Mua bán nợ xấu gặp khó
Báo cáo của DATC cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Nhà nước tập trung chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Do đó, nhu cầu xử lý nợ xấu trong các tổ chức tín dụng và các DN gia tăng cả về giá trị khoản nợ và số lượng tổ chức tín dụng và DN.
Tuy nhiên, DATC cho biết DN này vẫn gặp khó khăn, thách thức bởi thị trường mua bán nợ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn khi nhiều tổ chức tham gia hoạt động mua bán nợ, trong đó các công ty mua bán nợ, quản lý tài sản trực thuộc ngân hàng chuyển hướng kinh doanh thực chất hơn sẽ làm hạn chế nguồn hàng từ các ngân hàng là khách hàng truyền thống của DATC.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách đặc thù về mua bán, xử lý nợ, tái cơ cấu DN cho hoạt động của Công ty chưa được hoàn thiện nên còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài chính, hỗ trợ phát triển DN sau tái cơ cấu.
Nhu cầu xử lý nợ xấu đang tăng mạnh
Trong thời gian tới, DATC đặt kế hoạch đạt doanh số mua nợ tăng 30% so với thực hiện năm 2016 bằng việc tăng cường quan hệ hợp tác với ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhằm tiếp tục khai thác nợ từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Với việc mua nợ qua VAMC, DATC sẽ khai thác, nắm thông tin từ các DN, các ngân hàng, tổ chức tín dụng có nợ đã chuyển giao cho VAMC để có cơ sở làm việc với VAMC chuyển giao thông qua phương thức mua, bán khoản nợ.
Ngoài ra, DATC thực hiện mua trọn gói, mua cả nhóm (gói) nợ có nhiều khách nợ từ các tập đoàn, tổng công ty. Cùng với đó, mua nợ của các công trình, dự án có nợ từ ngân sách (các công trình đã bàn giao nhưng ngân sách chưa giải ngân, còn nợ các DN. Sau khi mua nợ thu qua ngân sách các địa phương, trung ương)…
Đối với xử lý thu hồi nợ, DATC đặt kế hoạch doanh thu tăng 20% so với thực hiện năm 2016 nếu phần lớn phương án mua nợ để bán nợ; tăng 10% trong trường hợp đẩy mạnh số lượng DN mua nợ để tái cơ cấu DN. DATC đặt ra chỉ tiêu ước thực hiện năm 2017 tổng doanh thu 2.250 tỷ đồng; doanh số mua nợ, tài sản là 2.400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 390 tỷ đồng.
DATC sẽ tích cực làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu
Về tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ, DATC sẽ căn cứ vào kế hoạch về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để nắm thông tin nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản loại trừ với phương châm khi có phát sinh tổ chức tiếp nhận và triển khai xử lý ngay trong năm.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát toàn bộ hồ sơ tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của các năm trước để phân loại nợ, tài sản mất mát, thiếu hụt để xử lý hoàn tất hồ sơ đưa vào lưu trữ. Xây dựng kế hoạch cụ thể về số DN tiếp nhận; số DN xử lý tài sản/số DN đã tiếp nhận; giá trị thu hồi nợ/tổng giá trị nhóm nợ 1.
Đối với hoạt động tái cơ cấu DN, DATC sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch các DN chưa hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2016; đồng thời rà soát các phương án khảo sát năm 2016 và dự kiến mua nợ trong năm 2017 để đánh giá lựa chọn những DN đảm bảo tái cơ cấu có hiệu quả để đưa vào kế hoạch năm 2017.
Theo Tài chính