Ngày 10/3, báo cáo hoàn chỉnh hai dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh lên Chính phủ
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, hai dự án do Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong nước và vốn ODA của Nhật Bản. Trong 2 dự án trên, hiện chỉ có dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công (dài khoảng 20km, khởi công từ tháng 8/2012), đã đạt khoảng hơn 50% khối lượng và giải ngân đạt khoảng hơn 30% vốn; còn tuyến Bến Thành - Tham Lương đến nay mới xây dựng tòa nhà điều hành.
Dự án Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2005-2006 với tổng mức đầu tư ban đầu là 126.582 triệu yen (tương đương 17.387 tỉ đồng), sau đó đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh, tính toán lại thiết kế cơ sở, tăng thêm quy mô thiết kế, cộng với sự thay đổi tỷ giá đồng Yên... với tổng mức đầu tư tăng lên mức 236.626 triệu yen (tương đương 47.325 tỉ đồng).
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công phần ngầm. (Ảnh: Lê Quân)
Còn dự án Bến Thành - Tham Lương, dài khoảng 40km, tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại cũng bị đội vốn từ mức 26.000 tỷ đồng lên 48.771 tỷ đồng. Hiện cả hai dự án đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo chủ trương, quy định hiện hành, các dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, đến thời điểm này, UBND TP Hồ Chí Minh chưa có tờ trình chính thức gửi Bộ GTVT liên quan đến việc điều chỉnh 2 dự án trên, mà chỉ cung cấp các hồ sơ đã có trước đây. Bên cạnh đó một số Bộ chức năng cũng chưa có ý kiến đóng góp để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng tình hình, kết quả thẩm định tổng mức đầu tư dự án.
Nhấn mạnh hai dự án trên được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm thời điểm và thời gian hoàn chỉnh việc thẩm định điều chỉnh hai dự án này là vô cùng cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng thời yêu cầu "Nội dung thẩm định cần làm rõ quá trình dự án từ lúc sơ khai đến hiện nay, cũng như những thay đổi về chủ trương, quy định pháp luật liên quan đến dự án trong quá trình triển khai, đơn giá, định mức, tỷ giá hối đoái... để kết quả thẩm định, kiến nghị phù hợp thực tế".
Dự kiến, chậm nhất ngày 28/2, Bộ GTVT sẽ có báo cáo Chính phủ những vấn đề cơ bản của dự án và ngày 10/3, Bộ GTVT báo cáo hoàn chỉnh đầy đủ về công tác thẩm định tổng mức đầu tư và các kiến nghị liên quan.
Minh Thu (T/h)