm tiền như mọi người vẫn nghĩ.
Dù cũng có những lúc kiệt sức vì mệt mỏi nhưng Sa Sa hi vọng mình sẽ mãi giữ được đam mê, nhiệt huyết của bản thân với công việc, đồng thời trong tương lai sẽ tiếp tục đảm bảo yếu tố chất lượng cho các tác phẩm của mình.
Ngọc Anh