Một thời để nhớ: Những vệt phấn nhiệm màu!
Phim ảnh như là cuộc đời khi chúng tái hiện cho người xem thực tế chân thật dưới lăng lính đa chiều và ý nghĩa. Một thuở cắp sách đến trường đẹp như hoa mộng, đầy ắp kỷ niệm vui buồn với biết bao trò nghịch ngợm hồn nhiên. Bài học sinh động vươn vai lớn dậy, trút bỏ cái vỏ quen nhàm, tẻ ngắt. Con đường đi đến tương lai thênh thang rộng mở từ bao điều giản đơn mà giá trị. Từng cái vỗ vai trìu mến, sự nâng đỡ tận tâm của những người thầy, người cô đáng mến… Tất cả đều được chuyển tải tinh tế qua các tác phẩm điện ảnh dưới đây.
Our School's E.T (Thầy giáo tiếng Anh/2008)
Trong những câu chuyện về cuộc đời, số phận của các nhà sư phạm trên màn ảnh rộng thì có lẽ nhân vật thầy giáo Chun Sung Geun (Kim Soo Ro) là lận đận “3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh” bậc nhất. Là giáo viên thể dục “cả đời giảng dạy chẳng bao giờ phải cầm đến sách”, thầy Chun luôn vô cùng tận tâm, không bao giờ phân biệt xuất thân, hoàn cảnh… của học sinh.
Với vóc dáng khỏe mạnh, đậm chất thể thao, nụ cười răng khểnh tươi rói thường trực trên khuôn mặt chất phác, ngoài giờ học, thầy thường xuyên theo dõi đám học trò để “bắt quả tang” các vụ chơi bời, hút thuốc, quậy phá… – công việc vốn chẳng liên quan chút gì đến chuyên môn, nhiệm vụ của mình. Hơn thế, thầy Chun để yên cho học sinh đánh nhau, chỉ nhàn rỗi đứng làm trọng tài. Theo phương châm “Trận đấu thực sự khác đánh nhau đường phố ở chỗ phải có trọng tài phân xử đàng hoàng”, thầy Chun điềm nhiên đưa tiền cược của người thắng cho kẻ thua bị chảy máu mũi…
Khi chính sách mới của nhà trường là đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ, Chun Sung Geun có nguy cơ bị sa thải. Thầy quyết định chuyển nghề từ thể dục sang… tiếng Anh để tiếp tục sống còn trong môi trường sư phạm đang dần bị uế tạp với những cuộc cạnh tranh không lành mạnh.
Chặng đường hài hước và khí thế ngút trời mà thầy Chun chạy đua để “dùi mài kinh sử”, đến trung tâm học giao tiếp với người nước ngoài, cày cuốc như điên thâu đêm suốt sáng, dạy thử tiếng Anh trước hội đồng thẩm định, thất vọng rồi lại hy vọng… làm thành những thước phim tràn đầy đủ loại ngũ vị nhân sinh. Trên hành trình chông gai này, mặc dù đầu tắt mặt tối vươn lên để níu giữ “cái cần câu cơm”, Chun Sung Geun vẫn miệt mài làm trọn thiên chức của “người thắp đèn hướng thiện” khi nỗ lực hết sức có thể để động viên, nâng đỡ cho các cô cậu vị thành niên không bị sa ngã.
Nhờ vậy, Oh Sang Hoon (Lee Min Ho) mới biết quan tâm đến người khác, và kịp thời cứu sống Lee Eun Sil (Moon Chae Won) suýt tự tử thành công khi bị dồn vào đường cùng. Còn Baek Jung Koo (Baek Sung Hyun) giành chức vô địch boxing, đoạt được cơ hội vào ĐH Thể dục thể thao, trong khi Han Song Yi (Park Bo Young) giỏi giang quyết định sẽ trở về quê làm giáo viên dạy môn tiếng Anh.
“Our School's E.T” không chỉ hấp dẫn bởi sự quy tụ dàn sao đình đám của showbiz Hàn từ thời mới chập chững vào nghề, diễn xuất hoàn hảo của “Dì ghẻ Kim” Kim Soo Ro, kịch bản vui nhộn, kịch tính, gần gũi, đậm chất phương Đông. Ngoài ra, nó còn là bài học giàu tính khích lệ với những ai từng bị số phận “quăng đi quật lại” trong hố đen thử thách, là vệt phấn đáng nhớ mà mỗi chúng ta đều mong muốn được vẽ trên trang giấy tinh khôi thuở học trò.
Phim Our School's E.T phụ đề tiếng Việt
The School Of Rock (Rock học đường/2003)
“Bựa”. “Giống như ác mộng của phụ huynh nhưng lại là giấc mơ của mọi đứa trẻ”. “Cool” và xì-tin. Quái dị nhưng tài năng… Chúng ta có thể hình dung về “thầy giáo giả danh” trong “The School of Rock” đa sắc thái như thế, khi bộ phim hài âm nhạc này thổi tung tâm trí người xem bằng những giai điệu tươi tắn, sôi động kết hợp khéo léo với các thông điệp giáo dục thiết thực.
Không những “gây bão” ở thời điểm phát hành, vững vàng trụ ở vị trí Top các phim hài có đề tài nhạc Rock và học đường hay nhất (do chuyên trang phim IMDB xếp hạng), “The School of Rock” còn phác họa thành công chân dung “giáo viên kiểu mới” Dewey Finn (Jack Black).
Mọi rắc rối của Rocker chính hiệu Dewey bắt đầu khi anh bị đuổi cổ khỏi ban nhạc do mình tự khởi xướng, lâm vào tình trạng vô công rỗi nghề, ngay cả tiền thuê nhà cũng phải vay người bạn Ned Schneebley suốt mấy tháng trời. May thay, chàng béo ục ịch láu cá vớ ngay được cơ hội “đổi đời” khi giả danh thành Ned để đi dạy tại trường Tiểu học Horace Green.
Với vốn kiến thức dạy học “trắng bảng”, Dewey cho học sinh “ngồi chơi xơi nước” suốt buổi, bụng dạ thì chỉ bồn chồn mong đến giờ ăn và giờ về. Tuy nhiên, khi phát hiện ra tài năng âm nhạc của các cô cậu nhóc, anh chàng nảy ra ý định thành lập ban nhạc rock học đường để dự thi kiếm giải. Về lĩnh vực này, “ông thầy ngoại cỡ” ăn đứt người bạn cùng phòng Ned Schneebley ở điểm dám theo đuổi đam mê đến cùng, bị vấp ngã nhưng sẽ tự đứng dậy với thái độ tràn đầy lạc quan.
Điều thú vị nằm ở chỗ chính những phương pháp sư phạm “tay ngang” của Dewey lại là chất xúc tác giúp đám học trò bé xíu tỏa sáng, tự tin thể hiện bản thân và tìm ra ước mơ. “Học sinh chính là tương lai. Hãy để tiếng cười con trẻ khiến những giáo viên như chúng ta luôn nhớ về nghề nghiệp tuyệt vời của mình”. Chàng Rocker ranh ma đã vận dụng vô cùng hiệu quả quan điểm này trong thời gian dạy thay ngắn ngủi.
Phùng mang trợn mắt xé nát bảng biểu gắn sao, ghi điểm. Khuyến khích học sinh chơi đùa thoải mái chứ không phải học hành theo kiểu học gạo, “nhồi sọ” kiến thức. Khuyến khích các em coi trọng vẻ đẹp nhân cách, mạnh dạn thể hiện thế mạnh. Giảng dạy môn toán cực hấp dẫn bằng màn guitar solo… Dewey thực sự tạo ra một đế chế học đường tràn ngập âm nhạc, niềm vui theo phong cách của mình, và tự lúc nào anh trở thành một người thầy sống trách nhiệm vì học trò, một cố vấn tâm lý đầy tin cậy mà bọn nhóc còn cởi mở hơn cả với cha mẹ – thế chỗ cho chàng béo toan tính khôn lanh trước kia.
Ở phần kết phim, ban nhạc rock toàn các thành viên nhí “The School of Rock” tuy không giành giải quán quân nhưng lại được khán giả mến mộ nhiệt liệt. Ngoài ra, màn trình diễn tuyệt vời còn “công thành chiếm đất” tư tưởng lỗi thời, cổ hủ của các bậc phụ huynh, đem lại cho Dewey thiên chức người thầy đích thực trong công việc mới mà chính học sinh đã lựa chọn anh.
Dead Poets Society (Hội Thi nhân quá cố/1989)
Trong bộ phim kinh điển về nghề giáo này, Robin Williams, tài tử gạo cội qua đời vào tháng 8/2014 đảm nhiệm vai diễn John Keating – thầy giáo xuất sắc từng giảng dạy môn tiếng Anh ở London. Bối cảnh câu chuyện mở ra khi ông bắt đầu công việc tại Học viện Welton – một trong những ngôi trường phổ thông ở vùng Vermont dành cho nam sinh nổi tiếng nhất nước Mỹ với 4 nguyên tắc vàng: truyền thống, danh dự, kỷ luật và chất lượng.
Bằng tư tưởng giáo dục mới lạ, cấp tiến, thầy Keating thật sự đã phá bỏ chiếc hàng rào định kiến, áp chế vô hình nhưng có sức mạnh khủng khiếp hơn cả sắt thép quy chụp xuống tư tưởng của học sinh. Vì thế, mặc dù nói về môi trường sư phạm những năm 1959 nhưng khi xem phim, lứa khán giả bây giờ vẫn không thể không tủm tỉm sảng khoái trước một loạt tình huống, trường đoạn sâu sắc thú vị.
Đó là cảnh ông thầy mới tưởng chừng sẽ “thét ra lửa” để “thiết quân luật” luôn nhoẻn cười đôn hậu từ đầu tới cuối phim, và ra mắt cả lớp trong buổi học đầu tiên bằng tràng huýt sáo vui vẻ, ngộ nghĩnh khi đi một vòng xung quanh rồi luồn ra lối cửa sau. Ông kéo theo các cậu thiếu niên choai choai bảnh bao nhưng u ám áp sát vào các bức chân dung trong phòng truyền thống để có thể lắng nghe - cảm nhận “di sản” truyền lại từ thế hệ đi trước: “Carpe diem! Hãy sống hết mình, các chàng trai! Làm cuộc sống của mình trở nên phi thường” ("Carpe diem" là một thành ngữ Latin có nghĩa "Hãy sống với ngày hôm nay"). Đó là cảnh ông “sôi máu” với phần sách giáo khoa dạy cách cảm nhận thơ ca theo kiểu phương trình toán học và yêu cầu học sinh hãy xé chúng rồi vứt vào sọt rác. Hay học trò được khuyến khích tư duy khác biệt, được phép đứng lên bàn để nhìn nhận sự việc một cách đa chiều, gọi thầy giáo là “Thuyền trưởng”…
Ý tưởng của giáo dục là giúp học sinh học cách tự suy nghĩ. Từ ngữ, sự sáng tạo có thể thay đổi thế giới. Việc tuân thủ trở nên vô cùng nguy hiểm khi nó biến những bộ óc kỳ diệu thành cỗ máy vô tri. Có những lúc cần sự táo bạo, có những lúc cần sự thận trọng, người khôn ngoan hiểu được khi nào thì nên làm hay không… Chính nhờ được tưới tắm từ dòng suối nguồn tươi mát này của Keating, nhóm sinh hoạt thơ ca bí mật “Hội Thi nhân quá cố” mới hình thành, cậu học sinh Neil Perry mới kiên cường vượt qua nỗi ám ảnh về ông bố hà khắc để theo đuổi niềm đam mê diễn xuất, rồi Todd Anderson vứt bỏ được chứng sợ hãi khi phải đọc to trước mọi người để tỏ tình bằng bài thơ tự sáng tác…
Đặc biệt, vụ tự tử của Neil Perry ở phần kết khiến “Dead Poets Society” trở thành một bài thơ có dấu lặng điếng người. Thầy Keating bị đem ra làm “vật tế thần” cho sự kiện động trời này, bị buộc phải thôi việc vì đã “gieo vào đầu các em những tư tưởng nổi loạn”. Để biểu thị thái độ phản đối, cả lớp đồng loạt đứng lên bàn gọi ông là “Thuyền trưởng” trong giờ học do chính Hiệu trưởng giảng dạy. Nụ cười tạm biệt của ông thầy dí dỏm rạng rỡ như buổi bình minh mãi không tắt ánh sáng, khiến chúng ta phải nghiêng đầu trước một tâm hồn tuyệt đẹp và có thêm niềm tin ấm áp về một tương lai sẽ được đổi thay tích cực.
Good Will Hungting (Nâng bước tài năng/1997)
Hơn nửa thập kỷ sau, cũng với tạo hình thầy giáo trong “Good Will Hungting”, diễn viên hài nổi tiếng Robin Williams ẵm trọn tượng vàng Oscar danh giá ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Ở bộ phim này, Giáo sư – Chuyên gia tâm lý trị liệu Sean Maguire (Robin Williams) được bạn mình nhờ cậy để điều trị tâm lý cho “thiên tài toán học” lập dị Will Hunting (Matt Damon). Will sở hữu bộ não thần đồng nhưng ngày ngày vác cái lốt “thanh niên bất hảo” đi làm nhân viên gác cổng Học viện Công nghệ Massachusetts. Có tuổi thơ bất hạnh, khi lớn lên, anh lại giao du với nhóm bạn du côn và buông mình vào đủ các trò đánh lộn, say xỉn, phá phách… Khi nhận ra trí tuệ thực sự của Will, Giáo sư Toán học Gerald Lambeau vội vã áp dụng hàng loạt biện pháp cưỡng chế, những mong chàng trai nhanh chóng trở thành thiên tài, dù tâm lý Will bị xáo động dữ dội.
Trong khi đó, bằng cách tạo ra niềm tin – nền tảng quan trọng của các mối quan hệ, Sean Maguire từng bước trở thành “người thấu hiểu”, người thầy, người cha và cũng là người bạn thân thiết nhất của Will. Trong suốt 126 phút phim, những phân cảnh ấn tượng nhất vẫn là các cuộc nói chuyện, giãi bày nhân văn, ý vị giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa một chuyên gia lắng nghe với một người đàn ông “chưa có cơ hội trưởng thành”.
Cùng có quá khứ tăm tối như nhau, họ tiến bước đến gần đối phương bằng sự đồng cảm rất “con người”. Từ đó, trái ngược với một Will ngỗ ngược kịch liệt phản đối các cuộc trị liệu và còn châm chọc Sean, anh đã ôm lấy ông khóc lóc ngon lành như một đứa trẻ muốn vỗ về khi bị tổn thương.
Giống như poster đầy sức gợi của “Good Will Hungting”, trên cái nền vàng ruộm tại thành phố Boston – “nơi ngắm mùa thu đẹp nhất nước Mỹ”, cặp đôi già – trẻ ngồi bên nhau tâm sự trên chiếc ghế gỗ công cộng. Từ khung cảnh thiên nhiên bình yên rất đỗi nên thơ này cho đến gian phòng đượm vẻ cổ điển, Will đã được Sean Maguire “mài vàng giũa ngọc” bằng những câu chuyện phiếm ẩn giấu triết lý “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nhờ vậy, Will biết yêu thương, biết “lớn lên”, biết bản thân thực sự muốn làm gì, muốn sống như thế nào và đã tìm được một kết thúc có hậu cho chính mình.
Đây là một bộ phim đề tài Giáo dục/Vượt lên hoàn cảnh thực sự đáng xem, nhất là khi bạn từng mê mệt “Forrest Gump”, “The King’s Speech”, “Cuộc đời tuyệt vời của Amélie Poulain”, “A Beautiful Mind”…
Thủy Chinh